Giải tỏa nhà trên kênh, rạch: Ý kiến người dân là tiêu chí quan trọng

30/11/2016 00:00

  Để di dời, giải tỏa nhà ổ chuột trên, ven kênh, rạch trên địa bàn TPHCM, theo nhiều chuyên gia, cần có sự đồng thuận cao giữa chính quyền Thành phố, các...

 

Ngày 28/11, Hội Kiến trúc sư TPHCM tổ chức hội thảo “Nhà ở trên kênh rạch – Thực trạng và giải pháp”.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, chỉnh trang đô thị, giải tỏa nhà ở trên và ven kênh rạch thuộc 1 trong 7 chương trình đột phá được Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ TPHCM. Thông qua di dời, giải tỏa nhà ổ chuột trên, ven kênh rạch để đưa dòng kênh xanh trong trở lại, giữ lại nét văn hóa “trên bến dưới thuyền” của Thành phố.

Để thực hiện chương trình đó, bài toán cốt lõi là các chính sách triển khai của Thành phố phải phù hợp với quan điểm, tiếng nói chung của các nhà làm quy hoạch, các chuyên gia về kinh tế, xã hội, các nhà đầu tư và nhất là với người dân thuộc diện di dời.

Có chung quan điểm này, trong tham luận gửi tới hội thảo, Tiến sĩ Phạm Văn Phước, Viện Quy hoạch xây dựng cho rằng, chỉnh trang đô thị cho khu vực nhà ở trên và ven kênh rạch muốn thành công, kế hoạch triển khai thực hiện của chính quyền địa phương cần cụ thể và việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư phải được coi là một tiêu chí quan trọng trong công tác lập, thực thi quy hoạch.

Kiến trúc sư Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, chìa khóa tháo gỡ chương trình di dời nhà trên và ven kênh rạch là phải bồi thường thỏa đáng, thu hút đầu tư, biến vùng đất giải tỏa thành dự án phát triển bất động sản có giá trị sinh lời cao.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn muốn tháo gỡ trở ngại lớn nhất về vốn đầu tư, định hướng chỉnh trang đô thị, thành phố cần có đổi mới một số cơ chế nhất định, trong đó khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia.

Về định hướng chỉnh trang, cần đảm bảo không gian cách ly không cho ô nhiễm thoát ra kênh rạch, tổ chức giao thông thủy công cộng dọc ven kênh, phát triển khu vực tiềm năng như phố dịch vụ thương mại hoặc phố đi bộ ven kênh rạch cũng như bảo tồn không gian quy hoạch kiến trúc mang đặc trưng sông nước. 

Bàn về vấn đề tái định cư cho người dân, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa – Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM cho rằng, công tác tác này phải đảm bảo được tính bền vững, trong đó cần thực hiện tại chỗ thay vì định cư di dời, tạo thuận lợi cho người dân làm ăn sinh sống. Mặt khác nên thay đổi quan niệm kiến trúc, thiết kế nhà ở cho người tái định cư sao cho phù hợp, trong đó nhà ở xã hội và nhà ở thương mại nên tách rời.

Từ năm 1993 đến nay, TPHCM đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho khoảng 36.000 hộ gia đình sinh sống trên và ven kênh rạch, tập trung vào 5 tuyến kênh rạch chính là Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Đôi - Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện TPHCM vẫn còn hơn 20.000 căn nhà lụp xụp trên và ven những tuyến kênh ô nhiễm nặng. Thành phố phấn đấu đến năm 2020, cơ bản hoàn tất công tác di dời toàn bộ số căn nhà này, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch.

Theo Chinhphu.vn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải tỏa nhà trên kênh, rạch: Ý kiến người dân là tiêu chí quan trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO