Người dân nơi đây còn giáo dục cho thế hệ mai sau tầm quan trọng của cây xanh, đồng thời xây dựng quy ước nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người...
Với người dân Khuổi Lùng, cánh rừng xanh tốt là niềm tự hào về quê hương của họ. Từ thời cha ông, rừng đã được người dân nơi đây coi trọng vì nó như một mái nhà lớn bảo vệ con người. Đến khi Nhà nước kêu gọi bảo vệ rừng, họ càng ra sức gìn giữ cánh rừng đại ngàn.
Song song với việc kêu gọi, thuyết phục, đội ngũ cán bộ thôn còn thường xuyên ngăn chặn việc phát nương, đốt nương bừa bãi. Nhằm đối phó với ý đồ phá rừng của những kẻ tham lam, thôn đã thành lập những tổ bảo vệ rừng để đi tuần tra, sẵn sàng báo chính quyền mỗi khi có tiếng cưa gỗ vang lên.
Tuy nhiên, vì rừng phòng hộ cách xa thôn gần 4km nên công tác bảo vệ diễn ra rất khó khăn. Đến năm 2013, khi con đường vào thôn đã được bê tông hóa 27 hộ dân Khuổi Lùng đã chung sức góp công sức, tiền mặt để làm lên cánh cổng sắt kiên cố. Cổng nằm ngay đầu thôn, to và nặng, nó như một chướng ngại vật lớn đối với những tên “lâm tặc”. Đây cũng là một minh chứng cho tinh thần đoàn kết và cái tâm hết mình giữ rừng xanh của người dân.
Bí thư Chi bộ thôn Triệu Văn Thủy trải lòng: Thời điểm ấy, hầu hết cả thôn đều là hộ nghèo, thế nhưng khi đề xuất việc góp tiền xây dựng cổng, hầu hết ai cũng đồng tình. Vì chúng tôi biết, có rừng mới có không khí để thở, giữ được rừng sẽ không lo thiên tai, sói mòn.
Với sự nỗ lực của toàn thôn, đến nay Khuổi Lùng đang bảo vệ 140ha rừng phòng hộ, trong đó có những cây dổi hai người ôm mới hết. Hàng ngày, giữa những công việc nhà nông, các tổ bảo vệ rừng của thôn đều chia nhau đi tuần nghiêm ngặt. Hơn ai hết, bản thân những người dân ở đây đều nhận thức rõ lợi ích mà rừng mang lại, họ còn biết tận dụng lợi thế để phát triển kinh tế, nhờ đó đã góp phần lớn vào những đổi thay ở đây.