Giải quyết phế liệu nhập khẩu tồn đọng: “Bùng nhùng” kiểm tra, giám định

25/09/2018 12:12

(TN&MT) - Hiện nay, các quy chuẩn kỹ thuật môi trường để thực hiện kiểm tra, giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu đã khá đầy đủ và chặt chẽ. Tuy vậy, kể từ khi Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 4202/TCHQ-PC, việc kiểm tra, giám định lại trở nên chồng chéo và bất cập. Điều này khiến các container bị ách tắc ở các cảng biển.

T6a
Việc kiểm tra, giám định còn chồng chéo và bất cập. Ảnh: MH

Mới đây, Hiệp hội Nhựa TP. HCM đã có Công văn số 02/2018/ HHNTPHCM gửi Tổng cục Hải quan, thể hiện rõ quan điểm không đồng tình với việc cơ quan Hải quan áp dụng thủ tục kiểm tra, giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu theo Công văn số 4202/TCHQ-PC.

Theo Hiệp hội Nhựa, việc các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu mặt hàng: Bao bì PP và Màng PE đã qua sử dụng nhưng còn công - năng sử dụng là không vi phạm pháp luật, (không thuộc danh mục cấm nhập khẩu, không phải phế liệu theo quy định của Bộ TN&MT) và có mã HS code riêng nhưng Công văn 4202/TCHQ-PC đã không đề cập đến nhóm hàng này. Chính vì thế, Công văn 4202/TCHQ-PC đã không thể hiện rõ hướng xử lý cho nhóm hàng này. Không những thế việc TCHQ “dừng làm thủ tục thông quan, không chịu ra kết quả kiểm định” đối với mặt hàng bao bì PP và màng PE đã qua sử dụng là áp đặt theo cảm tính, không tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Việc lấy mẫu 30kg/lô hàng để kiểm định là quá nhiều, gây lãng phí, thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như tốn không gian để chứa những mẫu hàng này của cơ quan quản lý...

Bên cạnh đó, Điều k, l Khoản 2 mục III của Công văn này quy định: Thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa bằng mắt thường và các các thiết bị tại hiện trường không quá 8 giờ làm việc kể từ thời điểm người khia hải quan xuất trình đầy đủ hàng hóa. Trường hợp hàng hóa có số lượng lớn, nhiều chủng loại hoặc việc kiểm tra phức tạp, thời gian không quá 2 ngày làm việc.

Đối với trường hợp phải phân tích đánh giá tại phòng thí nghiệm, Cục hoặc Chi cục Kiểm định hải quan có thể trưng cầu các tổ chức giám định được chỉ định bởi các Bộ quản lý chuyên ngành đối với các tiêu chí chưa đủ năng lực để làm cơ sở thông báo kết quả kiểm tra. Cục Kiểm định Hải quan tổng hợp báo cáo Tổng cục các trường hợp phân tích quá thời gian quy định. Xử lý kết quả do Cục, Chi cục Kiểm định Hải quan thông báo: Thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 2 Mục III Công văn này.

Vậy trong trường hợp này, ai sẽ là người ra quyết định cuối cùng cho kết quả giám định? Cục, Chi cục Kiểm định hải quan không thuộc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để giám định theo quy định của pháp luật, vậy với việc trưng cầu tổ chức giám định hợp pháp đề giám định đối với “các tiêu chí mà Cục, Chi cục Kiểm định hải quan chưa đủ năng lực” để làm cơ sở thông báo kết quả kiểm tra có trái pháp luật..

Trước những bất cập nêu trên, Hiệp hội Nhựa kiến nghị: Chỉ nhưng tổ chức giám định phế liệu nhập khẩu do Bộ TN&MT chỉ định mới được quyền giám định phế liệu nhập khẩu và ra chứng thư. Trong trường hợp Cục, Chi cục Kiểm định hải quan không đồng ý với kết quả giám định đó, có thể trưng cầu thêm 1 tổ chức giám định hợp pháp độc lập thứ 2 để làm việc này và quyết định cuối cùng vẫn thuộc về tổ chức giám định hợp pháp.

Ngoài ra, cần phải giảm thiểu số lượng lấy mẫu lấy phục vụ công tác giám định tránh gây lãng phí cho doanh nghiệp. Việc lấy mẫu phải thực hiện đúng theo quy định về lấy mẫu trong QCVN 32/2010/BTHMT. Nêu rõ trách nhiệm của các bộ phận trực thuộc Tổng cục Hải quan trong việc chậm trễ xử lý dẫn đến sự phát sinh chi phí do bị lưu tàu, lưu công lưu bãi và hướng xử lý đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng đồng tình với quan điển này. Họ cho rằng, theo quy định về kiểm tra chuyên ngành, Bộ TN&MT đã chỉ định 13 tổ chức tham gia hoạt động giám định phế liệu nhập khẩu để làm cơ sở cho cơ quan Hải quan thông quan (Các tổ chức này đều được Văn phòng Công nhận chất lượng của Bộ KH&CN công nhận có đủ năng lực giám định theo ISO/IEC 17020). Tuy vậy, cơ quan Hải quan vẫn chỉ định Cục Kiểm định (các Chi cục Kiểm định) tiến hành kiểm định lại với lý do là kiểm tra theo pháp luật về hải quan (Công văn số 3738/TCHQ-GSQL ngày 26/6/2018 và số 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018 của Tổng cục Hải quan về việc hướng dẫn quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam). Điều này dẫn đến thời gian lưu container kéo dài, kinh phí lưu container phải trả cao hơn giá trị của lô hàng; đặc biệt các tổ chức nhập khẩu các lô hàng phế liệu không đáp ứng yêu cầu sợ bị ràng buộc trách nhiệm pháp lý nếu lô hàng phế liệu không được thông quan, dẫn đến bỏ hàng, từ chối nhận hàng với lý do hàng không đúng hợp đồng nhập khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết phế liệu nhập khẩu tồn đọng: “Bùng nhùng” kiểm tra, giám định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO