Góc khuất Khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam - Bài 2: Điểm mặt các Công ty "bức tử" môi trường

30/11/2017 00:00

(TN&MT) - Linh Nội, Văn Phái hay Thần Nữ, Đồng Văn... đều là những làng quê của huyện Duy tiên, tỉnh Hà Nam, vốn một thuở trong lành, thanh bình. Nhưng nay, nơi đây luôn ngập ngụa, ngột ngạt mùi hóa chất, mùi hôi thối từ khí thải, nước thải của KCN. Môi trường sống đang bị “bức tử”, người dân dù có kiến nghị, phản ánh nhiều thì vẫn cứ phải sống trong ô nhiễm, hứng chịu những hệ lụy.

Ô nhiễm khắp làng quê

Một thực tế đang hiện hữu ở vùng quê này, đó là: KCN càng phát triển, ô nhiễm môi trường càng trở nên nghiêm trọng; kinh tế gia đình khá giả, nhưng sức khỏe con người lại giảm xuống; nhiều ngôi nhà cao tầng, biệt thự mọc lên cùng với đó là ô nhiễm môi trường.

o
 

 

Đoạn kênh A48 chảy qua thị trấn Đồng văn, nguồn nước luôn đen xì, đặc quánh bốc mùi hôi thối
Đoạn kênh A48 chảy qua thị trấn Đồng văn, nguồn nước luôn đen xì, đặc quánh bốc mùi hôi thối

Bức tranh môi trường hiện nay ở các thôn, xóm gần KCN Đồng Văn là sự hỗn độn của đủ thứ mùi, màu và ô nhiễm. Ô nhiễm nguồn nước, khói bụi, tiếng ồn và không khí đang bủa vây khắp xóm làng. Nguồn nước ở nhiều kênh mương, ao hồ khu vực này luôn đen ngòm, đặc sánh. Bất đắc dĩ, nhiều con mương trở thành những con mương “chết”; nhiều ao nuôi cá trước đây, giờ để hoang. Nhiều diện tích đất bị thoái hóa, ô nhiễm không thể tiếp tục canh tác được nữa.

Nhiều ao hồ nuôi thả cá gần KCN bị bỏ hoang do nguồn nước bị ô nhiễm
Nhiều ao hồ nuôi thả cá gần KCN bị bỏ hoang do nguồn nước bị ô nhiễm

Những ngày vừa qua, dòng nước kênh A48 luôn đen xì, đặc quánh, nồng nặc mùi hôi thối, hóa chất, khiến ai đi qua cũng ngao ngán. Theo người dân phán ánh, tình trạng này đã diễn ra từ hơn mười năm nay. Một người dân thôn Đồng Văn (thị trấn Đồng Văn) sinh sống gần dòng kênh, bức xúc: “Đêm đến không ngủ được, chúng tôi phải trùm chăn kín mặt để che mùi hôi thối. Ai đi qua khu vực này cũng phải bịt mũi, khó ngửi lắm, mùi như là mùi chuột chết, cóc chết. Chúng tôi ở đây khổ lắm”.

Kênh A48 dài khoảng 15km chảy dọc Quốc lộ 1A, nối từ Khu công nghiệp Đồng Văn I, Đồng Văn II, đi qua thị trấn Đồng Văn, xã Hoàng Đông, xã Tiên Tân (huyện Duy Tiên) đến phường Lam Hạ (TP.Phủ Lý) rồi đổ ra sông Châu Giang, sông Đáy. Nhiệm vụ chính của kênh A48 là tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng từ nhiều năm nay, kênh còn tiếp nhận, tiêu thoát nước thải của Khu công nghiệp Đồng Văn và nước thải của một số cụm dân cư. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng nguồn nước kênh A48 bị ô nhiễm là do rác, nước thải sinh hoạt từ các thôn xóm nằm dọc theo con kênh thải ra. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Hoàng Đông Đỗ Văn Tấn, cho rằng: “Không có chuyện nước thải sinh hoạt ở các khu dân cư trên địa bàn xã thải ra kênh A48 gây ô nhiễm, chỉ biết kênh mương này bắt nguồn từ KCN Đồng Văn chảy qua địa bàn xã. Ngay đoạn kênh gần KCN Đồng Văn, dòng nước đã ô nhiễm rồi”.

Nguồn nước thải ô nhiễm tại đoạn kênh A48 tại KCN Đồng Văn II
Nguồn nước thải ô nhiễm tại đoạn kênh A48 tại KCN Đồng Văn II

Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Văn Đỗ Xuân Thủy, thẳng thắn nói: “Nước thải chủ yếu của KCN Đồng Văn I, Đồng Văn II xả thải ra kênh A48 rồi xuống nhà máy xử lý nước thải của TP.Phủ Lý”.

Quanh năm suốt tháng sống trong môi trường ô nhiễm, nhưng thứ mà người dân ở đây sợ nhất, kinh hãi nhất lại là mùi khí độc hại, hóa chất từ các công ty, nhà máy xả ra môi trường. “Nhà tôi sống gần các nhà máy nên rất khổ, không thể chịu nổi.  Có những ngày, mùi hóa chất, mùi khí độc từ Công ty CP đồng kỹ thuật KOREA Việt Nam - KCT ViNa thải ra, phả vào nhà suốt ngày đêm, gây chóng mặt, choáng váng”- bà Phan Thị Ngãi ở thôn Thần Nữ, phán ánh.

Nguyện vọng của dân bao giờ được giải quyết?

Đa số người dân sinh sống gần KCN đều phản ánh, họ sợ nhất những ngày trời mưa, hoặc khi thời tiết thay đổi, không khí u ám là các công ty, nhà máy lại tranh thủ xả khí độc, nước thải ra môi trường mà không qua bất kỳ khâu xử lý nào. Còn mùi xú uế từ các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi thì tỏa ra môi trường quanh năm ngày tháng. Vẫn theo người dân nơi đây, gây ô nhiễm, ảnh hưởng môi trường nhiều nhất là các công ty chuyên sản xuất đồ trang sức mỹ ký, mạ kim loại, nhà máy dệt may, chế biến thuốc trừ sâu, tái chế nhựa và dây dẫn điện, đúc đồng Korea, chế biến thức ăn chăn nuôi...

Nhà máy gần khu dân cư vô tư xả khói
Nhà máy gần khu dân cư vô tư xả khói

Ông Nguyễn Đức Xuân, xã Bạch Thượng, bức xúc: “Chúng tôi ở đây chịu đựng ô nhiễm từ nhiều năm nay rồi. Càng ngày càng không thể chịu nổi tiếng ồn, nước thải, khí thải từ các nhà máy. Rất nhiều lần chúng tôi kiến nghị, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không được giải quyết”.

Trưởng thôn Linh Nội Nguyễn Văn Lịch, cho biết thêm: “Khoảng 1-2 ngày nay, các nhà máy xả như xả bình hơi, rít kinh lắm. Bụi nhiều, mùi cám cò rất khó chịu. Bây giờ cứ mưa to là nước đen từ nhà máy thải ra. Người dân trong thôn bị ảnh hưởng nhất là tiếng ồn, nguồn nước thải ô nhiễm, bầu không khí cũng đang bị ô nhiễm”. Ông Nguyễn Văn Lịch cho biết thêm: Tất cả khu công nghiệp giáp với dân đều có khoảng đất để trồng cây xanh ngăn cản khói bụi và tiếng ồn, nhưng khu vực này lại không có. “Chúng tôi xem trên bản đồ, bản vẽ thiết kế là vị trí nhà máy dệt may Đài Nguyên đang đóng là khu vực trồng cây xanh. Thế nhưng, không hiểu sao tỉnh lại cho nhà máy dệt vào làm?” – ông Nguyễn Văn Lịch cho hay.

1 - Người dân phản ánh, công ty CP Công ty CP đồng kỹ thuật KOREA Việt Nam gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng từ nhiều năm nay
Người dân phản ánh, công ty CP Công ty CP đồng kỹ thuật KOREA Việt Nam gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng từ nhiều năm nay

Trưởng Thôn Thần Nữ (xã Bạch Thượng) Phan Văn Toàn, cũng bức xúc: “Không chỉ nguồn nước bị ô nhiễm, mùi khí độc hại thải ra từ các nhà máy khiến người dân không thể chịu đựng được. Gây ô nhiễm không khí nặng nhất là Công ty CP đồng kỹ thuật KOREA Việt Nam, Côngty TNHH Hankook Al Tec Vina. Mặc dù Công ty đã nâng ông khói lên cao vài chục mét, nhưng cũng không giải quyết được gì”.

Bức xúc vì phải sống trong môi trường ô nhiễm, mắc bệnh đầy mình, những lá đơn kiến nghị cứ theo đợt được gửi lên xã, nhưng xã cũng chỉ có chức năng, quyền hạn nhất định. Tại buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp và đại biểu Quốc hội, những ý kiến phản ánh lại tiếp tục được bày tỏ. Chính quyền các cấp, lực lượng chức năng đều biết, nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra về tìm hiểu, nhưng những nguyện vọng chính đáng của người dân vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền trả lời rõ ràng, giải quyết thấu đáo.

Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin./.

                                                                                Xuân Phương - Hà Hương Nam

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góc khuất Khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam - Bài 2: Điểm mặt các Công ty "bức tử" môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO