Giảm thiểu các hoạt động đốt ngoài trời

05/06/2017 00:00

  (TN&MT) - Sáng ngày 5/6, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội thảo "Nâng cao nhận thức về nguy cơ sức...

 

(TN&MT) - Sáng ngày 5/6, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội thảo "Nâng cao nhận thức về nguy cơ sức khỏe và môi trường do hoạt động đốt ngoài trời". Hội thảo là một trong những sự kiện hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, Ngày Môi trường thế giới 5/6 năm 2017.

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, từ năm 2002 Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Stockholm và trở thành quốc gia thành viên thứ 14 của Công ước với mục đích bảo vệ sức khỏe con người và môi trường trước nguy cơ gây ra do các chất ô nhiễm hưu cơ khó phân hủy (POP) gây ra. Ngày 10/8/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 184/2006/QĐ-TTG về việc phê chuẩn Kế hoạch Quốc gia thực hiện Công ước Stockholm, trong đó “Đề án khuyến khích, hỗ trợ việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, kinh nghiệm bảo vệ môi trường tốt nhất hiện có để giảm thiểu và loại trừ phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ hình thành không chủ định do các hoạt động sản xuất công nghiệp, sinh hoạt và xử lý chất thải gây ra” và “Đề án tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về tác hại của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ” là một trong những đề án ưu tiên thuộc Kế hoạch.

Các đại biểu tham dự Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tuy nhiên, tại Việt Nam, các hoạt động đốt ngoài trời, đặc biệt là đốt phế phẩm nông nghiệp, đốt chất thải sinh hoạt, đốt hoặc cháy tự phát tại các bãi rác ngoài trời, cháy rừng, đốt ngoài trời tại làng nghề và các khu vực nông thôn thường gây ra các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bao gồm các nguồn phát sinh các chất Dioxin/Furan, các chất ô nhiễm hưu cơ khó phân hủy mới và nhiều chất gây ô nhiễm, độc hại khác. Theo số liệu của UNEP về cập nhật kết quả kiểm kê quốc gia, phát thải Dioxin/Furan là trung bình 22,6g TEQ/năm trong 6 năm (2007-2012) trong các hoạt động đốt ngoài trời. Tổng phát thải Dioxin từ các ngành công nghiệp khác nhau tại Việt Nam ước đạt 564,4g TEQ/năm.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã nhiệt tình trao đổi những vấn đề cơ bản nhất về Công ước Stockholm, các chất POP và ảnh hưởng của các chất POP đến môi trường và sức khỏe; những rủi ro phát sinh từ các hoạt động đốt ngoài trời tới sức khỏe con người và môi trường; cung cấp một số giải pháp BAT/BEP trong các hoạt động có đốt hở tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận sôi nổi để tìm ra giải pháp giảm thiểu các hoạt động đốt hở điển hình trong nông nghiệp (đốt rơm, đốt lá khô…) trong sinh hoạt.

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: Mặc dù đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường thông qua việc ban hành hệ thống chính sách pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và nâng cao ý thức cộng đồng…Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang đứng trước nhiều thách thức về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, ở nước ta một số vấn đề liên quan đến đốt ngoài trời mới chỉ được quản lý theo khung pháp lý chất thải nguy hại của quản lý môi trường nói chung như Chiến dịch quốc gia về quản lý chất thải rắn tổng hợp, tầm nhìn đến năm 2025... và chưa có quy định cụ thể về hoạt động đốt ngoài trời.

Do vậy, để góp phần trong công cuộc bảo vệ môi trường và sức khỏe nhân dân thì các cấp chính quyền địa phương, các cán bộ các Hội, Đoàn thể luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp xã hội hạn chế thực hiện những hành vi có tác động xấu tới môi trường và sức khỏe, đặc biệt là giảm thiểu các hoạt động đốt ngoài trời…

Linh Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm thiểu các hoạt động đốt ngoài trời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO