Tuy nhiên, về chủ quan thì một số địa phương trên địa bàn tỉnh chưa đánh giá đầy đủ mức độ nguy hiểm của thiên tai, còn nể nang, né tránh, chưa kiên quyết trong đôn đốc, hướng dẫn, cưỡng chế người dân khi xảy ra thiên tai. Một số địa phương vẫn để người dân không di dời hoặc tham gia các hoạt động giao thông, đánh bắt thủy sản... khi có thiên tai mưa lũ tại vùng nguy hiểm. Bên cạnh đó, một số địa phương xây dựng phương án ứng phó thiên tai chưa sát thực tế khi kịch bản còn mang tính lý thuyết, chưa dự báo được các sự cố xảy ra, dẫn đến việc ứng phó còn lúng túng.
Mặc dù TP Hà Nội không phải là địa bàn trọng điểm chịu tác động của bão, lũ nhưng năm 2017 thiên tai cũng làm 2 người chết, thiệt hại tài sản gần 1.500 tỷ đồng. Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai TP Hà Nội, do biến đổi khí hậu, khiến thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường.
Ngoài ra, do một số xã của các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì… bị ảnh hưởng mạnh của lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình dồn về nhanh trong thời gian ngắn, mực nước lũ trên các sông lên cao dẫn đến tình trạng ngập úng và hậu quả nặng nề… Đặc biệt, nhận thức của người dân trong ứng phó thiên tai còn hạn chế...
Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, ngoài yếu tố bất thường của thời tiết, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng chưa cao, một trong những nguyên nhân khiến thiên tai gây thiệt hại lớn là nhận thức của các cấp chính quyền còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức cho phòng ngừa và khắc phục hậu quả. Cùng với đó, ý thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp về tác động nguy hiểm của thiên tai còn thấp, chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường khẳng định: "Công tác nâng cao nhận thức, năng lực của cộng đồng có vai trò rất quan trọng trong giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Vì vậy, công tác này cần được thực hiện thường xuyên và xuyên suốt trong quá trình phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Việc nâng cao nhận thức không chỉ với người dân mà cần tăng cường với cả cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai và các nhóm cộng đồng khác trong xã hội; phải chuyển hướng nhận thức và hành động "lấy phòng ngừa là chính"…
Vì vậy, để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, các bộ, ngành, địa phương ngay từ lúc này cần tập trung triển khai 11 giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, đào tạo nhằm nâng cao năng lực của cộng đồng, hướng dẫn kỹ năng để nhân dân tự ứng phó trong các tình huống, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra".