Giảm nghèo bền vững: Cần sự đồng thuận, chung tay của hệ thống chính trị - xã hội

Trường Giang| 23/01/2015 11:38

(TN&MT) - Thời gian qua, mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho vay vốn sản xuất nhưng nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc, hộ nghèo vẫn chưa thực sự vươn lên, nhiều hộ còn chưa có ý thức tự thoát nghèo, trông chờ hỗ trợ từ ngân sách.

Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, hiện nay còn 44 xã khu vực III và 240 ấp, khóm đặc biệt khó khăn đang được đầu tư triển khai thực hiện các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo. Cụ thể, từ năm 1999 đến nay tỉnh đã đầu tư gần 745 tỷ đồng cho 137 lượt xã và 170 lượt ấp đặc biệt khó khăn, bao gồm cả các đầu tư về đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, cho vay vốn để sản xuất... Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát kết quả thực hiện các chương trình, dự án cũng đã chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại. Trong đó, có thể thấy rõ nhất là tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn ở mức cao, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số.

11(1).jpg

Không chỉ Sóc Trăng, tại tỉnh Bình Phước, khi đánh giá thực trạng công tác giảm nghèo trên địa bàn đã rút ra một số bất cập còn tồn tại trong công tác này. Chẳng hạn, tại một số khu vực nông thôn, nơi có nhiều đồng bào Stiêng, Mnông, Châu Mạ sinh sống giảm nghèo thiếu bền vững. Mặc dù được hỗ trợ vốn nhưng do hạn chế trong việc tiếp thu khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống vẫn còn khó khăn, ở một số nơi, thu nhập của bà con phụ thuộc chủ yếu vào đi làm thuê hoặc mót mủ cao su,...

10(1).jpg

Còn tại tỉnh Đồng Nai, chênh lệch giàu nghèo tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Để tháo gỡ những vướng mắc trong công tác giảm nghèo, PGS.TS Trần Thị Minh Châu (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) lấy dẫn chứng từ chính sách khuyến khích đồng bào Khmer tại tỉnh An Giang tham gia phát triển kinh tế hàng hóa nhằm giảm nghèo cho biết: bằng việc cụ thể hóa nhiều chuơng trình hành động, đề án, dự án để khuyến khích các hộ nghèo chuyển mình, Tỉnh ủy An Giang đã ra Nghị quyết số 09 về phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng nông thôn dân tộc thiểu số. Sau đó, UBND TP ban hành đề án (số 25) cụ thể hóa bằng các chính sách hỗ trợ, giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết công ăn việc làm cho các hộ nghèo. Đặc biệt, địa phương đã chủ động xây dựng cụ thể chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp tầm nhìn đến 2020.

Bà Lê Thị Mỹ Phượng - Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Nai cho rằng, để giảm nghèo bền vững, công tác xóa đói giảm nghèo phải đuợc sự đồng thuận, chung tay của hệ thống chính trị - xã hội, Mặt trận và các đoàn thể của từng địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm nghèo bền vững: Cần sự đồng thuận, chung tay của hệ thống chính trị - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO