Giám đốc WARECOD được vinh danh "Anh hùng về điểm nóng đa dạng sinh học"

29/08/2016 00:00

(TN&MT) - Quỹ đối tác Hệ sinh thái Trọng yếu (CEPF) vừa công bố tên nhà hoạt động môi trường Việt Nam trở thành “Anh hùng về Điểm nóng đa dạng sinh học” tại khu vực Indo-Burma; đó là Tiến sĩ Đào Thị Nga - đồng sáng lập kiêm giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tài nguyên nước (WARECOD).

Theo đó, TS. Đào Thị Nga trở thành một trong 15 “Anh hùng về điểm nóng đa dạng sinh học” được vinh danh vào ngày 4/9 tại Hội nghị Bảo tồn Thế giới (WCC) của IUCN. Những nhà hoạt động môi trường do Quỹ đối tác Hệ sinh thái Trọng yếu (CEPF) lựa chọn, sẽ nhận giải thưởng tại Bảo tàng Bishop, Honolulu Hawai’i cho những cống hiến vượt bậc của họ đối với sự nghiệp bảo tồn đa dạng sinh học tại các điểm nóng ở khu vực Indo-Burma.  

TS. Nga đã vượt qua hơn 2,000 đại diện từ các tổ chức nhận tại trợ của CEPF trên toàn thế giới để trở thành Anh hùng về điểm nóng đa dạng sinh học khu vực Indo-Burma. Sinh ra tại Việt Nam, Ts. Nga tốt nghiệp tiến sĩ ngành địa lý nhân văn tại đại học York, Toronto. Với vai trò là giám đốc WARECOD, bà đã triển khai thí điểm mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản tại Việt Nam. Bà cũng làm việc với người dân bản địa và cộng đồng địa phương tại một số tỉnh phía Bắc Việt Nam để xây dựng các mô hình làm việc, góp phần thay đổi chính sách và hướng tới nhân rộng mô hình ở quy mô lớn hơn. Từ năm 2009, CEPF đã hỗ trợ những nỗ lực này, xây dựng được các mô hình trình diễn và áp dụng các quy đinh về đồng quản lý nguồn nguồn lợi thủy sản tại tỉnh Tuyên Quang.

Tiến sĩ Đào Thị Nga - đồng sáng lập kiêm giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tài nguyên nước (WARECOD)
Tiến sĩ Đào Thị Nga - đồng sáng lập kiêm giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tài nguyên nước (WARECOD)

Là đại diện duy nhất trong khu vực Đông Nam Á được nhận giải thưởng trong tổng số 15 người thắng cuộc. TS. Nga cho biết, mục tiêu của WARECOD là thúc đẩy sử dụng bền vững nguồn tài nguyên của Việt Nam, hỗ trợ bình đẳng giới trong sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Theo Ts.Nga, nguồn vốn hỗ trợ của CEPF đã giúp tổ chức của bà hoàn thành sứ mệnh và thực hiện ước mơ của mình.Các hoạt động mà WARECOD tiến hành thông qua quỹ CEPF rất đa dạng từ nâng cao nhận thức người dân tại đồng bằng sông Cửu Long về các tác động có thể xẩy ra khi áp dụng giải pháp công trình đối với hệ sinh thái có liên quan, đến nâng cao năng lực cho cộng đồng khi xây dựng các nhóm đồng quản lý nước, và truyền thông đến rộng rãi cộng đồng về tầm quan trọng của bảo tồn. Cũng nhờ có những hỗ trợ của CEPF mà WARECOD đã có thể lập các nhóm đồng quản lý nghề cá tại khu vực hành lang núi đá vôi Trung Quốc-Việt Nam. Cộng đồng địa phương cũng đã công nhận đây là mô hình tốt nên nhân rộng trong tương lai.

Những nước khác có đại diện được nhận giải thưởng bao gồm Bhutan, Trung Quốc, Colombia, Đảo Cook, Cộng hòa Dominican, Ghana, Ấn Độ, Madagascar, Mozambique, Panama, Peru, Tusinia, Đảo Solomon, và Nam Phi trong đó có năm đại diện là phụ nữ.

CEPF là cơ chế tài trợ các quỹ nhỏ nhằm mục đích bảo vệ những khu vực có tính đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới, mà hiện nay chưa bị đe dọa bởi những tác động bên ngoài. IUCN là cơ quan điều phối giai đoạn hai của quỹ CEPF (2013 – 2018) tại khu vực Indo-Burma, phối hợp với tổ chức - Vườn Thực vật Kadoorie, và Mạng lưới Bảo tồn – Phục hồi Môi trường Myanmar thành lập Nhóm Điều phối Khu vực CEPF, viết tắt là RIT.

Tuyết Chinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám đốc WARECOD được vinh danh "Anh hùng về điểm nóng đa dạng sinh học"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO