Giám sát tài nguyên và môi trường bằng công nghệ viễn thám

Mai Đan| 06/11/2019 17:43

(TN&MT) - Chiều 6/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định nội dung Đề án "Giám sát tài nguyên và môi trường bằng công nghệ viễn thám".

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chủ trì cuộc họp

Báo cáo thuyết minh Đề án, ông Lê Quốc Hưng – Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia cho biết: Mục tiêu tổng thể của Đề án là đẩy mạnh ứng dụng viễn thám trong quản lý, giám sát tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, đưa công nghệ viễn thám trở thành một công cụ hiệu quả, thường xuyên, cho phép cung cấp thông tin chi tiết, chính xác và cập nhật về hiện trạng tài nguyên và môi trường trên lãnh thổ Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể của Đề án nhằm giám sát được tài nguyên môi trường trên lãnh thổ Việt Nam bằng công nghệ viễn thám theo từng lĩnh vực: Khí tượng thuỷ văn, biển và hải đảo, môi trường, địa chất và khoáng sản, đất đai, biến đổi khí hậu, tài nguyên nước. Cung cấp các thông tin cập nhật về hiện trạng, diễn biến khai thác, sử dụng tài nguyên và môi trường góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước; xây dựng được cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám dùng chung chi tiết, chính xác và cập nhật phục vụ cho công tác giám sát tài nguyên và môi trường.

Theo GS.TS. Võ Chí Mỹ, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Trắc địa, Bản đồ, Viễn thám Việt Nam, Đề án cần chú trọng lựa chọn những vấn đề cấp bách, thời sự liên quan đến việc sử dụng công nghệ viễn thám trong giám sát tài nguyên và môi trường, có sự cảnh báo kịp thời các hiện tượng đột biến về ô nhiễm, suy thoái môi trường…

PGS.TS. Trịnh Lê Hùng, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng kiến nghị nhóm biên soạn hoàn thiện một số vấn để liên quan đến sử dụng ảnh có độ phân giải cao, siêu cao, đồng thời bổ sung việc sử dụng ảnh quang học.

Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia Nguyễn Quốc Khánh tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định nội dung Đề án và các đại biểu

Tại cuộc họp, các thành viên khác của Hội đồng thẩm định nội dung Đề án và nhiều đại biểu tham dự cũng đã đóng góp một số nội dung liên quan đến việc sử dụng công nghệ viễn thám trong kiểm kê, giám sát biến động đất đai khu công nghiệp, đất đai trồng lúa, giám sát quy hoạch sử dụng đất (cấp quốc gia, cấp tỉnh), ô nhiễm nước, không khí, khí tượng thuỷ văn, biển và hải đảo.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Cục Viễn thám quốc gia tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng thẩm định nội dung Đề án và các đại biểu, qua đó, hoàn thiện báo cáo thuyết minh, Tờ trình về việc phê duyệt Đề án trên cơ sở xin ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương.

Thứ trưởng nhấn mạnh mục tiêu của Đề án là giám sát tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Quang cảnh cuộc họp

“Trong nội dung của Đề án cần chú ý đến việc đề cập các vấn đề liên quan đến các thiết bị bay không người lái phục vụ công tác viễn thám. Ngoài ra, mỗi một lĩnh vực cần xác định rõ viễn thám làm được gì, cần đưa cụ thể vào đề án” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cho rằng trong đề án cần nêu cụ thể đầu ra của Đề án phải đồng bộ với Đề án cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường do Cục Công Nghệ Thông Tin và Dữ liệu Tài nguyên môi trường (Bộ TN&MT) đang thực hiện.

“Cục Viễn thám quốc gia sớm hoàn thiện Tờ trình, các văn bản liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trên trong tháng 12/2019” – Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám sát tài nguyên và môi trường bằng công nghệ viễn thám
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO