Giải quyết vụ hàng ngàn sổ đỏ đất lâm nghiệp ở Quảng Nam bị "treo"

24/03/2016 00:00

(TN&MT) - Như Báo Điện tử TN&MT đã thông tin, việc hàng ngàn hộ dân ở các xã Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Sơn, Đại Thạnh… (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) bức xúc vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp của họ đã được cấp 3 đến 4 năm nay nhưng chính quyền địa phương vẫn không chịu giao tận tay họ.

Về vụ việc này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử TN&MT, ông Lưu Văn Ba - Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (Sở TN-MT Quảng Nam) cho biết: “Việc giao đất và cấp đất là do UBND huyện, tuy nhiên, với những trường hợp này, chúng tôi chưa nhận được báo cáo nào liên quan đến việc vướng mắc để trao sổ đỏ đất lâm nghiệp cho dân tại huyện Đại Lộc”. Ông Ba cho biết thêm, trong trường hợp này, UBND huyện nên có văn bản về Sở để có phương án điều chỉnh, hoặc ít nhất là UBND xã báo cáo đăng ký với Chi nhánh đất đai tại huyện Đại Lộc để giải quyết chồng lấn diện tích đất lâm nghiệp trong diện tích mồ mả cũng như trong diện tích rừng phòng hộ.

Ông Nguyễn Quốc Thận - Phó Chủ tịch xã Đại Lãnh:
Ông Nguyễn Quốc Thận - Phó Chủ tịch xã Đại Lãnh: "Trong quý 1 này, chúng tôi sẽ cho rà soát lại tất cả diện tích đất lâm nghiệp chồng lấn với đất rừng phòng hộ, có báo cáo và đề xuất bóc tách phần diện tích này trả về cho rừng phòng hộ, để cấp lại sổ đỏ cho người dân"

Ông Lưu Văn Ba còn lý giải thêm: “Việc giấy chứng nhận chưa đến tay người dân cũng có nguyên nhân của nó. Sau khi đo đạc (từ 2007-2010), nhiều thửa đất nằm trong quy hoạch mới được phê duyệt phát triển khu đô thị, khu CN- tiểu thủ công nghiệp. Ngoài ra, nhiều khu vực đất lâm nghiệp nhân dân đang sản xuất, nhưng trước đây thuộc đất rừng các dự án trồng quốc gia, do nhà nước quản lý, như 327, 661, PAM, JICA… chưa có quyết định giao cho dân quản lý, sử dụng, nên chưa thể trao giấy chứng nhận cho dân được”.

“Đối với trường hợp này, hiện một số nơi, do dự án đã kết thúc, nhưng việc đo đạc theo dự án của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa làm xong, giao về cho địa phương thực hiện, nhưng địa phương thiếu kinh phí, thiếu nguồn nhân lực nên chậm thực hiện. Năm 2012, theo Quyết định 2642 của UBND tỉnh Quảng Nam, về việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, vì vậy một số diện tích đã đo đạc, nhưng thay đổi mục đích sử dụng, phải đo lại trước khi cấp cho dân theo điều chỉnh. Sau khi tiến hành xong việc đo đạc diện tích đất rừng trồng theo thực tế, từng địa phương phải xác định thực trạng pháp lý của hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho dân. Địa phương thực hiện chưa xong nên chậm trễ”, ông Lưu Văn Ba lý giải thêm.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo điện tử TN&MT đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Đại Lãnh (huyện Đại Lộc), được ông Nguyễn Quốc Thận - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh (huyện Đại Lộc) cho biết: “Tôi cũng biết vấn đề này lâu rồi, thế nhưng tôi mới chuyển về phụ trách mảng này nên mọi chuyện tôi chưa nắm rõ. Tôi được biết sổ đỏ đất lâm nghiệp trên địa bàn xã đã được cấp từ mấy năm nay rồi, thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau sổ đỏ vẫn chưa thể giao đến tay cho nhân dân được”.

Khi được hỏi vì sao trong một thời gian dài, dù cấp chính quyền xã vẫn biết những nguyên nhân sổ đỏ đất lâm nghiệp ở đây dù đã cấp nhưng chưa trao cho dân, lãnh đạo UBND xã Đại Lãnh cho rằng: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ giao giấy chứng nhận, thứ nhất là những diện tích đã được đo đạc, hoàn thiện hồ sơ và cấp giấy chứng nhận, nhưng khi nhận về, qua đối chiếu bản đồ hiện trạng 3 loại rừng, phát hiện có sự chồng lấn lên đất rừng phòng hộ do các Ban quản lý, các doanh nghiệp đang quản lý. Nên chúng tôi báo cáo và tạm dừng việc trao giấy chứng  nhận cho dân. Thứ hai là một số diện tích đất chồng lấn với những khu vực mồ mả của dân có từ lâu đời, cần được bóc tách ra khỏi diện tích đất rừng sản xuất để tránh khiếu kiện, tranh chấp, gây mất an ninh trật tự tại địa phương”.

Người dân huyện Đại Lộc đang ngày đêm mong mỏi cầm tấm sổ đỏ đất lâm nghiệp trên tay
Người dân huyện Đại Lộc đang ngày đêm mong mỏi cầm tấm sổ đỏ đất lâm nghiệp trên tay

Ông Nguyễn Quốc Thận cũng cho biết thêm, trong quý 1 này, chúng tôi sẽ cho rà soát lại tất cả diện tích đất lâm nghiệp chồng lấn với đất rừng phòng hộ, có báo cáo và đề xuất bóc tách phần diện tích này trả về cho rừng phòng hộ, để cấp lại sổ đỏ cho người dân. “Riêng phần đất mồ mả nằm trong diện tích đã được cấp trong sổ, chúng tôi sẽ rà soát và đề nghị bóc phần diện tích đó ra ngoài sổ đỏ” - ông Thận nói.

Trao đổi với chúng tôi về việc hàng ngàn sổ đỏ của dân bị treo mấy năm nay, lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc cho biết, sau khi nhận được phản ánh từ Báo TN&MT nêu vấn đề này, UBND huyện Đại Lộc đã  đã nắm bắt được việc còn hàng ngàn sổ đỏ đất rừng sản xuất chưa đến tay người dân. Lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc đã tiến hành họp khẩn với cán bộ địa chính các xã cùng các phòng, ban liên quan để tìm hiểu rõ nguyên nhân của việc tồn đọng sổ đỏ của người dân. “Từ khi chuyển sổ đỏ đất rừng sản xuất của người dân cho chính quyền các xã, thị trấn đến nay, chúng tôi chưa nhận được khiếu nại hay phản ánh gì liên quan, do đó cứ nghĩ các địa phương đã cấp phát hết cho người dân. Dù với bất kỳ lý do gì thì việc chính quyền các xã “treo” sổ đỏ đất rừng sản xuất của dân suốt mấy năm qua là điều sai”, một lãnh đạo huyện Đại Lộc nói.

Bài & ảnh: Xuân Lam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết vụ hàng ngàn sổ đỏ đất lâm nghiệp ở Quảng Nam bị "treo"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO