Theo thống kê của cơ quan chức năng huyện Văn Bàn, toàn huyện có trên 111.000ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 64,41%, trong đó diện tích rừng Bồ đề là trên 480ha. Năm 2017, Tổ chức Helvetas Việt Nam và Công ty Cổ phần Nông Lâm nghiệp Đức Phú - Hà Nội phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện Dự án sản xuất nhựa cánh kiến trắng từ cây Bồ đề để xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Hiển, một hộ dân trồng cây bồ đề tại Văn Bàn cho biết, sau 4 năm trồng cây Bồ đề, gia đình ông đã bắt đầu được thu hoạch, với mỗi kg nhựa cánh kiến trắng sẽ được thu mua với giá 350.000 đồng/kg. Ước tính 1 ha Bồ đề có thể cho thu hoạch ổn định khoảng 90 triệu đồng/ha/năm, cao hơn rất nhiều so với trồng các loại cây khác. Có nguồn thu nhập khá và đầu ra ổn định, việc phát triển cây Bồ đề lấy nhựa cánh kiến trắng là sản phẩm có tiềm năng mở ra hướng đi mới cho gia đình ông Hiển và người dân trên địa bàn huyện trong phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Từ thành công bước đầu của dự án đã tạo hiệu ứng lan tỏa đi khắp các địa phương của huyện Văn Bàn, nhiều người dân đã bắt đầu phát triển đầu tư mô hình và kỹ thuật trồng cây Bồ đề lấy nhựa để về áp dụng trên diện tích đất của gia đình. Đây cũng là điều kiện để dự án thành lập các tổ nhóm cùng sở thích góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa, đưa sản phẩm nhựa cánh kiến trắng từ cây Bồ đề của địa phương đến với thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhựa cây Bồ đề là sản phẩm từ cây Bồ đề còn được gọi là nhựa cánh kiến trắng, loại này có tác dụng kháng khuẩn in vitro trên một số vi khuẩn thông thường và có tác dụng lợi đờm, nhựa còn dùng làm thuốc chữa viêm phế quản mãn tính, hen suyễn, ho đau bụng, lạnh… Ngoài ra, nhựa cánh kiến trắng dùng chữa vết thương mau lành, xua đuổi côn trùng. Nhựa cánh kiến trắng có nhiều chất hương nên còn được dùng nhiều trong hóa mỹ phẩm và công nghiệp thực phẩm, hiện nay, rất nhiều Công ty, tập đoàn trên thế giới đã quan tâm đến loại nhựa này và đã bắt đầu thu mua, chế biến nhựa loại cây này làm nước hoa cao cấp.
Đại diện công ty Đức Phú, ông Trần Văn Đính cho biết: Mô hình trồng cây Bồ đề lấy nhựa là một mô hình hoàn toàn mới, nên khi truyền tải mô hình, người dân vẫn chưa thực sự tin tưởng nên bước đầu tương đối khó khăn. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại đã có 5 xã trên địa bàn huyện Văn Bàn triển khai trồng Bồ đề lấy nhựa. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Hạt kiểm lâm tuyên truyền hướng dẫn trồng Bồ đề nên người dân đã tin tưởng làm theo. Cây Bồ đề được trồng hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định giúp người dân nơi đây cải thiện cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
Ông Đỗ Ngọc Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn cho biết: Nhựa cánh kiến trắng là sản phẩm có tiềm năng. Tuy vậy, các cơ chế, chính sách chưa thực sự đầy đủ để tạo ra vùng nguyên liệu chuyên biệt cũng như chưa có cơ chế đặc thù để hỗ trợ người dân nghèo và người dân gần rừng. Ngành lâm nghiệp Văn Bàn mong muốn sẽ có các chính sách đặc thù để phát triển cây Bồ đề cũng như có sự khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển dự án ngày càng hiệu quả hơn.
Với mục tiêu phát triển bền vững diện tích cây Bồ đề trên địa bàn huyện Văn Bàn, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng, cải thiện chất lượng rừng, chống xói mòn, sạt lở đất, hạn chế thiên tai, thời gian tới, huyện Văn Bàn sẽ thực hiện dự án “Vùng nguyên liệu phát triển cây Bồ đề khai thác nhựa”. Theo đó, dự án sẽ được thực hiện từ năm 2020 - 2025 với quy mô 1.000 ha rừng trồng cây Bồ đề.