Gian nan chống sạt lở biển Cửa Đại

11/08/2015 00:00

(TN&MT) - Từ nhiều năm nay, tình trạng biển xâm thực đã liên tục xảy ra tại khu vực Cửa Đại. Đặc biệt, hiện tượng sóng biển xâm thực quá nhanh và diễn biến bất thường nhất là từ năm 2012 đến nay ảnh hưởng lớn tới tình hình phát triển kinh tế và xã hội của địa phương.

Từ đầu mùa mưa bão năm 2014 đến nay, bờ biển Cửa Đại – Hội An đã bị nước biển xâm thực gây tình trạng sạt lở nghiêm trọng, kéo dài đến gần 2km, nhiều chỗ đã sạt lở lấn sâu vào đất liền đến gần 50 mét. Giữa tháng 7/2015 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có Công văn gửicác Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Quảng Nam... huy động các nguồn lực thực hiện Dự án Xử lý sạt lở biển Cửa Đại để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và cơ sở hạ tầng thiết yếu ven biển Cửa Đại của thành phố Hội An... đáp ứng yêu cầu về công tác phòng chống biến đổi khí hậu và thiên tai.

Mặc dù, UBND tỉnh Quảng Nam, TP Hội An đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học với các ngành chức năng, nhà khoa học đầu ngành để tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp chống xói lở biển Cửa Đại, nhưng vẫn chưa đưa ra được nguyên nhân, giải pháp xác đáng. Ông Lê Công Sĩ - Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết, biển đa xâm lấn bờ biển tại khu vực phường hơn 1km, ăn sâu vào đất liền nhiều đoạn từ 30 đến 50 mét.

Trao đổi với phóng viên, một số chuyên gia đầu ngành cho biết: Qua kết quả nghiên cứu đưa ra một số nhận xét, hiện tượng xói lở Cửa Đại liên quan rất nhiều đến thiếu hụt nguồn cát trên thượng nguồn trở xuống, điều này thấy rõ nhất là xói lở ở cửa sông chứ không xói lở tất cả bờ biển Quảng Nam. Hiện tượng xói lở lan truyền dần lên phía Bắc và lan truyền rõ rệt hơn. Về lâu dài, tình trạng khai thác cát trên sông Vu Gia, Thu Bồn rất nghiêm trọng, làm suy giảm nguồn cát ở thượng lưu, ảnh hưởng đến bờ biển Cửa Đại và sạt lở ngày có xu hướng dịch chuyển về phía Bắc, có thể nhận thấy việc xói lở không xuất phát từ ngay bờ biển mà liên quan đến thượng nguồn.

Bờ kè mềm bằng bao tải bị sóng biển cuốn trôi
Bờ kè mềm bằng bao tải bị sóng biển cuốn trôi

Dọc khu vực từ cửa sông Thu Bồn (Cửa Đại) đến bãi tắm Cửa Đại có hơn 50 hộ kinh doanh, dịch vụ du lịch, 13 nhà hàng, 4 khách sạn, doanh thu đã giảm hẳn, do lượng khách ít dần, đặc biệt là lượng khách lưu trú. Ngay từ đầu năm 2015 này, nhiều hộ kinh doanh, nhà hàng, khách sạn đã đề nghị được miễn giảm thuế. Chính vì vậy, nguồn thu cho ngân sách của địa phương cũng tụt giảm. 3 năm qua, dù đã có quy hoạch, thị trường bất động sản trong khu vực vẫn "giậm chân tại chỗ". Cho đến thời điểm này, bãi tắm Cửa Đại, nơi thu hút lượng khách du lịch đông nhất xem như đã hoàn toàn xóa sổ do bị nước biển xâm thực.

Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế, TP. Hội An cho biết, hàng loạt các Văn bản về Dự án Xây dựng kè chống xâm thực bờ biển Hội An (khu vực phường Cửa Đại đến phường Cẩm An) đã được Bộ NN&PTNT thỏa thuận đầu tư xây dựng từ tháng 12/2010. Tuy nhiên cái khó vẫn là nguồn vốn kinh phí thực hiện Dự án... Được biết, Dự án kè chống xâm thực bờ biển Hội An - giai đoạn 1 đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt tháng 2/2014, sau khi điều chỉnh mức đầu tư Dự án cũ từ tháng 4/2011, lên 80,16 tỷ đồng, với chiều dài 1.339 mét.

Đến nay UBND TP. Hội An đầu tư xây dựng được 851 mét, phần còn lại Dự án, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 8/2015. Trước tình hình sạt lở bờ biển vẫn diễn ra nghiêm trọng, năm 2014, TP. Hội An đã đầu tư cấp bách tuyến kè mềm bằng biện pháp gia cố tuyến bờ biển sạt lở bằng bao tải cỡ lớn, đựng cát xếp chồng lên nhiều lớp dọc nơi sạt lở, nhằm chống xói lở cục bộ và bảo vệ cây cối, cảnh quan hiện có ở một số khu vực xung yếu ven bờ biển Cửa Đại, với chiều dài 315 mét, trong năm 2015 tiếp tục đầu tư xây dựng đoạn xung yếu khoảng 100 mét, với tổng kinh phí 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời, hiện không còn hiệu quả. Mùa mưa bão sắp tới, e rằng biện pháp "kè mềm" này sẽ trôi xuống biển, đồng nghĩa với việc 25 tỷ đồng cũng hô biến theo.

Trong khi đó, giải pháp tổng thể tuyến kè bờ biển của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam và Trung ương để xây dựng kè chống sạt lở vẫn chưa đưa ra được một giải pháp nào cụ thể. Theo bà Vân, hiện nay phòng Kinh tế đã báo cáo, tham mưu UBND TP. Hội An đề ra những giải pháp như: tiếp tục biện pháp kè giữ bờ biển, đề xuất giải pháp về nguồn vốn đầu tư đồng bộ cho toàn bộ các tuyến kè từ nguồn vốn Trung ương, tỉnh, địa phương và nguồn vốn các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn ven biển.

Chính quyền và cư dân TP. Hội An trăn trở, về lâu dài, cần nghiên cứu các giải pháp như triển khai trồng cây xanh chống sạt lở ven biển, nghiên cứu chỉnh trị tổng thể vùng cửa sông Thu Bồn như nạo vét, tạo luồng... Quan trọng nhất, UBND tỉnh Quảng Nam, Trung ương cần sớm có giải pháp tổng thể xây dựng kè toàn tuyến và nguồn vốn để biển Cửa Đại được thực thi các giải pháp chống sạt lở một cách khả thi. Nếu không sớm giải quyết thực trạng này, thì không chỉ bờ biển Cửa Đại sạt lở, mà biển Cẩm An, hay nhiều bờ biển khu vực chạy dọc đó theo hướng bắc ra phía Đà Nẵng cũng bị uy hiếp không kém trong thời gian sắp tới.

Bài và ảnh: Võ Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gian nan chống sạt lở biển Cửa Đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO