Gỡ vướng triển khai kiểm kê đất đai ở địa phương

Thúy Nhi| 08/10/2020 09:34

(TN&MT) - Hướng dẫn của Bộ TN&MT ban hành trong Thông tư số 27 về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất đã góp phần tháo gỡ những khó khăn khi triển khai công tác kiểm kê đất đai ở địa phương so với trước đây.

Theo Tổng cục Quản lý đất đai, Thông tư số 27/2018/TT-TNMT được sửa đổi bổ sung từ Thông tư số 28/2014/TT-BTNMT năm 2014. Vì vậy, cơ bản các nội dung vẫn được giữ nguyên như Thông tư số 28 và có sửa đổi bổ sung một số nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Trước đây, khi sử dụng Thông tư số 28 việc kiểm kê đất đai năm 2014 đã tạo lập được bộ bản đồ kết quả điều tra kiểm kê đất đai của tất cả các xã, có giá trị sử dụng trong thống kê, kiểm kê đất định kỳ. Nhiều địa phương đã chỉnh lý biến động hàng năm vào bản đồ này để tổng hợp số liệu thống kê định kỳ bằng phần mềm kiểm kê.

Thông tư số 27 đã tháo gỡ nhiều khó khăn khi triển khai kiểm kê đất đai so với trước đây

Đồng thời, Thông tư số 28 đã được thực hiện qua 1 kỳ kiểm kê và 3 kỳ thống kê đất đai. Kết quả thực hiện đã tạo sự thay đổi lớn về chất lượng số liệu do khắc phục được tình trạng thống kê trùng, sót diện tích và bảo đảm được tính trung thực, thống nhất số liệu thống kê, kiểm kê.

Tuy vậy, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần được sửa đổi hoàn thiện như: Nguyên tắc thống kê, kiểm kê theo hiện trạng sử dụng đất đối với cả trường hợp đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa thực hiện và Biểu 05/TKĐĐ không tổng hợp được diện tích các trường hợp này theo hiện trạng; dẫn đến diện tích đất chưa sử dụng ở nhiều địa phương tăng lên và việc phê duyệt kết quả kiểm kê rất khó khăn, kéo dài; vướng mắc khi sử dụng số liệu cho xây dựng quy hoạch sử dụng đất…

Theo đó, Thông tư số 27 đã có nhiều đổi mới như về nguyên tắc thống kê, kiểm kê đất đai, giữ nguyên tắc kiểm kê theo hiện trạng (loại đất và loại đối tượng sử dụng) tính đến thời điểm thống kê, kiểm kê; nhưng có một số sửa đổi, bổ sung: Trường hợp có quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa sử dụng theo quyết định thì thống kê, kiểm kê theo loại đất, loại đối tượng ghi trong quyết định; đồng thời, tổng hợp thống kê, kiểm kê các trường hợp này vào biểu riêng (không kể trường hợp có quyết định nhưng chưa được bàn giao đất thực địa); trường hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa vẫn thống kê, kiểm kê theo loại đất trồng lúa; đồng thời, kiểm kê theo loại đất sau chuyển đổi vào biểu riêng để theo dõi, quản lý.

Về thời điểm triển khai thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai giữ nguyên thời điểm chốt số liệu thống kê, kiểm kê nhưng thay đổi thời điểm triển khai và báo cáo kết quả sớm hơn trước đây.

Về nội dung, phương pháp thực hiện thống kê, thực hiện thống kê bổ sung việc “Rà soát, cập nhật, chỉnh lý các biến động đất đai trên bản đồ kiểm kê đất đai”.

Phương pháp thực hiện thống kê được sửa đổi theo hướng: Thống kê sẽ được thực hiện trên cơ sở rà soát chỉnh lý bản đồ kiểm kê đất đai dạng số đối với các trường hợp biến động đã thực hiện xong thủ tục hành chính về đất đai trong kỳ thống kê và sử dụng phầm mềm thống kê đất đai của Bộ TN&MT để tổng hợp số liệu…

Cũng theo Thông tư số 27, để công tác thống kê đất đai định kỳ được thực hiện hiệu quả, việc thống kê phải dựa trên các nội dung như: Thu thập các hồ sơ, tài liệu, bản đồ, số liệu liên quan đến biến động đất đai trong kỳ thống kê; số liệu kiểm kê đất đai hoặc số liệu thống kê đất đai được thực hiện trong năm trước; Rà soát, cập nhật, chỉnh lý các biến động đất đai trên bản đồ kiểm kê đất đai; Xử lý, tổng hợp số liệu vào các biểu thống kê đất đai ở các cấp theo quy định; Phân tích, đánh giá, hiện trạng sử dụng đất, biến động đất đai, đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý nâng cao hiệu quả sử dụng đất; Xây dựng báo cáo thống kê đất đai; Phê duyệt, in sao và ban hành kết quả thống kê đất đai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ vướng triển khai kiểm kê đất đai ở địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO