Giải pháp ngăn chặn nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu

25/10/2016 00:00

(TN&MT) - Theo nhận định của Ủy ban KHCN của Quốc hội, tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp thời gian qua rất thấp, chưa đạt như mong muốn (10%/năm). Chúng ta vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2 - 3 thế hệ là chính... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta. Giải pháp nào để ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu là vấn đề lớn đang đặt ra hiện nay đối với vấn đề quản lý KHCN đất nước.

Xếp hạng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam năm 2015 đứng thứ 56/140 quốc gia xếp hạng nhưng mức độ sẵn sàng về công nghệ chỉ đứng thứ 92, hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thứ 121 và khả năng tiếp thu công nghệ mới chỉ đứng thứ 112/140 quốc gia.

Đây là hệ lụy của việc sau gần 10 năm thực hiện Luật Chuyển giao khoa học công nghệ, hiện đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, thiếu công cụ pháp lý để kiểm soát và ngăn chặn được các luồng công nghệ lạc hậu du nhập vào trong nước. Mặt khác, việc nhập siêu từ Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang loại công nghệ lạc hậu, cố thoát bẫy thu nhập trung bình thì việc cảnh báo Việt Nam đang trở thành nước nhập khẩu công nghệ rác thứ 2 từ Trung Quốc không phải không có cơ sở.

Nguy cơ mất an toàn, gây ô nhiễm từ nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu. Ảnh: MH
Nguy cơ mất an toàn, gây ô nhiễm từ nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu. Ảnh: MH

Giải đáp những thắc mắc về hiện trạng nhiều công nghệ nhập khẩu tại Việt Nam lạc hậu so với thế giới từ 2 đến 3 thế hệ tại buổi họp báo thường kỳ quý 3 của Bộ KH&CN, ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, sở dĩ có nhận định công nghệ nhập khẩu vào Việt Nam cũ và lạc hậu là do có sự nhầm lẫn về khái niệm giữa công nghệ và máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất. Trên thực tế, việc nhập khẩu thiết bị máy móc được coi là nhập khẩu hàng hóa và được áp dụng điều chỉnh theo Luật Thương mại, Bộ KH&CN không được giao quản lý khâu này. “Gần đây khi sửa đổi Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Thương mại, Chính phủ có giao cho Bộ KH&CN soạn thảo một văn bản quản lý hoạt động nhập khẩu thiết bị máy móc dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN đã xây dựng Thông tư 23 (ban hành ngày 30/11/2015) và có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Với việc ban hành thông tư này, chúng ta sẽ hạn chế được những doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị dây chuyền sản xuất theo công nghệ cũ, lạc hậu mà có nguy cơ gây mất an toàn, tiêu hao nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường”.

Để ngay lập tức ngăn chặn làn sóng nhập khẩu thiết bị KHCN lạc hậu này, ông Đỗ Hoài Nam cho rằng, cần có sự hợp tác giữa Bộ KH&CN cùng Bộ KH&ĐT trong việc sửa đổi và triển khai các quy định pháp luật liên quan đến thẩm định công nghệ của các dự án đầu tư.

Và một trong những giải pháp để Bộ KH&CN thực hiện tốt vai trò của mình trong việc thẩm định công nghệ của các dự án đầu tư vào Việt Nam là việc Bộ KH&CN đang tích cực phối hợp với các Bộ ngành liên quan tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Chuyển giao công nghệ. Trong quá trình xây dựng dự thảo luật, Bộ KH&CN đã đưa thêm vào Điều luật 11 a về thẩm định công nghệ các dự án đầu tư, trong đó nêu kết luận về công nghệ là một mục bắt buộc trong báo cáo thẩm định dự đầu tư trong dự án đầu tư. “Hiện nay, Bộ KH&CN đang làm việc với Bộ KH&ĐT để cùng thống nhất cụ thể điều khoản này, qua đó tiến tới triển khai thực hiện thẩm định công nghệ trong Nghị định hướng dẫn cũng như việc sửa đổi những quy định liên quan đến thẩm định công nghệ nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu”, ông Nam cho biết.

Tuy vậy, để Luật Chuyển giao công nghệ phát huy hiệu lực khi được áp dụng vào thực tiễn, ông Đỗ Hoài Nam cho rằng, còn phụ thuộc rất nhiều vào các quy định, văn bản pháp luật khác như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công… “Trong tờ trình Quốc hội về việc sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ, chúng tôi cũng đề nghị sửa đổi các luật có liên quan để đảm bảo được việc kiểm soát công nghệ trong quá trình xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư cũng như trong quá trình triển khai các dự án đầu tư”. Một vướng mắc khác khi thực hiện đánh giá tác động môi trường của công nghệ từ các dự án đầu tư là hiện nay không có nội dung về công nghệ trong hồ sơ dự án, vì vậy theo giải thích của ông Nam, “chúng tôi phải phối hợp với Bộ KH&ĐT để khi xây dựng các Nghị định văn bản hướng dẫn liên quan đến trình tự thủ tục, quy trình thẩm định các dự án đầu tư thì phải bổ sung cái nội dung về giải trình công nghệ trong hồ sơ dự án".

Hy vọng rằng, với những giải pháp quyết liệt đồng thời chỉ rõ những thiếu sót trong những văn bản pháp lý cho nhập khẩu thiết bị mà cơ quan chức năng đã đề xuất, khi Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi chính thức thực thi sẽ có những đột phá quan trọng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi việc cố tình nhập khẩu các thiết bị KHCN lạc hậu, cũ nát vào Việt Nam.

Minh Thư

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp ngăn chặn nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO