Gian nan nghề quan trắc viên môi trường

17/08/2016 00:00

(TN&MT) - Được ví như người bác sỹ “bắt mạch” môi trường, đặc thù nghề nghiệp của những quan trắc viên môi trường tại Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La là điều kiện làm việc luôn gắn liền với nắng gió, khói bụi... và nước thải!

Trời mới mờ sáng, Đội hiện trường tại Trung tâm Quan trắc Môi trường tỉnh Sơn La đã sẵn sàng mọi đồ nghề để lên đường đi công tác. Chuyến đi này các anh chỉ có 2 người, với nhiệm vụ tiến hành quan trắc chất lượng lòng hồ tại Nhà máy Thủy điện Suối Lừm 1, xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên. Để đến với Nhà máy này, các anh mất khoảng 6 tiếng đồng hồ đường núi... và cả đường thủy!

Anh Nguyễn Trường Sơn, Phụ trách Đội hiện trường Phòng Quan trắc - Phân tích môi trường, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Sơn La chia sẻ: Để tới được Nhà máy, chúng tôi phải vượt qua con đường dốc quanh co, sạt lở, rồi phải thuê thuyền qua sông Đà để đến địa điểm quan trắc. Anh em vẫn nói vui với nhau rằng, người còn không lo bằng việc vận chuyển máy móc, trang thiết bị phục vụ công việc sao cho đến nơi an toàn.

Tốt nghiệp khoa kỹ sư môi trường, Đại học Nông nghiệp Hà Nội, sau khi ra trường, chàng trai gốc Nghệ An đã quyết định gắn bó với mảnh đất, môi trường Sơn La. Hơn 5 năm trong nghề, anh Nguyễn Trường Sơn đã trải qua bao khó khăn, vất vả nhưng cũng đầy kỷ niệm đáng nhớ.

Anh Sơn còn nhớ như in, năm 2012, khi mới về nhận công tác, anh đã được cử đi tiến hành quan trắc nước mặt sông Mã cùng 2 đồng nghiệp tại xã Bó Sinh, huyện Sông Mã. “Hôm đó, trời mưa rất to, đường sạt lở nên rất trơn trượt. Thời điểm đó, chúng tôi tự chủ động đi bằng xe máy, đằng sau xe còn chở các thiết bị quan trắc rất cồng kềnh nên đoạn đường đi đã khó nay càng khó hơn, có đoạn còn phải chạy bộ đẩy xe. Lúc đó, tôi hoàn toàn chưa có kinh nghiệm gì, chỉ mang trong mình chút kiến thức sách vở từ khi còn trên ghế giảng đường, thú thật là vô cùng bỡ ngỡ và lúng túng. Nhưng chắc do có duyên với nghề, sau chuyến đi đấy, tôi càng cảm thấy yêu nghề và quyết tâm gắn bó với nghề cho tới nay” – anh Sơn nhớ lại.

Từ đó, những chuyến công tác dài ngày đã trở thành một phần cuộc sống của anh và những đồng nghiệp trong Đội hiện trường. Chỉ vỏn vẹn có 3 thành viên chính, có tháng, cả đội hiện trường đi công tác liên miên tới... 20 ngày. Kết thúc một dự án, chỉ kịp về bàn giao mẫu, rồi các anh lại tiếp tục hành trình. Cũng vì thế, áp lực công việc đặt lên vai các anh là rất lớn.

“Mỗi chuyến đi, quan trọng nhất là khâu chuẩn bị máy móc, thiết bị, từ các loại máy đo phù hợp cho đến những thứ rất dễ quên như pin, chai, lọ, túi ni lông, dây điện... Các điểm quan trắc đều ở vùng xâu, vùng xa, đa phần cách xa khu dân cư nên nếu “lỡ quên” thiết bị nào, dù nhỏ thì chúng tôi khó bổ sung được, ảnh hưởng đến chất lượng công việc” – anh Sơn cho biết.

Khi đến hiện trường, suốt quá trình quan trắc, người quan trắc viên lại tất bật với công tác lắp đặt máy móc cho đúng vị trí, phải “canh” giờ cho chuẩn để ghi kết quả quan trắc, nhiều khi vừa hít bụi cùng máy móc, vừa phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại trong quá trình quan trắc... Có những buổi quan trắc môi trường không khí, các anh phải trực bên máy đo từ sáng tới tối mịt mới hoàn thành công việc. Việc ăn uống, nghỉ ngơi cũng qua loa cho xong.

Nhưng không vì thế mà các anh thấy nản lòng. Hơn 5 năm qua, bước chân của Đội hiện trường do anh Sơn phụ trách đã in dấu trên hầu hết các cơ sở trên địa bàn tỉnh Sơn La, từ các nhà máy thủy điện, tới các mỏ đá, khu xử lý chất thải tại các công ty, doanh nghiệp chế biến nông sản, các tuyến bệnh viện... Mỗi chuyến đi với các anh là thêm một câu chuyện, một trải nghiệm, một kỷ niệm đáng nhớ.

Còn với Nguyễn Thanh Hưng, chàng thanh niên 26 tuổi, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm thì lại có những trải nghiệm khác. Thanh Hưng đã gắn bó với nghề 5 năm nay, trước đây, anh thuộc Đội hiện trường và hiện đang chuyển sang công tác tại phòng thí nghiệm, phân tích các mẫu quan trắc.

“Môi trường làm việc trong phòng thí nghiệm cũng rất độc hại, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất trong quá trình phân tích. Mỗi lần phân tích mẫu, chúng tôi chỉ nghỉ khi đã hoàn thành quá trình phân tích. Đặc biệt, để kết quả phân tích mẫu được chính xác nhất, trong suốt quá trình làm việc, người quan trắc viên cần có sự tập trung cao độ ngay từ khâu chuẩn bị, chưng cất mẫu; đồng thời, đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ, nắm vững toàn bộ quá trình phân tích” – Thanh Hưng cho biết.

Không đi thực địa nhiều như đội hiện trường, nhưng công việc tại phòng thí nghiệm cũng vất vả, gian nan không kém khi không cố định thời gian. Có lần, 2 giờ sáng, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Sơn La bắt được 1 cơ sở xả thải cà phê trộm trên địa phận xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu. Nhận được sự phân công của Ban Giám đốc Trung tâm, Hưng đã ngay lập tức theo đoàn đi lấy mẫu quan trắc. Đến khoảng 5h sáng, công việc lấy mẫu kết thúc, mẫu được chuyển về bảo quản và tiến hành phân tích trong phòng thí nghiệm.

“Nghề quan trắc dù ở vị trí nào cũng có những gian nan, vất vả riêng. Bản thân tôi, sau khi gắn bó với nghề, tôi càng cảm thấy yêu ngành, yêu nghề vì đây là công việc rất có ý nghĩa. Môi trường hiện nay đang là vấn đề nóng. Để đánh giá chất lượng môi trường phải qua kết quả quan trắc, phân tích môi trường. Do đó, tôi luôn nỗ lực học tập, nâng cao trình độ của bản thân để cung cấp số liệu, kết quả quan trắc phân tích môi trường đúng nhất. Từ đó, có căn cứ để các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những nhận định chính xác nhất về hiện trạng, chất lượng môi trường” – Thanh Hưng tâm sự.

Chia sẻ thêm về bí quyết vào nghề, Hưng cho rằng: Điều quan trọng nhất khi bước vào nghề quan trắc viên môi trường là phải xác định đây là công việc đầy những khó khăn, vất vả. Nếu không có lòng yêu nghề, có sức khỏe, sự bền bỉ, nhẫn nại thì rất khó theo nghề. Cùng với đó, mỗi người phải có ý thức tự học tập, đúc kết kinh nghiệm cho bản thân để tự trưởng thành trong quá trình công tác.

Nguyễn Nga

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gian nan nghề quan trắc viên môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO