Gìn giữ thư pháp Gà cổ

26/01/2017 00:00

(TN&MT) - Nhân dịp năm mới Đinh Dậu, Tiến sĩ Hán Nôm Cung Khắc Lược đã cho ra mắt bộ lịch Địa Thiên Thái, lấy cảm hứng từ mã văn hóa gà của người Việt và triết dịch học Phương Đông. Một lần nữa, những con chữ cổ xưa kết hợp với phần “họa” đã trở nên sống động, là món ăn tinh thần vô cùng ý nghĩa cho các gia đình trong dịp đầu xuân năm mới.

Nhắc đến Tiến sĩ Hán Nôm Cung Khắc Lược là nhắc đến ông đồ già tóc trắng phau, mỗi mùa Tết đến Xuân về lại trải chiếu làm thầy đồ cho chữ ở vỉa hè Văn miếu Quốc Tử Giám. Ông cũng là một trong những người tiên phong khơi dậy cả một nét văn hóa cổ truyền tưởng chừng chỉ còn trong thơ văn, hồi ức.

Bộ thư - họa chữ Gà cổ

Gà là một trong những loài vật nuôi phổ biến nhất ở Việt Nam từ xưa đến nay. Con người đã thuần dưỡng gà rừng từ khá sớm bởi chúng khá hiền lành và dễ bắt, lại có nhiều công dụng, từ làm thực phẩm, làm thuốc, bán lấy tiền, làm đồ trang trí, nuôi làm cảnh... Gà còn xuất hiện trong các sinh hoạt tín ngưỡng như cúng bái, bói gà, hội hè có trò đá gà, gà chọi, những dịp lễ Tết, hiếu hỉ làm cỗ bàn không thể thiếu đĩa gà luộc… Trong quan niệm của người Việt, gà trống tượng trưng cho quân tử với 5 đức tính: văn, võ, dũng, nhân, tín. Hình ảnh gà mẹ che chở đàn con thường gắn với mái ấm gia đình, còn nói về tình cảm anh em lại có câu “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”… nên có thể nói nhìn vào dáng gà, tư thế và sắc là hiểu được tâm tình của người vẽ tranh gà.

TS. Cung Khắc lược ký tên vào bức “Gà vàng hiến ngọc”
TS. Cung Khắc lược ký tên vào bức “Gà vàng hiến ngọc”

Đây chính là nguồn cảm hứng cho Tiến sĩ Hán Nôm Cung Khắc Lược thảo ra bộ thư pháp Địa Thiên Thái, sử dụng chữ Gà cổ xưa nhất trong hệ thống chữ Nôm của người Việt. Chữ ở thời kỳ đầu nên có tính tượng hình cao, phản ánh sự gắn bó của con gà trong đời sống người dân xưa kia. Tiến sĩ Cung Khắc Lược đã cất công tượng những chữ Gà cổ thể hiện khá trọn vẹn hình dáng, cử chỉ của loài gà. Từ con chữ có thể nhìn ra đầu, mỏ, thân, cánh, chân…; tư thế có nghển cao đầu, co đầu rúc cánh, xòe cánh che chở, dáng đi thong dong…

Cái tên Địa Thiên Thái cũng gợi nhắc đến hình tượng con gà trong tranh dân gian truyền thống của Việt Nam. Trước kia, nhiều địa phương vùng Đồng bằng Bắc Bộ có tục chơi tranh ngày Tết, như là một phần không thể thiếu bên cạnh cành đào, bánh chưng xanh như trong câu thơ của Bàng Bá Lân:

Tết về, nhớ bánh chưng xanh,

Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh lợn gà.

Nhớ cành đào thắm đầy hoa,

Nhớ giây phút đợi giao thừa nghiêm trang.

(Tết xưa)

Nhà nào nhà nấy treo tranh gà ngụ ý xua đuổi bóng tối và tà ma đón điềm lành trong năm mới, bởi gà trống uy dũng gọi mặt trời lên, tượng trưng cho cực dương, quẻ Thái. Theo Kinh Dịch, tháng Giêng cũng là quẻ Thái (Địa Thiên Thái) bao gồm quái Càn (biểu trưng cho đất, mẹ, âm, nữ tính) ở bên trên và quái Khôn (biểu trưng cho trời, cha, dương, nam tính) ở dưới, âm dương cân bằng khiến vạn vật sinh, sôi nảy nở, phát triển. Đầu năm xem bói mà bốc được quẻ này, cả năm gặp may, làm việc gì cũng suôn sẻ thuận lợi. Bởi vậy, tranh con gà rất được ưa chuông trong dịp Tết, điển hình là những bức tranh gà của làng tranh Đông Hồ, như: Tranh “Tam dương khai thái” với hình tượng 2 chú gà trống đối xứng nhau biểu thị âm dương lưỡng cực, tranh “Gà trống hoa hồng” tượng trưng cho quân tử, vinh hoa phú quý hay tranh đàn gà, gà mái mẹ bên đàn con đông đúc biểu thị sự đầm ấm, sum vầy gia đình, đông con nhiều cháu… Ngày nay, tục treo tranh phần nào đã mai một nhưng giá trị văn hóa vẫn còn nguyên vẹn.

Đưa tranh vào thư pháp cũng là sự kết hợp tâm đắc của Tiến sĩ Cung Khắc Lược trong bộ lịch Địa Thiên Thái. Trang bìa chính là chữ Đinh trong Đinh Dậu, đã được tượng thành con gà vàng và thêm những nét màu vẽ để diễn tả hoàn chỉnh thành ngữ “Gà vàng hiến ngọc”. Sáu bức thư – họa còn lại khắc họa sự hình thành của muôn loài, tình yêu và hạnh phúc qua câu chuyện của loài gà. “Âm Dương” – chữ Gà cổ với những vòng xoáy AND và tượng âm dương biểu thị sự hình thành vạn vật từ khởi thủy. “Trưởng thành” - chữ Gà Trống cổ biểu thị sự thịnh vượng trong hệ thống mã văn hóa của người Việt. “Dậy thì” là cô gà mái với chiếc mỏ dẩu lên và đang bước theo chú gà trống được tượng từ chữ Gà cổ. “Địa Thiên Thái” là chú gà âm dương đen trắng và hình mặt trời đỏ bên dưới - quẻ đẹp nhất trong 64 quẻ Dịch. “Quý tử” là hình ảnh con gà nằm trong quả  trứng hồng hào, ấm áp bình yên trong tử cung.

Cuối cùng, “Mái ấm” là hình ảnh gà mẹ và đàn con được bao bọc bằng chữ gà trống cổ tách làm đôi. Bức này đại diện cho 2 tháng cuối năm, khoảng thời gian người Việt Nam hướng đến Tết sum vầy, quây quần đầm ấm bên gia đình.

Suy ngẫm về năm mới Đinh Dậu

Với những nét bút sống động nhưng cũng thật giản dị, Tiến sĩ Cung Khắc Lược đã phần nào khái quát cuộc sống của con người đầy sinh khí và hưng thịnh thông qua câu chuyện về gà – loài vật biểu trưng của năm Đinh Dậu 2017. Những năm gà là năm cần xem lại mình, chăm chút mái ấm và củng cố các mối quan hệ cho các năm tiếp theo.

Theo Tiến sĩ, Đinh là rắn chắc, bền vững, nghiêm túc. Gà tượng trưng cho sự thịnh vượng và sinh sôi, hợp với quẻ Thái trong Kinh Dịch – cân bằng, đối xứng, hài hòa là cốt lõi trong quá tiến hóa, sinh trưởng của muôn loài. Mối liên kết này sẽ đưa đến một năm Đinh Dậu đầy hào hứng và thăng hoa nhưng vẫn đầy đủ sự trân trọng cho các giá trị gia đình. Đinh Dậu là năm nên thâm trầm sâu sắc, sẽ phải suy nghĩ chín chắn và thận trọng về những việc cần làm, nên ngó trước nhìn sau, cần tôn trọng người thì tôn trọng, cần thương người thì thương, kẻo chuyện khôn lường sẽ xảy ra. Đó là lý do vì sao ông chọn quẻ Thái để làm lịch, để tiền bạc hay danh vọng đạt được có thể mang lại hạnh phúc chứ không phải đổ vỡ và bất hạnh.

Để giữ được sự bền vững trong phát triển, cần tôn trọng vai trò của người phụ nữ. Quẻ Thái với đất (biểu trưng cho mẹ) ở bên trên phần nào đề cao vai trò và sự tôn trọng dành cho thuộc tính âm, là tượng của sự phát triển và an lành. “Hầu như trong tất cả các bức thư pháp tôi đều để mặt trời bên dưới, chính là tượng của quẻ thái, để cầu cho bà con một năm trù phú rạng rỡ nhưng vẫn yên ấm, trí tuệ", Tiến sĩ nhấn mạnh.

Cách tân để lưu giữ truyền thống

Nói về dự định của mình, Tiến sĩ Cung Khắc Lược chia sẻ: Trong năm tới, tôi mong muốn được thực hiện tiếp những bộ thư pháp kết hợp mang nét đặc trưng của người Việt.

Trong đó, giữ gìn bản sắc dân tộc là một phần rất quan trọng, giữ được cái đẹp và lý tưởng thẩm mỹ, nghệ thuật cũng là điều phải làm. Không chỉ ở Việt Nam mà còn để bạn bè quốc tế biết đến và hiểu được giá trị văn hóa Việt Nam. Đây không chỉ là di sản mà còn là bảo vệ di sản.

Mọi người thường nói ông là người đã phần nào phục hưng được ngành Hán Nôm của Việt Nam. Một thời gian dài trước kia, nhắc đến Hán Nôm người ta chỉ ngậm ngùi tiếc nuối một nét đẹp văn hóa xưa cũ, như hình ảnh “Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Qua đường không ai hay” trong bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên. Đến Tiến sĩ Cung Khắc Lược, ông mang hẳn bút nghiên ra vỉa hè Văn Miếu cho chữ, dần thu hút nhiều ông đồ và biến nơi đây trở thành một điểm đến văn hóa đông vui nhất Hà Nội mỗi dịp Tết về.

Cách tân nghệ thuật truyền thống chính là điều mà Tiến sĩ Cung Khắc Lược trăn trở. Làm sao để thúc đẩy quá trình phát triển của chữ Hán Nôm, làm giàu các hình thức thể loại, phương tiện và thủ pháp biểu hiện mà vẫn luôn giữ được bản chất cốt lõi, tinh thần nghệ thuật truyền thống đặc trưng của người Việt. Đó là sự hài hòa, bình dị, gần gũi và sâu lắng. Điều này đã được thể hiện qua bộ lịch thư pháp Địa Thiên Thái.

Khánh Ly - Ảnh: Ngô Dũng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gìn giữ thư pháp Gà cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO