Giảm tải các bãi xử lý rác thải rắn ở Hà Tĩnh: Cần sự đột phá

08/02/2015 00:00

(TN&MT) - Hệ thống xử lý rác thải rắn chưa được đầu tư nên việc tổ chức thu gom còn nhiều hạn chế, tình trạng rác thải đổ tùy tiện xảy ra ở nhiều nơi...

   
(TN&MT) - “Hệ thống xử lý rác thải rắn chưa được đầu tư nên việc tổ chức thu gom còn nhiều hạn chế, tình trạng rác thải đổ tùy tiện xảy ra ở nhiều nơi, nhất là ven sông suối, vùng giáp ranh, bên cạnh các trục đường giao thông gây ô nhiễm, mất cảnh quan....” - Đó là một trong những tồn tại được ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh thẳng thắn nhìn nhận đang diễn ra tại địa phương.
   
        
 Các bãi rác đã quá tải
   
  Có mặt tại khu vực cửa bãi rác Phượng Thành, thôn Đông Xá, xã Đức Hòa(địa điểm tập kết rác thải gần như toàn bộ của huyện Đức Thọ), cách đường QL 8A khoảng 1km chúng tôi thấy mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ ngay đầu đường.
   
  Theo phản ánh của người dân, hàng ngày, nhất là vào buổi trưa những ngày trời oi bức hay những lúc gió thổi mạnh, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ bãi rác Phượng Thành lan tỏa cả một vùng rộng lớn. Nhiều gia đình ở cách xa hàng trăm mét cũng ngửi thấy mùi xú uế. “Những hộ ở gần bãi rác càng khổ hơn, suốt ngày phải đeo khẩu trang. Nguồn nước giếng của các gia đình bị ô nhiễm nặng, không thể sử dụng được, buộc người dân phải mua nước đóng bình về sử dụng. Mỗi khi đến bữa ăn, người dân phải mắc màn để tránh ruồi, nhặng từ bãi rác bay vào”, ông Lê Văn Quản -Trưởng thôn Đông Xá, xã Đức Hòa bức xúc. Quan sát khu bên trong bãi là một núi rác khổng lồ cao cả chục mét, ruồi nhặng bay thành bầy. Chị Liên, một người nhặt rác nơi đây cho hay: Rác ở đây không phân loại cho nên đủ thứ, từ rác vệ sinh, thực phẩm đến rác thải rắn của nhà máy đều được đổ thẳng xuống, tràn ra cả ngoài đường.
   
  Cũng như bãi rác Phượng Thành, bãi rác huyện Hương Khê được hình thành từ năm 1995, được quy hoạch với diện tích 4.300m2 và hố đào sâu 7m nằm trên địa phận khối 13 thị trấn Hương Khê. Theo quy trình rác được thu gom tập kết tại đây và xử lý bằng cách chôn lấp. Tuy nhiên, khi lượng rác ngày càng lớn không có chỗ để chôn lấp thì giải pháp duy nhất là đổ trên mặt đất rồi đốt nhưng cũng chỉ áp dụng được trong những ngày nắng còn những ngày mưa lượng rác lớn cứ mặc nhiên phơi mưa và gây ô nhiễm cho người dân. Điều đáng nói bãi rác này lại nằm gần khu dân cư và cách cánh đồng sản xuất của người dân chỉ một con đường chưa đầy 3m. Theo thời gian bãi rác ngày càng quá tải và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hương Khê, ông Phan Quốc Lập cũng nhìn nhận: “Bãi rác Hương Khê đang "oằn mình" chứa khoảng trăm tấn rác/tuần, đã quá tải từ năm 2010. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây xảy ra đã lâu, gây bức xúc cho nhân dân và cả chính quyền địa phương. Huyện đã khắc phục bằng cách thuê người đốt, chôn lấp; đồng thời, phun xịt hóa chất khử mùi, diệt ruồi nhằm giảm ô nhiễm nhưng đó chỉ là tạm thời, vấn đề là cần xây dựng nhà máy xử lý rác".
   
  Thực trạng ô nhiễm nêu trên còn xảy ra tại các bãi rác ở các huyện: Lộc Hà, Vũ Quang, Kỳ Anh, Can Lộc... Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh khoảng 1 nghìn tấn/ngày. Ðiểm đáng chú ý là hằng năm chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại Hà Tĩnh đều tăng đáng kể nhưng tình trạng đầu tư các nhà máy xử lý thì diễn ra quá chậm, dẫn đến 12 huyện, thị xã, thành phố đều bức xúc vì bãi rác quá tải.
   
  Thực trạng quá tải các bãi rác đã khiến chính quyền địa phương các nơi trong tỉnh Hà Tĩnh như ngồi trên đống lửa. Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh Trần Thế Dũng chia xẻ: “Thành phố hiện đã có nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao tầm khu vực, nhưng năm 2014 mới chỉ giải quyết được khoảng 85% lượng rác thải của thành phố. Dự kiến, năm 2015 khi nhà máy xử lý rác thải ở Cẩm Quang hoạt động đúng công suất thì 100% rác thải sẽ được xử lý và tái tạo thành tài nguyên”.
   
  Trái ngược với thành phố Hà Tĩnh, hầu hết các huyện, thị xã trong tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều năm nay làm tờ trình xin dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét. Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vũ Quang, Nguyễn Trọng Nghĩa nói: " Huyện Vũ Quang có quy hoạch bãi rác chôn lấp ở thị trấn những đã quá tải đã nhiều năm nay, với lượng rác mỗi ngày tăng thêm hàng chục tấn thì dù có mở rộng thêm bãi rác cũng khó đủ sức chứa trong năm 2015. Trong khi đó, dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn ở Vũ Quang đã có nhiều đoàn về nghiên cưú đầu tư nhưng đến nay không có phản hồi. Chúng tôi đang rất lo ngại tình trạng rác thải hiện này".
   
    
          
Cần sự đột phá
   
  Tại buổi làm việc với PV Báo TN&MT, ông Võ Tá Đinh - Giám đốc Sở TN&MT cho biết: “Công tác thu gom rác thải trong năm 2014 ở Hà Tĩnh được triển khai thực hiện tốt, trước hết là nhờ phát huy hiệu quả các mô hình dich vụ HTX môi trường...”.  Mặc dù vậy, do hệ thống nhà máy xử lý rác thải rắn chưa được đầu tư nên việc tổ chức thu gom còn nhiều hạn chế, tình trạng rác thải sau thu gom đổ tùy tiện xảy ra ở nhiều nơi, nhất là ven sông suối, vùng giáp ranh, bên cạnh các trục đường giao thông gây ô nhiễm, mất cảnh quan. Những tồn tại này chưa thể giải quyết ngày một, ngày hai, ông Đinh nói thêm.
   
  Theo thống kê của Sở TN&MT Hà Tĩnh, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 140 đơn vị trong đó có 3 công ty quản lý công trình đô thị, 120 HTX môi trường và 17 tổ, đội, vệ sinh môi trường.  Sự ra đời của các tổ, đội, hợp tác xã (HTX) môi trường bước đầu giải được bài toán về ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt, rác thải chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các làng quê. Đây được xem là hướng đi mới trong mô hình hợp tác công - tư về dịch vụ công ích bảo vệ môi trường ở Hà Tĩnh.
   
  Ông Võ Tá Đinh khẳng định: “Trong hành trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, gắn phát triển Kinh tế- Xã hội với bảo vệ môi trường của Hà Tĩnh cần sự đột phá, nếu cứ chờ đợi sẽ chưa biết đến bao giờ mới làm được. Sắp tới chúng tôi sẽ triển khai nhân rộng mô hình nhà máy xử lý rác mini như tại huyện Kỳ Anh ở một số địa bàn tập trung lớn lượng rác thải rắn, đồng thời tạo những điều kiện tốt nhất kêu gọi các nhà đầu tư, mạnh dạn đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn”.
   
  Theo hoạch định, Hà Tĩnh sẽ tạo cơ chế để cho các mô hình HTX môi trường phát triển. Vậy nhưng, hầu hết đại diện cho các tổ HTX đều khẳng định rằng ý tưởng khó khả thi, bởi lẽ đã bắt đầu thấy “chật vật” về kinh phí để tổ chức hoạt động. Ông Nguyễn Doãn Thập- Chủ nhiệm HTX Môi trường huyện Vũ Quang cho hay: “Phí rác thải sinh hoạt tỉnh quy định 10.000 đồng/hộ/tháng, như vậy, phí trả tiền cho xã viên thu gom mới đáp ứng ở mức 500 ngàn đến 700 ngàn/ tháng, nay phải trả thêm công cho người đốt rác vì các bãi rác không có chỗ chứa đã gây khó khăn thêm cho các HTX”.
   
  Thực tế hiện nay môi trường đang là bài tóan khó giải quyết, tình trạng quá tải  ở các bãi rác thải đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức thu gom cũng như cảnh quan môi trường, vì lẽ đó Hà Tĩnh kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện ý tưởng xây dựng hệ thống nhà máy xử lý rác thải rắn trên địa bàn.
   
                                                                     Bài & ảnh: Đức Cảnh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm tải các bãi xử lý rác thải rắn ở Hà Tĩnh: Cần sự đột phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO