Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông Cầu

31/08/2017 00:00

(TN&MT) - Là con sông quan trọng trong hệ thống sông Thái Bình và là huyết mạch giao thông đường thủy gắn kết kinh tế - văn hóa giữa các địa phương, lưu vực sông Cầu cung cấp tổng lượng nước hằng năm khoảng 4,5 tỷ m3. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác nguồn tài nguyên phát triển kinh tế, lưu vực sông Cầu ngày càng bị ô nhiễm bởi tình trạng khai thác khoáng sản, làng nghề và các khu công nghiệp trải dài trên 6 tỉnh có dòng sông chảy qua. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tìm ra giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trên lưu vực sông Cầu.

Chất lượng nước: Giảm từ thượng nguồn xuống hạ nguồn

Lưu vực sông Cầu hiện đang phải đối mặt với thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Đánh giá về mức độ ô nhiễm chất lượng nước trên lưu vực sông Cầu, các chuyên gia cho biết: Thượng lưu lưu vực sông Cầu chảy qua hầu hết địa phận tỉnh Bắc Kạn. Đây là khu vực có chỉ số bền vững chất lượng nước cao nhất và bằng 0.67. Điều đó cho thấy, chất lượng nước khu vực thượng lưu sông Cầu ít ô nhiễm hơn so với các khu vực khác trong lưu vực.

Ảnh minh họa
Nguồn nước Sông Cầu bị ô nhiễm nghiêm trọng 

Kết quả quan trắc chất lượng nước vào các tháng 7, 8, 9 và 10 tại 4 vị trí cho thấy hầu hết các thông số đều chưa vượt quá tiêu chuẩn B – TCVN 5942-1945.

Nhìn chung, tại khu vực thượng lưu, chất lượng nước còn tương đối tốt; giá trị thông số COD, TSS đang có xu hướng tăng đột biến trở lại, vượt ngưỡng QCVN-A1; Các thông số còn lại có giá trị thấp hơn QCVN-A1. Nguồn nước tại khu vực này chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm do các nguồn thải và đảm bảo tiêu chuẩn cấp nước cho sinh hoạt.

Tại khu vực trung lưu sông Cầu, bao gồm hầu hết địa phận tỉnh Thái Nguyên. Khu vực trung lưu có chỉ số bền vững chất lượng nước là 0.5, thuộc ngưỡng mức bền vững trung bình. Điều đó cho thấy, chất lượng nước tại khu vực này đang có dấu hiệu ô nhiễm.

Đoạn sông Cầu trước khi chảy qua thành phố Thái Nguyên: bắt đầu chịu tác động của các hoạt động sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp dọc bên bờ sông. Ngoài ra, chất lượng nước đoạn sông này còn bị ảnh hưởng bởi tiếp nhận nước từ hai phụ lưu là sông Nghinh Tường và sông Đu. Chất lượng nước nhìn chung chưa ô nhiễm; thông số COD, NH4+ cao xấp xỉ QCVN-A1; TSS năm  2013 vượt QCVN-B1; tuy vậy, nhìn chung thì chất lượng nước được cải thiện trong những năm gần đây.

Đoạn sông Cầu qua thành phố Thái Nguyên: Nước sông đã bị ô nhiễm hơn so với đoạn phía trên, phần lớn các thông số vượt QCVN-A1; Một số điểm có các thông số cao đột biến, thậm chí xấp xỉ QCVN-B1 (NH4+ - cầu Trà Vườn; TSS - Hoàng Văn Thụ, Cầu Gia Bảy); Chất lượng nước nhìn chung có xu hướng ô nhiễm tăng nhẹ trở lại.

Tại khu vực Sông Công, là sông lớn thứ hai trong lưu vực chảy qua tỉnh Thái Nguyên và nhập lưu với sông Cầu tại Đa Phúc. Với chỉ số bền vững chất lượng nước bằng 0.42, có thể thấy chất lượng nước sông Công đang bị ô nhiễm. Nước sông đã bắt đầu bị ô nhiễm hữu cơ, dần mỡ. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được phát hiện ở một số điểm. Đây là khu vực chịu ảnh hưởng bởi hoạt động của hoạt động du lịch trên hồ núi Cốc, tàu thuyền khai thác cát trên sông nước thải của hoạt động khai thác khoáng sản nước thải của KCN sông Công.

Nước sông đã bị ô nhiễm hơn so với đoạn phía trên, phần lớn các thông số vượt QCVN-A1; Một số điểm có các thông số cao đột biến, thậm chí xấp xỉ QCVN-B1 (NH4+ - cầu Trà Vườn; TSS - Hoàng Văn Thụ, Cầu Gia Bảy);

Tại khu vực hạ lưu sông Cà Lồ, là khu vực có chỉ số bền vững chất lượng nước thấp nhất trong 5 tiểu lưu vực của LVS Cầu. Điều đó cho thấy, chất lượng nước tại khu vực này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chất lượng nước sông Cầu tại vùng hạ lưu (Chảy qua Bắc Giang và Bắc Ninh) của sông Cầu đã bị ô nhiễm hữu cơ tương đối nghiêm trọng.

Từ Đồng Xuyên đền Phả Lại, do tiếp nhận nước thải của làng nghề Vân Hà, các làng nghề ven sông Ngũ Huyện Khê và nước thải sinh hoạt thành phố Bắc Ninh, giá trị DO tiếp tục giảm. Từ Hoà Long, Yên Phong, Bắc Ninh trở về cuối nguồn tại Phả Lại, hàm lượng các chất ô nhiễm giảm tuy nhiên vẫn vượt quá TCVN 5942-1995 loại A. Ngoài ra, nước sông còn có nhiều váng dầu do hoạt động giao thông đường thủy.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng nước sông Cầu giảm dần từ thượng nguồn đến hạ nguồn. Hiện vẫn còn tồn tại một số điểm nước bị ô nhiễm nặng trên mỗi sông, điển hình là sông Ngũ Huyện Khê. Vấn đề ô nhiễm chủ yếu là ô nhiễm chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, chất rắn lơ lửng và kim loại nặng Fe, Pb.

Đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước

Để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông Cầu, theo các chuyên gia cần đưa ra chiến lược tổng thể thực hiện từ cấp quản lý đến cấp địa phương, chú trọng phát triển bền vững tài nguyên lưu vực sông Cầu. Một số giải pháp được đề xuất như: xây dựng hệ thống thông tin, mạng lưới giám sát và mô hình ngân hàng dữ liệu chất lượng nước; Tạo môi trường thể chế bền vững đối với các hoạt động xả thải vào nguồn nước và bảo vệ tài nguyên nước; Thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nước…

Có thể nói, nguồn nước sông Cầu có vai trò đặc biệt quan trọng phục vụ đời sống người dân, phát triển kinh tế-xã hội của 6 tỉnh ở khu vực này. Vì vậy, công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách đối với các bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh thuộc lưu sông Cầu. 

Ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Cầu chỉ có thể được giải quyết khi từng tỉnh làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Chính vì vậy, theo các nhà quản lý, các tỉnh cần khẩn trương triển khai kế hoạch, bố trí kinh phí thỏa đáng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình xử lý rác thải, chất thải rắn từ khu công nghiệp, khu đô thị; đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy định pháp luật; thường xuyên nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trên lưu vực sông Cầu...

Thanh Tâm 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông Cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO