Gỡ rào cản để hút vốn Nhật

23/12/2017 15:28

Những vướng mắc trong thủ tục thuế, hải quan, môi trường - đời sống, pháp luật - lao động đang là mối lo ngại lớn của các nhà đầu tư (NĐT) Nhật Bản tại Tp.HCM....

Những vướng mắc trong thủ tục thuế, hải quan, môi trường - đời sống, pháp luật - lao động đang là mối lo ngại lớn của các nhà đầu tư (NĐT) Nhật Bản tại Tp.HCM. Có những vấn đề được chính quyền thành phố tháo gỡ nhanh cho các NĐT, nhưng cũng có những rào cản tồn tại lại nằm “ngoài tầm với” đòi hỏi sự nỗ lực cải thiện từ các bộ, ngành.
 
Từ trước đến nay, Nhật Bản có nhiều NĐT nhất nhì tại Việt Nam và luôn được đánh giá là những NĐT chất lượng cao, đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Trong 11 tháng đầu năm 2017, Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 8,94 tỷ USD, chiếm 27% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
 
Có chuyển biến,nhưng chưa đủ
 
Tp.HCM hiện là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất cả nước với tổng số vốn đăng ký trong 11 tháng qua là 5,68 tỷ USD, chiếm 17,2%. Nhật Bản là NĐT lớn thứ 6 tại Tp.HCM với 1.110 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đạt 3,95 tỷ USD.
 
Mặc dù vậy, vẫn có những vướng mắc về mặt chính sách, thủ tục mà các doanh nghiệp (DN) Nhật cho rằng cần phải sớm tháo gỡ. Vấn đề này đã được đưa ra mổ xẻ tại hội nghị bàn tròn DN Nhật Bản 2017 diễn ra ở Tp.HCM mới đây. Theo đó, có đến 50 câu hỏi từ DN Nhật được đặt ra, nhưng phía Tp.HCM muốn tập trung giải quyết, làm rõ 5 vấn đề.
 
Đó là kiến nghị về việc xem xét lại nội dung Dự thảo Nghị định sửa đổi các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; Xác nhận sự cần thiết của thủ tục đăng ký góp vốn theo điều 26 của Luật Đầu tư đối với trường hợp NĐT nước ngoài (đã có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) tăng vốn; Xác nhận tình trạng hiện nay của Quy định về hạn chế nhập khẩu (NK) máy móc thiết bị cũ; Xác nhận tình trạng hiện nay của Quy định về việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với người lao động nước ngoài; Xác nhận tình trạng hiện nay của Quy định về thủ tục đăng ký sử dụng máy photocopy màu.
 
Ông Kadowaki Keiichi, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Tp.HCM (JBAH), cho rằng chính quyền Tp đã tích cực lắng nghe, xử lý các vướng mắc của các DN Nhật theo 4 nhóm lĩnh vực (môi trường – đời sống, pháp luật – lao động, thuế, hải quan). 
 
Tuy nhiên, đề nghị các cơ quan quản lý khi tiếp nhận các nội dung cần kiến nghị, lấy ý kiến bộ, ngành trung ương thì nhanh chóng có trả lời cho JBAH về kết quả xử lý. 
 
Các DN Nhật đánh giá cao sự chuyển biến trong cách áp dụng các quy định về thị thực (Visa), giấy phép lao động cho chuyên gia của DN ngoại, tăng giới hạn tổng số giờ làm thêm. 
 
Tuy nhiên, JBAH bày tỏ gặp khó khăn với quy định về khoảng cách giữa 2 bậc lương liền kề ít nhất 5% trên thang, bảng lương và có nguyện vọng bãi bỏ quy định trên.
 
Đặc biệt, các DN Nhật tiếp tục muốn xác nhận tình trạng hiện nay của Quy định về hạn chế NK máy móc thiết bị cũ tại Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN của Bộ KH&CN về quy định việc NK máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
tnmt go rao can de hut von nhat
Còn nhiều vướng mắc, rào cản mà các nhà đầu tư Nhật muốn được các bộ ngành sớm tháo gỡ
Cần tháo gỡ nhanh

Còn nhớ, vài tháng trước, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Tp.HCM, từng lưu ý lại những bất cập của Thông tư 23/2015 đối với giới đầu tư Nhật Bản hiện nay.

Theo đó, từ năm trước, quy định về cấm NK máy móc, thiết bị không vượt quá 10 năm đã làm hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh của rất nhiều DN Nhật. 

Với quy định này, các DN Nhật không thể nào mang các máy móc từ bên Nhật sang Việt Nam để sử dụng, dẫn đến việc có nhiều DN không tăng được sản lượng cũng như khó tăng hoạt động tuyển dụng lao động mới.

Với thẩm quyền của mình, chính quyền Tp.HCM, khi trả lời về vấn đề này cũng chỉ có thể cho biết hiện nay, Bộ KH&CN đang phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ chuyên ngành lập phương án sửa đổi Thông tư 23/2015 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19-2017 ngày 6/2/2017 (theo Công văn số 2807/BKHCN-ĐTG ngày 24/8/2017 của Bộ KH&CN) để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho DN.

Trong thủ tục hải quan, Cục Hải quan đã ghi nhận kiến nghị của JBAH, cho biết đã báo cáo Tổng cục Hải quan để khắc phục tình trạng không thống nhất về mã HS khi thông quan hàng hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong hoạt động xuất nhập khẩu và thống nhất thực hiện trong nội bộ ngành. Riêng về khoản lệ phí không chính thức khi thông quan, DN Nhật Bản cho rằng đã được cải thiện. 

Về vướng mắc thuế của DN Nhật, trong 3 nội dung mới phản ánh trong năm nay, Cục Thuế cho biết đã làm rõ thủ tục và thời gian xử lý hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN. Còn 2 kiến nghị nới lỏng thời gian khai và nộp thuế môn bài và quy định quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết thì Cục Thuế báo cáo với Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính.

Với trách nhiệm của mình, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM, chỉ có thể trả lời là chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của DN Nhật. Chính quyền Tp lắng nghe, giải quyết trong thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết một cách sớm nhất. 

Theo giới chuyên gia, khi đầu tư sản xuất tại Việt Nam, các DN Nhật quan tâm nhiều nhất là tính minh bạch, rõ ràng trong chính sách và cần cải tiến thủ tục nhanh hơn. 

Để minh bạch hơn thì khoảng cách giữa việc thực thi của cơ quan quản lý và DN Nhật nên được rút ngắn lại. Điều rất cần ở các bộ ngành chính là sự cải tiến, khai thông thể chế nhằm tạo dựng niềm tin cho giới đầu tư Nhật hứng khởi rót vốn vào Việt Nam.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ rào cản để hút vốn Nhật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO