Hơn 60 triệu mô tô, xe máy phát thải ra môi trường
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã nhận định, Việt Nam là một trong số quốc gia thuộc nhóm đầu chịu sự tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, chất lượng không khí luôn ở mức báo động. Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí chủ yếu từ 3 nguồn: Hoạt động giao thông, công nghiệp và xây dựng. Trong đó, ô nhiễm từ giao thông lớn nhất bởi cả nước hiện có khoảng 60 triệu mô tô, xe máy đang thải khí gây ô nhiễm môi trường.
Khoảng 70% nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí ở đô thị nước ta đến từ hoạt động giao thông (Ảnh: ITN) |
Riêng tại Hà Nội, theo thống kê của Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, toàn thành phố hiện có xấp xỉ 6 triệu triệu xe máy (trong đó có trên 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000), chưa tính nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, số lượng phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải chiếm tỷ lệ lớn trong gần 8 triệu xe máy; trong đó, lượng xe máy đã sử dụng hơn 10 năm chiếm tỷ lệ 67,89%.
Khí thải từ các phương tiện như xe máy cũ gồm các dạng hạt bụi lơ lửng, khí oxit carbon (CO), hidrocarbon (HC), các dạng oxit nitơ (NOx) và các chất khác ngày càng vượt quá giới hạn cho phép, gây ảnh hưởng rất lớn tới môi trường không khí đô thị cũng như sức khỏe của người dân. Nếu thành phố Hồ Chí Minh không kiểm soát khí thải xe máy, với số lượng xe như vậy, hàng năm lượng khí thải gia tăng thêm sẽ là 68.479 tấn khí CO và 4.475 tấn HC.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Theo bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, để giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông, bên cạnh việc hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giao thông xanh, chúng ta nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường, thuế bảo vệ dự phòng sức khỏe. Cần đánh thuế mạnh các phương tiện giao thông cá nhân có động cơ gây ô nhiễm môi trường, từ đó góp phần điều chỉnh hành vi giao thông của người dân sang hướng dùng phương tiện giao thông công cộng; xem xét giảm dần và không sử dụng xe máy trong nội thành đến năm 2030; tăng cường trồng cây xanh, diện tích thảm cỏ, vườn hoa tạo không gian xanh, sạch, đẹp...
Một số ý kiến khác cho rằng, thành phố và các bộ, ngành cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển giao thông xanh; đổi mới phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí nén thiên nhiên (CNG); triển khai và ứng dụng công nghệ mới trong giao thông vận tải nhằm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; ưu đãi vận tải hàng hoá chuyển từ đường bộ sang đường thủy và đường sắt...
Các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phải áp dụng đồng bộ các giải pháp với sự tham gia của đông đảo người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước. Trong đó, phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người thay đổi thói quen giao thông; tích cực tham gia giao thông công cộng, tăng cường đi bộ, đi xe đạp.