Gỡ vướng giải quyết nạn phá rừng, di cư tự do ở Mường Nhé

21/04/2017 00:00

(TN&MT) - Chiều 21/4, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị thống nhất giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Kế hoạch 420/KH-UBND của UBND tỉnh Điện Biên về giải quyết tình trạng phá rừng và di cư tự do tại huyện Mường Nhé năm 2017.

Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phát biểu chỉ đạo hội nghị
Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phát biểu chỉ đạo hội nghị

Sau gần 2 tháng (từ 1/3 – 20/4) thực hiện Kế hoạch, các tổ công tác đo được hơn 6.632ha rừng, phát hiện 227 điểm bị phá với diện tích rừng bị phá gần 720ha. Các tổ công tác đã phát hiện 71 vụ, 108 đối tượng có hành vi huỷ hoại rừng với tổng diện tích hơn 49ha (đều là mới phát năm 2017). Qua đó khởi tố 14 vụ, 15 bị can; xử phạt hành chính 30 vụ, 58 trường hợp và đang điều tra, xác minh 27 vụ, 35 đối tượng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Kế hoạch còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hầu hết đất ở, nhà ở của các hộ dân chưa được cấp sổ hộ khẩu nằm trong khu vực thuộc rừng phòng hộ, rừng sản xuất hoặc đất quy hoạch Đề án 79. Hầu hết các cặp vợ chồng không có giấy đăng ký kết hôn, các thành viên gia đình không có giấy khai sinh, đa số không biết chữ...bởi vậy quá trình kê khai thông tin cá nhân phục vụ công tác lập hồ sơ hộ khẩu, chứng minh nhân dân còn sai sót, nhầm lẫn hoặc không xác định được ngày tháng năm sinh. Việc rà soát, kiểm đếm rừng chậm tiến độ đề ra.

Mặt khác, liên quan đến Đề án 79, công tác đo đạc, quy chủ, phân chia đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân ở nhiều điểm hiện nay còn chưa cụ thể. Nhiều hộ hiện nay đã được cấp đất ở, đất sản xuất nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên xảy ra tranh chấp. Nhiều điểm chưa được cấp đất sản xuất.

Mới đây, ngày 7/4/2017 huyện Mường Nhé có ra thông báo số 120 về việc cơ cấu lại và giao cho mỗi hộ 3ha đất rừng đã bị phá làm nương và nương luân canh để tập trung canh tác, sản xuất, trồng rừng. Việc triển khai thông báo này dẫn đến nhiều hộ dân lợi dụng để đốt nương tại những điểm rừng đã bị phá từ đầu năm 2017 và phá nương tại các nương chờ đã bỏ hoang từ nhiều năm trước để làm nương; nhiều hộ dân lợi dụng đề án trồng rừng để phá rừng trồng keo (bản Huổi Lắp xã Quảng Lâm đã phá hơn 10ha rừng). Việc thực hiện theo Thông báo 120 cũng làm cho các hộ dân thuộc Đề án 79 đòi thêm đất sản xuất đủ 3ha (Đề án 79 chỉ cấp cho mỗi hộ 2ha).

Ngoài ra, vừa qua UBND tỉnh Điện Biên đã có văn bản gửi các tỉnh Sơn La, Lai Châu với nội dung sẽ trao trả hết 181 hộ, 947 nhân khẩu từ các tỉnh này di cư đến Mường Nhé nhưng chưa có đất ở, đất sản xuất và không đủ điều kiện tại huyện Mường Nhé. Tuy nhiên trên thực tế các tỉnh không thống nhất thực hiện.

Tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, ban chỉ đạo và các thành viên thường trực Kế hoạch 240 đã họp bàn, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn: vấn đề cấp đất ở, đất sản xuất cho người dân; rà soát, xem xét cấp hộ khẩu, chứng minh cho thư nhân dân; xử lý các vụ việc vi phạm phá rừng có hồ sơ…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho rằng: Huyện Mường Nhé và tổ công tác thực hiện Kế Hoạch 240 cần phối hợp thống nhất, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, vì mục tiêu của Kế hoạch: không để phá rừng, không di cư tự do, ngăn chặn âm mưu diễn biến hòa bình. Ông Mùa A Sơn nhấn mạnh Kế hoạch 420 rất quan trọng, trong thời gian tới đề nghị các ngành và huyện Mường Nhé tập trung thực hiện, phấn đấu đến cuối năm ổn định tình hình ở Mường Nhé.

Vấn đề đất sản xuất, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các ngành nhanh chóng thực hiện theo Đề án 79, trước mắt là giao cho mỗi hộ gia đình 2ha đất sản xuất và 400m2 đất ở. Với Thông báo 120 của huyện Mường Nhé, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng hình thức không đúng quy định về pháp lý. Mặt khác nội dung Thông báo dễ đưa huyện vào vi phạm vì hợp pháp hóa cho tình trạng phá rừng. Tỉnh đề nghị huyện Mường Nhé hủy Thông báo 120.

Đối với 181 hộ dân mà tỉnh Điện Biên có văn bản gửi các tỉnh Sơn La, Lai Châu để trả lại mà chưa thực hiện được. Trong thời gian tới, nếu các hộ có nhu cầu thì các ngành xem xét bố trí cho các hộ cư trú, tuy nhiên các trường hợp này không được hưởng chế độ theo Đề án 79. Đối với các trường hợp mới di cư vào Mường Nhé trong năm 2017 kiên quyết không tiếp nhận.

Lãnh đạo tỉnh Điện Biên cũng chỉ đạo các ngành liên quan xem xét cấp giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng  minh nhân dân, giấy khai sinh cho các hộ dân chưa được cấp để bà con an tâm sản xuất.

Nam Hương

                                                                             

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ vướng giải quyết nạn phá rừng, di cư tự do ở Mường Nhé
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO