Giữ huyết mạch để xây dựng "thành phố đáng sống"

11/01/2017 00:00

(TN&MT) -  “Điều quan trọng nhất là không chỉ hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại II, mà phải xây dựng Vị Thanh trở thành đô thị đáng sống, điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư, cũng như du khách đến với tỉnh Hậu Giang” – Bí thư Thành ủy Vị Thanh, Võ Minh Tâm, tự tin quả quyết.

MẠCH SỐNG CỦA ĐẤT VÀ NGƯỜI

Từ hơn 1 thế kỷ qua, Vị Thanh hình thành, phát triển dựa vào trục chính của kênh Xà No. Dòng kênh này dài 34km, rộng 60m, sâu 2,5m - 9m, do người Pháp dùng phương tiện cơ giới, huy động sức dân bản địa đào suốt 3 năm (1901 – 1903) chuyền nước sông Mê Kông từ Vàm Xáng (Phong Điền – Cần Thơ) tới Vị Thanh nối sông Cái Tư, sông Cái Lớn đổ ra vịnh Thái Lan, tạo nguồn thủy lợi, khai thác tiềm năng đất đai.

Kênh xáng Xà No là huyết mạch chiến lược, trục chính phát triển của đô thị Vị Thanh đã được đầu tư xây dựng hệ thống kè kiên cố. (Ảnh: Duy Khương).
Kênh xáng Xà No là huyết mạch chiến lược, trục chính phát triển của đô thị Vị Thanh đã được đầu tư xây dựng hệ thống kè kiên cố. (Ảnh: Duy Khương).

Theo cách diễn đạt của anh Chín Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, dòng Xà No là “con đường lúa gạo” ở miền Hậu Giang từ thời Pháp chiếm đóng lục tỉnh Nam kỳ. Dòng Xà No dẫn cư dân tề tựu về Vị Thanh. Nước dòng Xà No nuôi sống cư dân, sinh hoạt, mở mang canh tác nông nghiệp, phát triển giao thương, hình thành các nhà máy chế biến nước đá, lúa gạo, các khu chợ và các tuyến dân cư xây cất ven bờ từ dòng chính đến các tuyến kênh, mương nhánh nhóc.

Gần 60 năm trước, Mỹ - Diệm lập đồ án xây dựng Khu trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu khét tiếng Đông dương, lấy tuyến kênh Xà No làm trục chính để quy hoạch bố trí 4 tiểu khu chức năng hai bờ. Hơn 50 năm qua, chính quyền cách mạng cũng xác định vị thế chiến lược, thành lập thị xã Vị Thanh, qua nhiều thăng trầm kiến thiết đô thị Vị Thanh thì vai trò huyết mạch sống còn của dòng Xà No vẫn không thay đổi. Đặc biệt, sau tái lập tỉnh Hậu Giang, đặt trung tâm tỉnh lỵ tại Vị Thanh, Chính phủ đầu tư gần 1.000 tỷ đồng vốn trái phiếu, triển khai suốt 5 năm, xây dựng hệ thống kè kiên cố dài gần 19km phòng chống sạt lở cho kênh Xà No - đây cũng là kè sông dài nhất nước.

Kể từ khi tuyến kè Xà No hình thành Vị Thanh đã có bước đột phá chỉnh trang đô thị, sắp xếp hệ thống dân cư, kết hợp hình thành công viên vui chơi giải trí, phố đi bộ xanh - sạch để phát triển du lịch, hạn chế xây cất nhà trái phép ven sông. Hồi mới xây dựng xong, ông Nguyễn Thanh Hùng, nguyên Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang, đã hình dung đến viễn cảnh tất bật của một “thương cảng” và một đô thị sầm uất. Bây giờ, dọc theo dòng Xà No đô thị Vị Thanh đã sầm uất, tất bật hơn nhịp sống thương hồ, quán xá, cửa hàng, trung tâm thương mại, hệ thống nhà máy xay xát và chợ đầu mối, khu du lịch hồ Đại Hàn, các chuyến du thuyền... đang dần thành hiện thực.

ĐỐI MẶT THÁCH THỨC

Hơn 110 năm, dòng Xà No vẫn đang miệt mài chuyển nước về lan tỏa khắp hệ thống kênh rạch chằng chịt, luồn khắp 9 xã, phường, đến các cụm dân cư, ra ruộng đồng giải nhiệt, thau chua, rửa phèn, bồi đắp phù sa cho 118km2 đất đai, cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho trên 100 ngàn người ở trung tâm tỉnh lỵ Hậu Giang. Nhưng hơn bao giờ hết, sau mấy năm quay quắt bởi lưu lượng nước ngọt từ sông Mê Kông suy giảm do các quốc gia thượng lưu thao túng bất chấp qui luật dòng chảy tự nhiên, tạo đà cho nước mặn biển Tây tràn theo sông Cái Lớn lấn vô kênh Xà No gần tới trung tâm thành phố, thì việc bảo vệ nguồn nước mặt vùng này trở nên bức thiết.

Sông nước là lợi thế đặc thù đang được chính quyền địa phương tập trung phát huy trong tiến trình xây dựng đô thị loại II.
Sông nước là lợi thế đặc thù đang được chính quyền địa phương tập trung phát huy trong tiến trình xây dựng đô thị loại II.

Dài theo kênh xáng Xà No cơ quan chuyên môn đã gắn thiết bị quan trắc để theo dõi, quản lý và có biện pháp bảo vệ chất lượng nước mặt. Các chỉ số phân tích hiện trạng nước được ghi nhận (các chỉ tiêu pH, BOD5, COD và Coliform tại hầu hết các điểm quan trắc đều không đạt quy chuẩn cho phép) khiến Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Công trình đô thị Hậu Giang - Bùi Trọng Lực, phát hoảng, lên báo kiến nghị các cấp, các ngành quan tâm bảo vệ chất nguồn nước thô này để phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho thành phố.

Cơ quan chức năng đã vào cuộc truy tìm, xác định nguyên nhân ô nhiễm. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hậu Giang – Hoàng Quốc Cường, kêu gọi thành phố quan tâm xử lý nguồn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, công sở, bệnh viện và hóa chất sử dụng trong nông nghiệp để giảm thiểu thải trực tiếp ra mương, rạch giải tỏa áp lực ô nhiễm cho kênh Xà No.

Lãnh đạo thành phố đã tiến hành hoạch định giải pháp xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên phạm vi toàn thành phố nhằm cải thiện chất lượng nguồn nước mặt hệ thống kênh xáng Xà No, bảo vệ môi trường, bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020. Đề ra lộ trình đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát và xử lý nước thải tại các khu dân cư đô thị hiện hữu, thực hiện các dự án thoát nước đồng bộ với các công trình kết cấu hạ tầng trên cơ sở qui hoạch xây dựng chi tiết các khu dân cư đô thị mới và xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho cụm CN-TTCN kết hợp thu gom xử lý nước thải từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn.

Sau khi lồng ghép, bổ sung các giải pháp bảo vệ môi trường và nguồn nước vào quy hoạch tổng thể, thành phố kịp thời lập dự án kêu gọi đầu tư, xây dựng 3 trạm xử lý nước thải (phía Đông, phía Nam, phía Bắc kênh Xà No) và 1 trạm xử lý nước thải Cụm CN-TTCN Vị Thanh. Bố trí trạm trung chuyển rác xã Tân Tiến (quy mô khoảng 2.000m2) đồng thời đầu tư thêm cơ sở, phương tiện chuyên dụng để thu gom, vận chuyển rác thải và tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, phấn đấu thu gom rác thải tại đô thị và trung tâm các xã đạt trên 98%, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn y tế đạt 100%.

GIẢI PHÁP TRONG TẦM TAY

Với những dự án này thành phố tranh thủ sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh và trung ương, tiếp cận Dự án nâng cấp đô thị Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Đại diện WB, Bộ Xây dựng cùng lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang đã đến làm việc với lãnh đạo thành phố, xác nhận sự cần thiết của việc đầu tư dự án mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án thành phố Vị Thanh, nhằm cải thiện khả năng tiếp cận với hạ tầng cơ sở cơ bản ở những khu vực thu nhập thấp, nâng cấp và xây dựng kết cấu hạ tầng, tăng cường tính kết nối và phát triển đô thị đồng bộ, hướng tới phát triển đô thị xanh, bền vững, tăng cường năng lực quy hoạch, quản lý đô thị tích hợp với ứng phó biến đổi khí hậu.

Cuối năm, Thủ tướng đã chính thức chấp thuận đề xuất dự án này. Theo đó, cùng với các hạng mục nâng cấp kết cấu hạ tầng cấp 3 trong khu vực thu nhập thấp, các hạng mục nâng cấp kết cấu hạ tầng cấp 1, 2 ưu tiên như cải tạo kênh 62, kênh Cái Nhúc, công viên cây xanh kết hợp hồ cảnh quan hồ Tam Giác, xây dựng đường Nguyễn Huệ nối dài, mở rộng đường giao thông 1 tháng 5, tái định cư… đề xuất trong dự án đã có tính khả thi. Bên cạnh đó, dự án này còn đầu tư về đường đi bộ, kết hợp tận dụng vẻ đẹp thiên nhiên, sông rạch, bờ kè, phương án chống ngập hữu hiệu và sống chung với ngập, xử lý nước thải.... Tổng vốn đầu tư tiểu dự án này dự kiến 36 triệu USD (trong đó, WB hỗ trợ đầu tư hơn 25 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng).

Theo Bí thư Thành ủy - Võ Minh Tâm, trong thời gian tới, từ nguồn vốn tài trợ từ Ngân hàng Thế giới, một số tuyến kênh rạch cấp 2, cấp 3 sẽ được nâng cấp, cải tạo. Ngoài ra, bằng nguồn vốn của chính phủ Đan Mạch tài trợ thành phố cũng sẽ triển khai xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải cho khu vực phường I, phường III và phường V. Như vậy vấn đề ô nhiễm nguồn nước mặt hệ thống kênh Xà No sẽ cơ bản được giải quyết.

“Chúng tôi rất mừng. Người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ Dự án nâng cấp đô thị Việt Nam – Tiểu dự án đô thị Vị Thanh. Ngoài ra, cũng có một số dự án khác phục vụ nâng cấp đô thị có cơ hội đưa về Vị Thanh. Từ đây, chúng tôi có nhiều hy vọng thành phố sẽ được công nhận đô thị loại II vào năm 2019, sớm hơn khoảng 1 năm so với kế hoạch” – Bí thư Thành ủy Võ Minh Tâm, phấn khởi.

Hùng Long

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ huyết mạch để xây dựng "thành phố đáng sống"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO