Góc khuất Khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam - Bài 3: Bất lực với ô nhiễm?

13/12/2017 00:00

(TN&MT) - Các công ty vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường bị bắt quả tang, xử lý chỉ như “đếm trên đầu ngón tay”, như “bắt cóc bỏ đĩa”. Vì vậy, môi trường vẫn cứ ô nhiễm như một điều hiển nhiên gắn với sự phát triển KCN, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Chính quyền, các cơ quan chức năng ở địa phương liệu có bất lực, hay còn một lý do nào khác?

Đâu là nguyên nhân?

KCN Đồng Văn của tỉnh Hà Nam có 4 khu thì KCN Đồng Văn I và KCN Đồng Văn II gây ô nhiễm nghiêm trọng, khiến người dân bức xúc nhất. Tuy nhiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam Trần Xuân Dưỡng lại khẳng định: Tất cả cửa xả hố gas trong KCN Đồng Văn I và II, nước rất trong.

Chúng tôi cũng cử người thường xuyên đo kiểm tra nước thải tại các nhà máy thải ra hệ thống chung của KCN thì các thông số đều đạt tiêu chuẩn quy định. Nguồn nước thải gây ô nhiễm Kênh A48, hay nguồn nước bị đen tại kênh ngang trong KCN (kênh ranh giới giữa KCN Đồng Văn I và KCN Đồng Văn II - PV), chúng tôi đang xác định nguyên nhân, nhưng xác định từ đâu mà nguồn nước bị đen là cả một vấn đề và không biết lý giải thế nào. Còn mùi thức ăn gia súc do các nhà máy sản xuất lan tỏa trong không khí gây khó chịu, thực ra là cám có mùi đặc trưng, nhưng nếu theo quy chuẩn thì vẫn trong giới hạn cho phép. Vấn đề một số cơ sở gây ô nhiễm mùi thuốc trừ sâu trong KCN theo phản ánh của người dân, là các cơ sở này họ mang từ đâu về chứ không phải sản xuất, đóng gói ở đó.

Cơ quan Công an kiểm tra mẫu nước thải chưa qua xử lý của Công ty TNHH First Young Products INC thải ra cống chung KCN Đồng Văn (ảnh - Công an Hà Nam)
Cơ quan Công an kiểm tra mẫu nước thải chưa qua xử lý của Công ty TNHH First Young Products INC thải ra cống chung KCN Đồng Văn (ảnh - Công an Hà Nam)

Khác với đánh giá, nhận định của lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam, báo cáo số 44/BC-STN&MT, ngày 24/3/2017 của Sở TN&MT tỉnh Hà Nam về việc đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường kênh A48, nêu rõ: Nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm kênh A48 chủ yếu là nước thải từ KCN Đồng Văn I và một phần ảnh hưởng từ các điểm tập kết rác thải của một số cụm dân cư dọc kênh A48.

Cơ quan Công an lập biên bản, xử lý doanh nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường tại KCN Đồng Văn (ảnh - Công an Hà Nam)
Cơ quan Công an lập biên bản, xử lý doanh nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường tại KCN Đồng Văn (ảnh - Công an Hà Nam)

Kết quả phân tích và đánh giá mức độ ô nhiễm so sánh với QCVN 08-MT:2015/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt cột B1 – dùng cho mục đích tưới tiêu thủy lợi, hoặc các mục đích sử dụng khác có yêu cầu chất lượng nước tương tự của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, một số mẫu nước mặt tại kênh A48 Khu công nghiệp Đồng Văn I cũng cho thấy, nhiều thông số vượt giới hạn cho phép. Cụ thể, khu vực miệng cống thải số 1 xả ra kênh A48 gần nhà PCCC - KCN Đồng Văn I, có 8/14 thông số được phân tích vượt giới hạn cho phép, trong đó, BOD5 vượt 66 lần, COD vượt 62,7 lần, NH4+ vượt 31,3 lần, TSS vượt 2,96 lần, DO thấp hơn giới hạn cho phép 4,7 lần, Fe vượt 4,96 lần, Cr+6  vượt 2,1 lần, As vượt 1,24 lần. Khu vực miệng cống thải số 2 xả ra kênh A48 - KCN Đồng Văn I, có 6/14 thông số được phân tích vượt giới hạn cho phép, trong đó, BOD5 vượt 2,4 lần, COD vượt 2,3 lần, NH4+ vượt 20,9 lần, DO thấp hơn giới hạn cho phép 2,18 lần, Fe vượt 1,2 lần, Cr+6  vượt 1,03  lần. Khu vực miệng cống thải số 3 xả ra kênh A48 - KCN Đồng Văn I: có 4/14 thông số được phân tích vượt giới hạn cho phép, cụ thể: BOD5  vượt 3,1 lần, COD vượt 2,9 lần, NH4+  vượt 19  lần, DO thấp hơn giới hạn cho phép 2 lần.

Kênh A48, đoạn qua KCN Đồng Văn I và II bị ô nhiễm nghiêm trọng
Kênh A48, đoạn qua KCN Đồng Văn I và II bị ô nhiễm nghiêm trọng

Từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Hà Nam cũng đã bắt, xử lý 4 vụ xả khí thải, nước thải không đúng quy định ở KCN Đồng Văn, xử phạt 386 triệu đồng.

Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Môi trường, Công an tỉnh Hà Nam, Trung tá Trần Đức Tuyển, cho biết: Các đơn vị, doanh nghiệp có rất nhiều cách thức, thủ đoạn xả nước thải sản xuất không đúng quy định ra môi trường. Họ có thể cắt bớt các khâu, công đoạn xử lý; đấu nối hệ thống xử lý nước thải chằng chịt, chỉ cần một thao tác đóng, mở van là có thể thay đổi dòng chảy của hệ thống xả thải. Tinh vi nhất là hệ thống xử lý vẫn hoạt động bình thường, nhưng doanh nghiệp lại sử dụng loại hóa chất rẻ hơn, không đúng chủng loại quy định, hoặc sử dụng nồng độ hóa chất ít hơn, không đủ để xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định...

Chưa làm hết trách nhiệm

Vấn đề ô nhiễm môi trường ở KCN Đồng Văn không còn là chuyện lạ và không phải bây giờ xã hội mới nói tới. Nhưng điều đáng nói là tại sao tình trạng ô nhiễm cứ ngày càng thêm nghiêm trọng, không được giải quyết triệt để? Trong khi, các cơ quan chức năng của tỉnh đến kiểm tra, xác định nguyên nhân ô nhiễm, mức độ độc hại ở KCN thì kết luận nguồn nước không bị ô nhiễm, môi trường không khí bảo đảm, các doanh nghiệp xả thải đúng quy trình. Lãnh đạo một số xã, thị trấn gần KCN Đồng Văn thì cho rằng, họ không có chức năng kiểm tra, giám sát việc xả thải của các đơn vị, doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Nguồn nước của thống kênh mương trong KCN Đồng Văn luôn ô nhiễm
Nguồn nước của thống kênh mương trong KCN Đồng Văn luôn ô nhiễm

Trao đổi với phóng viên về vấn đề ô nhiễm môi trường KCN Đồng Văn, ông Trần Đăng Trình - Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nam luôn đùn đẩy trách nhiệm và cho rằng: Việc kiểm tra, đánh giá tác động môi trường ở KCN Đồng Văn là do Ban Quản lý các KCN chịu trách nhiệm, Chi cục bảo vệ môi trường chỉ là cơ quan quản lý Nhà nước, xử lý văn bản, báo cáo tình hình là chủ yếu.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục cũng chưa tổ chức một cuộc kiểm tra nào. Kết quả phân tích mẫu nước, không khí tại một số điểm ở KCN thì các đợt vừa rồi một số cơ quan đã làm. 

Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam Trần Xuân Dưỡng cũng phân trần: “Vướng nhất hiện nay là UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Môi trường đô thị Hà Nam quản lý, vận hành nhà máy xử lý nước thải, nhưng họ cứ ì ra. Mặc dù đã tổ chức họp nhiều lần, chúng tôi cũng đã gửi văn bản đôn đốc nhưng việc cải tạo, nâng cấp nhà máy xử lý nước thải ở KCN Đồng Văn I vẫn rất chậm. Công ty quản lý hạ tầng ở đó thì chịu trách nhiệm việc xả thải ra môi trường thế nào, nhưng tôi suốt ngày phải đi nhắc nên rất bức xúc”.

Nước thải tại kênh ngang (ranh giới giữa KCN Đồng Văn I và II) luôn bị ô nhiễm nặng
Nước thải tại kênh ngang (ranh giới giữa KCN Đồng Văn I và II) luôn bị ô nhiễm nặng

Được biết, nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Đồng Văn I có công suất 1.000 m3/ ngày đêm, tiếp nhận và xử lý nước thải phát sinh của 74 doanh nghiệp đang hoạt động. Nhà máy xử lý nước thải tập trung (giai đoạn 1) của KCN Đồng Văn II có công suất 2.000 m3/ngày đêm, tiếp nhận và xử lý nước thải phát sinh của 53 doanh nghiệp đang hoạt động. Để tìm hiểu rõ hơn về hoạt động, vận hành của nhà máy, cũng như tình trạng ô nhiễm trong KCN, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ làm việc với lãnh đạo Ban Quản lý KCN Đồng Văn II, Đồng Văn I, nhưng đều bị từ chối.

Ô nhiễm môi trường ở KCN Đồng Văn thì đang hiện hữu, còn các cơ quan chức năng ở địa phương lại đùn đẩy trách nhiệm, tỏ ra bất lực.

Đề nghị Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Hà Nam, UBND tỉnh Hà Nam sớm vào cuộc làm rõ vụ việc./.

Xuân Phương - Hà Hương Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góc khuất Khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam - Bài 3: Bất lực với ô nhiễm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO