Giúp người khuyết tật hòa nhập trong phòng chống thiên tai

01/11/2016 00:00

(TN&MT) – Hiện nay, bên cạnh việc đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống các công trình, cơ sở vật chất phòng chống thiên tai, Nhà nước ta đã quan tâm hoàn thiện thể chế, chiến lược, chính sách nhằm quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, tăng cường năng lực và nhận thức của người dân; trong đó đặc biệt quan tâm chú ý đến các đối tượng dễ bị tổn thương trong thiên tai, đó là người khuyết tật.

Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, 7,8% dân số Việt Nam (trên 5 tuổi) là người khuyết tật và tất cả họ là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong thiên tai. Người khuyết tật được xem như nạn nhân và không tham gia hiệu quả vào các hoạt động giảm thiểu rủi ro thiên tai. Rất ít đại diện người khuyết tật tham gia vào Ban phòng chống thiên tai (PCTT) hoặc Nhóm hỗ trợ kỹ thuật các cấp; tiếng nói,  nhu cầu của người khuyết tật cũng ít được nghe thấy. Do vậy, người khuyết tật gặp rủi ro cao về an toàn tính mạng, sức khỏe và thu nhập.

Ông Bùi Quang Huy – Giám đốc Trung tâm PT&GNTT (Tổng cục Thủy Lợi, Bộ NN&PTNT) cho biết, người khuyết tật chưa ưu tiên phòng chống thiên tai, chưa đánh giá được năng lực đóng góp của mình; trong khi đó các bên liên quan đánh giá chưa đúng về khả năng đóng góp của người khuyết tật, thiếu chính sách hỗ trợ, thiếu hướng dẫn về cách làm cũng như kiến thức về hòa nhập người khuyết tật.

Ông Bùi Quang Huy – Giám đốc Trung tâm PT&GNTT (Tổng Cục Thủy Lợi, Bộ NN&PTNT)
Ông Bùi Quang Huy – Giám đốc Trung tâm PT&GNTT (Tổng Cục Thủy Lợi, Bộ NN&PTNT) 

Thực tế, chính phủ Việt Nam đã cam kết hòa nhập người khuyết tật trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai thông qua những chính sách quốc gia và quốc tế như Luật phòng chống thiên tai; Khung hành động Sendai; Chương trình phối hợp giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Lao động Thương binh & Xã hội; Chiến lược Incheon; Công ước quốc tế về quyền của Người khuyết tật; Luật Người khuyết tật.

Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện các chương trình giảm nhẹ rủi ro thiên tai có hòa nhập người khuyết tật vẫn chưa thật sự hiệu quả. Nguyên nhân chính là do các cơ quan liên quan thiếu kiến thức và kỹ năng để huy động sự tham gia của người khuyết tật; trong khi đó các tổ chức dân sự ở nước ta vẫn chưa khẳng định được vị thế của mình.

Theo ông Bùi Quang Huy, để hòa nhập người khuyết tật trong phòng chống thiên tai và sinh kế bền vững, trước hết cần hoàn thiện các chính sách, hướng dẫn có sự tham gia của người khuyết tật để đưa đại diện người khuyết tật tham gia vào các Ban PCTT, nhóm tư vấn kỹ thuật ở các cấp về vấn đề khuyết tật trong PCTT. Đồng thời, nâng cao nhận thức, năng lực cho các tổ chức của người khuyết tật, cán bộ các cấp về PCTT trong việc hòa nhập người khuyết tật trong PCTT; đặc biệt là cấp xã, thôn. Lồng ghép vấn đề khuyết tật vào các chương trình, đề án của Bộ NN&PTNT và Bộ LĐTB&XH, Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện.

Lớp tập huấn lồng ghép hòa nhập người khuyết tật trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng
Lớp tập huấn lồng ghép hòa nhập người khuyết tật trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng

Bên cạnh đó, đưa chỉ số giám sát đánh giá về hoà nhập người khuyết tật trong PCTT trong Bộ chỉ số thực hiện Công ước về quyền người khuyết tật; Bộ Chỉ số triển khai Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng,… Phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước (bao gồm các doanh nghiệp) tổ chức các hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai có hòa nhập người khuyết tật ở các cấp. Đặc biệt, chú trọng đến việc nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực cho người khuyết tật và các bên liên quan, xóa bỏ rào cản cho họ, xây dựng mô hình để nhân rộng…

Đối với hoạt động sinh kế trong PCTT, đưa các nội dung PCTT vào chương trình học của các trường/lớp đào tạo nghề cho người khuyết tật ; xây dựng kế hoạch tăng thu nhập cho người khuyết tật cần tính đến yếu tố rủi ro thiên tai; nâng cao nhận thức, hướng dẫn cách lập kế hoạch PCTT cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do người khuyết tật quản lý.

Ngoài ra, hướng dẫn và nâng cao năng lực cho các cơ quan PCTT các cấp, đặc biệt cấp xã, thôn để đảm bảo sự tham gia trực tiếp và hiệu quả của người khuyết tật trong quá trình đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và xây dựng Kế hoạch PCTT và lồng ghép trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như các chương trình, dự án liên quan; nâng cao nhận thức về PCTT cho các doanh nghiệp có sử dụng người lao động là người khuyết tật; có chính sách hỗ trợ sinh kế cho NKT sau thiên tai.

Tuyết Chinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp người khuyết tật hòa nhập trong phòng chống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO