Giúp dân giải độc chì ở làng nghề Đông Mai

14/05/2015 00:00

(TN&MT) - Vừa qua, UBND tỉnh Hưng Yên đã làm việc với Bộ Y tế bàn giải pháp giảm thiểu mức độ ô nhiễm và tẩy độc cho trẻ phơi nhiễm chì ở làng nghề Đông Mai (xã...

(TN&MT) - Vừa qua, UBND tỉnh Hưng Yên đã làm việc với Bộ Y tế bàn giải pháp giảm thiểu mức độ ô nhiễm và tẩy độc cho trẻ phơi nhiễm chì ở làng nghề Đông Mai (xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên).
 
Mức độ nhiễm chì ngày càng trầm trọng
 
Làng nghề tái chế chì ở Đông Mai đã có từ vài chục năm nay, giúp cuộc sống của người dân nơi đây cải thiện hơn rất nhiều. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, có đến 97% trong tổng số 500 trẻ em tại thôn Đông Mai được làm xét nghiệm nhanh có kết quả phơi nhiễm chì, hầu hết hàm lượng chì trong máu vượt ngưỡng 3 – 7 lần. Trong số các em nhỏ bị nhiễm chì có 33 em có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép đến hơn 4 lần và cần được điều trị gấp. Nếu không điều trị kịp thời, có thể bị liệt cơ, mềm nhũn chân tay, thiếu máu, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, co giật và hôn mê. 
 
UBND tỉnh Hưng Yên làm việc với Bộ Y tế nhằm đưa ra các giải pháp hiệu quả
UBND tỉnh Hưng Yên làm việc với Bộ Y tế nhằm đưa ra các giải pháp hiệu quả
Sở Y tế tỉnh Hưng Yên đang phối hợp với các cơ quan chức năng và Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) để tiến hành giải độc cho 33 trẻ bị nhiễm độc chì cao. Bài toán lớn nhất đang là vấn đề kinh phí. Bà Nguyễn Thị Anh - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hưng Yên cho biết: Không chỉ trẻ em mà hầu hết người lớn ở làng nghề Đông Mai khi làm xét nghiệm đều có lượng chì trong máu cao hơn mức cho phép. Y tế địa phương đang đến từng nhà vận động, không chỉ giúp kinh phí xét nghiệm mà còn cả thủ tục, chỉ mong người dân thực hiện xét nghiệm. 
 
Việc vận động các gia đình đưa trẻ đi xét nghiệm và tẩy độc chì vô cùng khó khăn. Bởi vì mỗi trường hợp xét nghiệm kiểm tra độc chì tốn khoảng 10 triệu đồng/người và phải mất khoảng 2 năm với 16 lần điều trị, kinh phí điều trị lên tới 240 triệu đồng/người. Do nhận thức kém nên người dân vẫn cho rằng, con em họ mới chỉ bị phơi nhiễm chì, chưa phát bệnh nên nhiều gia đình trì hoãn chữa trị. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhi đã bỏ điều trị hoặc không tuân thủ liệu trình của bác sĩ. Hoặc có tiếp nhận điều trị thì hầu hết chỉ điều trị 1 - 2 đợt rồi không quay lại. Nếu chỉ điều trị một vài tuần sẽ không thể thải được nồng độ chì trong cơ thể.
 
Giải pháp nào xử lý ô nhiễm và giải độc cho người dân
 
Theo Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường, hiện một số thuốc thải độc chì vẫn có trong danh mục cho phép của BHYT. Tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục bổ sung thuốc vào danh mục do BHYT chi trả. Tuy nhiên, nhiều gia đình ngại phải đi điều trị xa, lại chi phí tốn kém. Viện đang đề xuất với Bệnh viện Bạch Mai và Bộ Y tế xuống tận địa phương điều trị giúp thải độc chì cho người dân. Sau khi có kết quả sẽ đưa ra hướng xử lý, tiến hành thải độc chì cụ thể đối với từng trường hợp. Dự kiến ngày 15/5 tới đây, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường sẽ cử cán bộ về Đông Mai để xét nghiệm lại chì miễn phí cho người dân.
 
Ông Trần Đăng Anh – Phó GĐ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết: Vừa qua, tỉnh Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên đã lập dự án cụ thể để có giải pháp xử lý đất, nước, chất thải rắn. Cô lập được 100 tấn đất có hàm lượng chì cao trong những bể chứa bê tông, hiện còn 1.000 tấn sắt thải nhiễm chì cần được xử lý gấp và cần có giải pháp xử lý lâu dài. 
 
 Người dân thôn Đông Mai tái chế chì
Người dân thôn Đông Mai tái chế chì
Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên đưa ra giải pháp trước mắt là lập đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Đồng thời, từ nay cho đến hết năm 2015, chính quyền địa phương sẽ tiến hành di dời toàn bộ cơ sở tái chế chì đến nơi quy hoạch. Các hộ dân đang sống tại khu ô nhiễm sẽ được di dời toàn bộ sang khu đất 21ha đã được tỉnh Hưng Yên quy hoạch. Dù các hộ dân đã cam kết thực hiện nhưng khó khăn nhất hiện nay đối với họ là nguồn kinh phí để di dời. Sau khi dời đi, UBND tỉnh sẽ lo hỗ trợ người dân tẩy độc chì và xử lý môi trường.
 
Tuy nhiên, Tiến sĩ Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường khẳng định: Điều trị thải độc chì hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng sẽ không bền vững nếu môi trường xung quanh không được cải thiện. Nếu sau khi thải độc xong, trẻ lại quay về sống ở môi trường ô nhiễm thì sẽ bị tái nhiễm. Vì thế, giải pháp trước mắt là tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, cụ thể những vật dụng, quần áo ở nơi sản xuất, tái chề chì thì không nên mang về nhà, để gần nơi có trẻ nhỏ nhằm giảm bớt nguồn ô nhiễm. Đồng thời, y tế địa phương cần theo dõi sát sức khỏe của trẻ, khi có triệu chứng thì đưa đi khám. Ngoài ra, những vỏ bình ác quy được tận dụng làm bậc lên xuống của nhà hay để trong vườn, ngoài đường được cảnh báo cũng là nguy cơ gây ô nhiễm chì. 
 
Vũ Vân
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp dân giải độc chì ở làng nghề Đông Mai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO