(TN&MT) - Mấy năm nay, nước sông Phù Bài đoạn qua xã Thủy Phù (thị xã Hương Thủy - Thừa Thiên Huế) bị ô nhiễm nặng, xộc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhiều hộ dân. Trước tình trạng trên, cơ quan chức năng đã vào cuộc để tìm lời giải và có giải pháp khắc phục dứt điểm.
Từ nhiều nguyên nhân
Những năm trở lại đây, cứ từ tháng 6 đến tháng 8, chỉ cần có một trận mưa dông là cá ở các hồ nuôi dẫn nước từ sông Phù Bài chết hàng loạt, người dân trong vùng không xác định được nguyên nhân do đâu. Trước đây, khi chưa có Khu công nghiệp (KCN) Phú Bài, nước sông vẫn được bà con dùng để tắm, giặt, nhưng khoảng 5 năm nay, dòng nước đã đổi màu rõ rệt, người dân không ai còn dám dùng đến. Ít lâu sau đó, khi đập Cam Thu đóng trên sông Phù Bài được mở nước, tình trạng mùi hôi đã giảm đi nhiều, hiện tượng cá chết không còn diễn ra. Bác Nguyễn Anh - Trưởng Thôn 7 (xã Thủy Phù) cho hay, đập Cam Thu có từ thời giải phóng, cứ trước Tết là đóng đập để lấy nước dâng và khoảng tháng 8 năm sau là mở đập xả nước về đồng ruộng.
 |
Nếu không có giải pháp dứt điểm, sông Phù Bài sẽ sớm thành sông “chết”. Ảnh chụp đoạn trước và sau đập Cam Thu |
Mới đây, chúng tôi trở lại sông Phù Bài, mặc dù đập Cam Thu vừa được mở cửa để đưa nước về tưới cho các đồng ruộng, nhưng dường như tình trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện. Nước có màu xanh đục, có nhiều đoạn đóng váng và bốc mùi hôi.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Việt Hùng - Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Thừa Thiên Huế cho biết, khoảng cuối tháng 7, sau khi nhận được phản ánh của người dân Thủy Phù về hiện tượng cá chết và thông tin nước thải sản xuất được thải chung vào hệ thống thoát nước mưa của KCN Phú Bài, đơn vị phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành khảo sát và lấy mẫu nước thải tại cống thoát nước mưa, đầu ra hệ thống xử lý nước thải KCN Phú Bài, mẫu nước mặt và trầm tích sông Phù Bài trước và sau đập Cam Thu để kiểm tra phân tích, đo đạc các chỉ tiêu và đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường.
Kết quả phân tích nước thải đầu ra của hệ thống xử lý nước thải KCN cho thấy các thông số chất lượng nước thải hầu hết đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, ngoại trừ thông số Amoni (NH4+) cao hơn giới hạn cho phép (11,7 so với 10 tại QCVN). Hàm lượng các hóa chất bảo vệ thực vật thông dụng không phát hiện thấy, hàm lượng các kim loại nặng như Pb, Fe, Zn, Hg... đều ở giá trị thấp và nằm trong giới hạn cho phép của QCVN.
Kết quả phân tích các thông số nước thải theo hệ thống thoát nước mưa của KCN Phú Bài đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN, ngoại trừ thông số chất rắn lơ lững (TSS) tại kênh dẫn thoát nước bề mặt ra sông Phù Bài cao hơn giới hạn cho phép. Như vậy, có khả năng vẫn có một lượng nước có hàm lượng TSS cao chảy vào hệ thống thoát nước mưa của KCN Phú Bài. Bên cạnh đó, kết quả phân tích mẫu khi nhận được thông tin có doanh nghiệp thải trộm cho thấy, các thông số chất ô nhiễm như TSS, BOD5, COD đều có giá trị cao, đặc biệt TSS và COD vượt quá giới hạn cho phép.
Hầu hết các thông số kim loại nặng trong trầm tích của sông Phù Bài đều có giá trị thấp, nằm trong giới hạn cho phép quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng trầm tích.
Bắt tay cùng khắc phục
Theo báo cáo trước đó của Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Công ty TNHH Bia Huế để xảy ra sự cố tại hệ thống thoát nước mưa tại Nhà máy bia Phú Bài và có 4 doanh nghiệp chưa xây dựng xong hệ thống thu gom, xử lý nước thải nội bộ hoặc đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước mưa chung của KCN.
Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Phú Bài đang thi công nâng công suất xử lý lên 6.500 m3/ngày đêm
Mặt khác, sông Phù Bài còn tiếp nhận các nguồn thải từ nông nghiệp, sinh hoạt, nên chịu tác động từ các yếu tố như các hàm lượng hóa chất từ hoạt động nông nghiệp, nước thải sinh hoạt và chất thải rắn sinh hoạt tồn đọng 2 bên bờ sông. Tại thời điểm lấy mẫu, nước sông Phù Bài khu vực hạ lưu đập Cam Thu có vận tốc dòng rất nhỏ, phía trên đập Cam Thu gần như đứng yên. Điều này được giải thích bởi việc xây dựng và vận hành hệ thống đập thủy lợi Cam Thu không có quy trình đã làm suy giảm chất lượng nước sông Phù Bài. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng và giảm thiểu rất lớn đến khả năng tự làm sạch của sông Phù Bài.
Theo nhận định của cán bộ thuộc Chi cục Nuôi trồng thủy sản và Chi cục Thú y, cá nổi và chết ở khu vực đập Cam Thu là các loại cá ăn ở tầng đáy, cá không có dấu hiệu bị dịch bệnh, ngộ độc. Cá nổi và chết khả năng do nguồn nước thiếu oxy Đập Cam Thu trong thời gian từ tháng 11/2013 đến tháng 7/2014 không vận hành cộng với việc dòng sông lâu ngày không được nạo vét, dẫn đến việc trầm tích bồi lắng, gây tích tụ các khí như CH4, NH3 trong trầm tích. Tại thời điểm cuối tháng 7 thường xảy ra dông, các khí như CH4, NH3 được giải phóng vào trong nước, cộng với hàm lượng oxy hòa tan thấp dẫn đến các loài thủy sinh, đặc biệt là cá không đủ nguồn oxy để thực hiện quá trình hô hấp, dẫn đến bị ngạt và chết.
Theo ông Nguyễn Việt Hùng, để giải quyết ô nhiễm môi trường cho sông Phù Bài một cách triệt để, cần nghiên cứu xây dựng quy trình vận hành của đập Cam Thu hợp lý, xem xét điều tiết dòng chảy để làm tăng khả năng tự làm sạch của sông Phù Bài, đảm bảo nước không bị ô nhiễm và đủ nguồn nước cung cấp cho hoạt động tưới tiêu nông nghiệp. Có thể tìm nguồn cấp nước khác để phục vụ tưới tiêu cho 35ha lúa vụ Hè Thu của xã Thủy Phù. Ngoài ra, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng KCN Phú Bài cần phối hợp với Ban quản lý các KCN tỉnh, các ngành liên quan theo dõi việc đấu nối của các doanh nghiệp trong KCN, kiểm tra hệ thống thu gom nước thải và nước mưa trong KCN đảm bảo cho Trạm xử lý nước thải tập trung hoạt động tối ưu; đồng thời theo dõi các thông số gây ô nhiễm chính tại các điểm đấu nối của các cơ sở, nước thải toàn bộ KCN tại vị trí cống chung dẫn vào bể điều hòa để có cơ chế vận hành hệ thống hiệu quả nhất.
Bài và ảnh: Xuân Giang