Giám sát ĐDSH rừng: Rời rạc thiếu thông tin

30/11/2016 00:00

(TN&MT) - Giám sát đa dạng sinh học (ĐDSH) rừng là một hoạt động cần thiết để có cơ sở đưa ra các chính sách và các hoạt động quản lý hợp lý. Tuy vậy, hoạt động này ở nước ta được thực hiện một cách rời rạc không thống nhất.

Mới dừng ở thí điểm

Cho đến nay, Việt Nam chưa xây dựng Chương trình giám sát ĐDSH quốc gia, tuy vậy, trong hai thập kỷ qua, đã có một số hoạt động giám sát ĐDSH được thực hiện ở một số khu rừng đặc dụng, vùng đệm liền kề và các khu vực có rừng phòng hộ.

Đáng nói, hầu hết các hoạt động giám sát ĐDSH này đều mang tính chất thí điểm với mục tiêu chủ yếu nhằm theo dõi các nguy cơ đe dọa, xu hướng chung của các loài và xu hướng của các loài bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu, sự thay đổi đối với môi trường sống, hệ sinh thái và việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Hoạt động giám sát ĐDSH rừng vẫn mang tính chất thí điểm.
Hoạt động giám sát ĐDSH rừng vẫn mang tính chất thí điểm.

Mặt khác, các hoạt động giám sát ĐDSH đã được thực hiện từ trước tới nay, chủ yếu do các dự án nước ngoài hỗ trợ, thực hiện riêng lẻ ở các khu vực khác nhau và khác nhau cả về quan điểm cũng như tính ứng dụng. Các hoạt động giám sát này được thực hiện rất rời rạc, không có tính liên kết với nhau và với các chương trình điều tra giám sát rừng khác. Hoạt động giám sát ĐDSH thường kết thúc hoặc bị gián đoạn khi nguồn tài trợ từ bên ngoài không còn.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc các hoạt động giám sát ĐDSH trong lâm nghiệp chưa được quan tâm là phương thức quản lý rừng của các chủ rừng ở Việt Nam hiện còn rất thụ động. Thông thường, khi có giấy phép, lâm sản sẽ được khai thác để bán và khi rừng tự nhiên không còn sản phẩm để khai thác, rừng sẽ được trồng mới hoặc để tái sinh tự nhiên.

Phần lớn các chủ rừng đều không có chiến lược quản lý rừng lâu dài cũng như không có mục tiêu quản lý rừng cụ thể. Nguyên nhân khác là chưa có cơ sở dữ liệu để lưu trữ, phân tích các chỉ số và dữ liệu ĐDSH một cách lâu dài và có hệ thống; các chỉ số về ĐDSH được thu thập rời rạc, không có định hướng. Điều này khiến các thông tin về ĐDSH không đóng góp nhiều cho việc lập kế hoạch và kết quả là giám sát ĐDSH chưa được quan tâm.

Cần thống nhất dữ liệu ĐDSH rừng

Để đảm bảo tính thống nhất dữ liệu về ĐDSH rừng, các chuyên gia cho rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) và Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) để xây dựng và thống nhất một số bộ chỉ số ĐDSH cơ bản, có khả năng tổng hợp được từ các cấp chủ rừng đến cấp Nhà nước.

Giám sát ĐDSH rừng rất cần thiết để có cơ sở đưa ra các chính sách và các hoạt động quản lý hợp lý.
Giám sát ĐDSH rừng rất cần thiết để có cơ sở đưa ra các chính sách và các hoạt động quản lý hợp lý.

Cùng với đó, xây dựng một quy trình lựa chọn các chỉ số giám sát ĐDSH đơn giản để các đơn vị quản lý rừng ở cấp cơ sở có thể xác định được các chỉ số giám sát ĐDSH phù hợp với bộ chỉ số cơ bản; thiết lập mối liên kết giữa các chương trình giám sát ĐDSH với nhau từ chủ rừng, vùng sinh thái, cấp tỉnh, cấp quốc gia; kết hợp các chương trình giám sát rừng quốc gia để thu thập các chỉ số, dữ liệu về ĐDSH…

Hiện, Cục Bảo tồn đa dạng sinh dưới sự hỗ trợ của dự án JICA đã xây dựng thành công và cho ra mắt hệ thống quản lý dữ liệu ĐDSH quốc gia cùng với bộ chỉ số ĐDSH từ cấp chủ rừng đến cấp quốc gia. Các chỉ số ĐDSH ở các cấp cơ sở được chia thành 5 nhóm bao gồm: nhóm chỉ số về thực trạng ĐDSH; nhóm chỉ số về nguy cơ đe dọa; nhóm chỉ số về các hoạt động làm giảm nguy cơ đe dọa; nhóm chỉ số về tính hiệu quả của các hoạt động làm giảm nguy cơ đe dọa; và nhóm chỉ số về giá trị ĐDSH. Có 129 chỉ số ĐDSH ở cấp quốc gia được đề xuất, trong đó, có 50 chỉ số sẽ được thiết lập trong hệ thống quản lý dữ liệu ĐDSH Quốc gia.

Hệ thống cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học (NBDS) được thiết kế đáp ứng với các tiêu chuẩn quốc tế để lưu trữ dữ liệu đa dạng sinh học toàn quốc bao gồm cả các danh mục loài động thực vật theo các hệ thống phân loại. Việc phát triển NBDS giúp Tổng cục Môi trường thực hiện quản lý ĐDSH hiệu quả thông qua việc thu thập các số liệu cần thiết để đánh giá, giám sát và báo cáo về tình trạng ĐDSH.

NBDS được trông đợi sẽ cung cấp nền tảng thông tin ĐDSH cho những nhà kế hoạch, quan chức chính phủ, những nhà nghiên cứu cũng như cộng đồng.

Phương Anh

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám sát ĐDSH rừng: Rời rạc thiếu thông tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO