Gian nan công tác bảo tồn

12/10/2017 00:00

(TN&MT) - Vườn Quốc gia Bạch Mã có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, thu hút du khách, nhưng do địa bàn rộng, vùng đệm có đông dân sinh sống nên Vườn gặp không ít khó khăn trong công tác bảo tồn rừng.

Liên tục “mất” sản vật rừng

Theo Báo cáo của Ban Quản lý vườn Quốc gia Bạch Mã, trong 6 tháng đầu năm 2017, Vườn đã tổ chức 102 đợt tuần tra kiểm soát, truy quét tại rừng (tăng 50 đợt so với cùng kỳ năm 2016), bình quân mỗi đợt từ 4 - 5 ngày. Nhờ đó, lực lượng kiểm lâm Vườn đã kịp thời ngăn chặn nạn phá rừng trên các địa bàn quản lý, đồng thời, tăng cường chốt chặn, kiểm tra vận chuyển lâm sản bằng đường sông tại các địa bàn xã Thượng Nhật, Hương Lộc (Nam Đông, Thừa Thiên - Huế), Ating, Sông Kôn (Đông Giang, Quảng Nam). Việc thực hiện đồng bộ giữa truy quét và chốt chặn đã ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép. Các điểm nóng trước đây tại các địa bàn xã Hương Lộc Thượng Nhật đã giảm hẳn.

Tuy vậy, trong thời gian gần đây, tình trạng chống người thi hành công vụ có xu hướng gia tăng coi thường pháp luật của một số đối tượng gây bức xúc trong xã hội. Hành động chống đối có tổ chức như: Đánh đập cán bộ kiểm lâm đang thi hành nhiệm vụ, đe dọa xâm hại tính mạng, sức khỏe, tài sản của lực lượng kiểm lâm của Vườn vẫn xảy ra.

Về kết quả thực hiện công tác pháp chế thanh tra 6 tháng đầu năm 2017: Hạt Kiểm lâm Vườn đã thụ lý và xử lý 22 vụ vi phạm xử lý hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp (chủ yếu là vận chuyển lâm sản trái phép tại khu vực giáp ranh), trong đó, có 5 vụ vi phạm hành chính, 17 vụ không chủ thừa nhận. Tổng số tiền xử phạt: 12.250.000 đồng. Khối lượng lâm sản tịch thu: 15,67m3 gỗ các loại.

TS. Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã cho biết, công tác bảo tồn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các khu vục gần các thôn bản  khi nào cũng khó khăn hết. Theo quy định 500ha rừng/1 kiểm lâm, nhưng Vườn phải sắp sếp tùy vào cự ly đi lại, nguồn tài nguyên rừng, sức ép của người dân lên rừng, thậm chí, có trạm tôi cắt cử 25 người ở xã Thượng Nhật (Nam Đông). Một trạm chia làm nhiều chốt ở trong rừng, người ta khai thác gỗ làm nhà, họ lợi dụng… nên có nhiều chốt để bảo vệ. Mỗi năm, đầu tư cho công tác bảo tồn lên đến vài chục tỷ đồng.

Cũng theo TS. Kéo, nhiều mô hình giúp đỡ người dân tại khu vực vùng đệm đã được thực hiện, song kết quả còn chưa cao. Đơn cử mô hình trồng các loại cây sạch của Tổ chức JICA tại thôn Khe Su, xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc) được triển khai thử năm 2011 - 2013 giúp người dân biết về kỹ thuật trồng trọt, sản xuất, chăn nuôi sạch nhưng dự án chưa tạo được cho bà con làm giàu thì chưa có, chỉ phục vụ gia đình.

 Ông Nguyễn Thám, Trưởng thôn Khe Su cho biết, hồi tham gia dự án có 60 hộ, thụ hưởng dự án 32 hộ, dự án có mô hình trồng các loại cây sạch, ít sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, chủ yếu là cây hoa màu, cây lấy hạt như cây lúa, cây cải, đậu cô ve, cà… tập huấn và hướng dẫn thực hiện như làm than để lấy vậy liệu phục vụ cho chăn nuôi, trồng trọt, giống như bơm thuốc trừ sâu và làm thuốc chăn nuôi gia súc.

Trước khi có dự án, bà con chuyển đổi nghề làm ăn cũng nhiều, bà con vào rừng lấy mây tre và các sản phẩm phụ để sinh sống, khi gần có dự án này, bà con được hưởng từ một số dự án tạo điều kiện cho bà con sản xuất. Song, khi mở một số gian hàng bán các sản phẩm sạch tại TP. Huế lại không cạnh tranh được giá cả cao hơn so với các loại có sử dụng hóa học. “Hiện nay, chỉ còn một số hộ trồng trọt, chăn nuôi để phục vụ sinh hoạt, chứ không còn sản xuất đại trà như trước” - ông Thám chia sẻ.

“Ám ảnh” con đường xuyên vùng lõi

Hiện nay, Vườn đang chịu tác động trực tiếp vào vùng lõi khoảng 9,3km vì con đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan. Con đường này thuộc đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan theo tiêu chuẩn đường cao tốc, dài 83 kmnối Thừa Thiên - Huế với Đà Nẵng đang thi công, có 11,5km xuyên qua Vườn Dự án này do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, điểm đầu là ngã ba La Sơn (xã Lộc Sơn, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) và điểm cuối Túy Loan (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng). Theo thiết kế, đường rộng 22m, có 4 làn xe.

Theo Báo cáo ĐTM, đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ - Túy Loan của Bộ TN&MT, tuyến đường này đi qua chiếm dụng trên 26 ha thuộc phân khu dịch vụ hành chính Vườn Bạch Mã (vùng lõi). Còn ở phía Bắc, đường sẽ đi qua phân khu phục hồi sinh thái thuộc vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên vậy Phong Điền với chiều dài 3,2 km, diện tích rừng bị chiếm dụng trên 7,6 ha.

Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại đoạn qua VQG Bạch Mã từ Trạm kiểm lâm số 8 đến Trạm kiểm lâm đèo Đê Bay cho thấy, thảm thực vật ở đây thuộc dạng rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới ở độ cao thấp (từ 100 - 150m). Khu vực tuyến đường đi qua xác định có khoảng 100 loài thực vật có công dụng làm thuốc, số lượng cây cho gỗ có đường kính từ 20cm trở lên có thể lên tới 50 loài.

Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Hương Lộc (huyện Nam Đông) diện tích đất của dân bị thu hồi trên 60ha, trong đó có 17 hộ dân bị ảnh hưởng đất ở, còn lại chủ yếu là đất trồng rừng kinh tế. Ông Đoàn Trọng Hậu, Chủ tịch UBND xã Hương Lộc cho biết, người dân tại địa phương đã nhiều làn phản ánh lên xã về đơn vị thi công này vì khi xây dựng dùng đường công vụ (đường chính) của dân, khiến đường xuống cấp, bụi. Bên cạnh đó, trong quá trình thi công, đơn vị thi công đã có nhiều lần vi phạm, đơn cử trên địa bàn xã đường xã Hương Lộc (huyện Nam Đông) từ km 19 - 36+500, có nhiều lần đơn vị thi công có nổ mìn ảnh hưởng đến một số nhà gần đó.

Anh Hồ Hữu Sỹ, cán bộ Trạm Kiểm lâm Khe Ao (Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bạch Mã) cho biết, do làm đường nên ảnh hưởng đến động vật, trước khi làm đường có nhiều động vật qua đây, xong khi thi công con đường này, rất ít khi thấy.

TS. Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc VQG Bạch Mã cho rằng, tuyến cao tốc ảnh hưởng đến hệ sinh thái động thực vật. Nhiều loài đã di cư nơi khác để tránh tiếng ồn của máy móc, nổ mìn song vì lợi ích quốc gia  vẫn phải làm.

Tuy vậy, TS. Kéo cho rằng, vấn đề quan trọng không chỉ ở việc lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường mà còn ở khâu giám sát thực hiện. “Ai là người kiểm tra, giám sát, riêng đường cao tốc Báo cáo có cả sấp vài trăm trang, nhưng ai giám sát? Tôi đã “thổi còi” 5 - 7 lần thậm chí 10 lần, có khi phạt 2 triệu, có khi phạt cả trăm triệu các đơn vị thi công sai phạm”, TS. Kéo bức xúc.

Bài và ảnh: Trường Giang

Kỳ III: Cân nhắc khi xây khu tâm linh và dịch vụ

 

 

 

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gian nan công tác bảo tồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO