Giải cứu xà lan cho “cát tặc”?

27/08/2013 00:00

(TN&MT) - Khai thác cát trái phép nhiều lần, bị cơ quan chức năng bắt giữ, tịch thu xà lan; thế nhưng, chủ doanh nghiệp lại đâm đơn kiện ra tòa đòi thả phương...

(TN&MT) - Khai thác cát trái phép nhiều lần, bị cơ quan chức năng lập biên bản, bắt giữ, tịch thu xà lan; thế nhưng, chủ doanh nghiệp lại đâm đơn kiện ra tòa đòi thả phương tiện vi phạm. Phiên xử sơ thẩm bác đơn, nhưng phiên phúc thẩm lại xử kiểu “mập mờ”, khiến dư luận bức xúc đặt câu hỏi: Liệu có hay không ý định “giải cứu” xà lan cho “cát tặc”?.
   
Xử phạt đúng qui định pháp luật
   
  Như Báo Tài nguyên & Môi trường đã thông tin, lúc 11h30, ngày 18/4/2012, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Sóc Trăng bắt quả tang chiếc xà lan đặt cẩu biển số VL: 11695 của DNTN - Thương mại Hữu Lợi (trụ sở tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), do ông Nguyễn Văn Điệp (ĐKTT ấp Đông, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) điều khiển đang khai thác cát tại tọa độ X: 1097937, Y: 0545520 thuộc ấp Phong Thạnh, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Vị trí này không nằm trong vùng qui hoạch khai thác của ngành tài nguyên và môi trường, UBND tỉnh Sóc Trăng không cấp phép cho bất cứ doanh nghiệp, phương tiện nào khai thác.
   
  Tại hiện trường, lực lượng chức năng lập biên bản sự việc (lúc 14h, ngày 18/4/2012), ông Nguyễn Văn Điệp đã thừa nhận điều khiển phương tiện xà lan VL:11695 khai thác cát trên sông Hậu tại vị trí tọa độ X:1097937, Y:0545520 thuộc địa phận ấp Phong Thạnh, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
   
  Theo trình bày của chủ phương tiện (DNTN - Thương mại Hữu Lợi) phương tiện này khai thác theo hợp đồng gia công cho Công ty TNHH Trương Đức Huy. Tuy nhiên, tọa độ ghi nhận tại hiện trường không trùng khớp với 10 hệ tọa độ ấn định 10 điểm góc của khu vực 0,589km2 tại mỏ cát thuộc xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long mà Công ty TNHH Trương Đức Huy được phép khai thác – theo Quyết định số 1211/QĐ-UBND, ngày 20/5/2010 của UBND tỉnh Vĩnh Long.
   
  Trên cơ sở đó, ngày 20/4/2012, lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản đối với ông Nguyễn Văn Điệp, đồng thời tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm, gồm: 1 cần cẩu 45 tấn, 1 xà lan biển số VL:11695, 2 dây kéo neo và kéo máy hàn D24, 100m dây cáp 28 ly, 1 bản gốc hợp đồng gia công số 01/2011/HĐKT, 1 bản sao y giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa số 0344/ĐK, ngày 15/4/2009 để lập các thủ tục xử lý theo quy định.
   
Chiếc xà lan bị bắt giữ tại bến cảng của Cảnh sát giao thông đường thủy - Công an tỉnh Sóc Trăng.
    
   
  Trên cơ sở hướng dẫn của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng căn cứ vào tiết a, điểm 5 và tiết b, điểm 6, khoản 3, Điều 1 Nghị định số 77/2007/NĐ-CP ngày 15/5/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29/7/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản áp dụng hình thức xử lý hành vi khai thác khoáng sản (cát) không có giấy phép trong hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Ngày 12/7/2012, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định số 20/QĐ-VPHC về xử phạt hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản đối với ông Nguyễn Văn Điệp, với hình thức phạt chính: Phạt tiền 15.000.000đ, hình thức phạt bổ sung: tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm.
   
  Ông Nguyễn Văn Mười Ba - Chủ DNTN Thương mại Hữu Lợi chấp nhận hình thức phạt tiền, nhưng yêu cầu không áp dụng hình thức tịch thu phương tiện vi phạm. Không được sự chấp thuận, nên ông Mười Ba khởi kiện Quyết định số 20/QĐ-VPHC của Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng.
   
  Ngày 12/11/2012, TAND tỉnh Sóc Trăng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và HĐXX sơ thẩm, xác định: Về hình thức và nội dung biên bản vi phạm hành chính về hành vi khai thác khoáng sản số 13, ngày 20/4/2012 đối với ông Điệp có nội dung đầy đủ theo mẫu đã quy định, nêu rõ hành vi và địa điểm vi phạm theo biên bản kiểm tra phát hiện ngày 18/4/2012 và tạm giữ phương tiện vi phạm hoàn toàn đúng với quy định của Pháp lệnh vi phạm hành chính năm 2002, sửa đổi bổ sung năm 2007 và 2008. Bên cạnh đó, trình tự thủ tục, thẩm quyền, thời hạn ban hành, hình thức và nội dung Quyết định số 20/QĐ-XPHC ngày 12/7/2012 của Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng đối với hành vi khai thác cát tại khu vực không có giấy phép và không có quyền khai thác của ông Điệp là hợp pháp và đúng theo luật định. Do đó, HĐXX sơ thẩm bác đơn khởi kiện của ông Nguyễn Văn Mười Ba.
   
Xử án kiểu “mập mờ”?
   
  Thế nhưng, tại phiên tòa phúc thẩm - TANDTC tại TP.HCM diễn ra ngày 8/5/2013, Thẩm phán Phạm Công Hùng, Chủ tọa phiên tòa, đã rất “mơ hồ” về các quy định của Luật Khoáng sản, khi nêu ví dụ: “Giấy phép khai thác khoáng sản cũng giống như giấy phép lái xe, người ta muốn khai thác ở đâu thì khai thác…?”. Lập luận này không phù hợp với qui định của Luật Khoáng sản và qui trình quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản. Vì thực tế, giấy phép khai thác khoáng sản cát được xác định là mỏ cát hoặc thân cát trong phạm vi tính bằng km2, vị trí cụ thể được xác định theo hệ tọa độ VN: 2000. Hơn nữa, trong quá trình khai thác chủ mỏ phải khu biệt phạm vi được phép khai thác bằng phao, các phương tiện tham gia khai thác tại mỏ đều phải được đăng ký để đảm bảo sản lượng khai thác theo đúng tiến độ trong thời gian qui định được phép khai thác.
   
  Hành vi điều khiển chiếc xà lan VL:11695 của ông Nguyễn Văn Điệp khai thác cát tại vị trí không được cấp phép đã được xác lập bằng Biên bản sự việc (lập tại hiện trường, lúc 14h ngày 18/4/2012) và căn cứ trên cơ sở so sánh thông số các hệ tọa độ giữa giấy phép không trùng khớp với hệ tọa độ hiện trường, cơ quan chức năng tiến tới xác lập hành vi bằng biên bản vi phạm hành chính (lập tại trụ sở cơ quan, ngày 20/4/2012). Thế nhưng, HĐXX phúc thẩm đã “bỏ qua” chứng cứ mấu chốt để xác lập hành vi là Biên bản sự việc (do Cảnh sát Môi trường lập tại hiện trường, lúc 14h, ngày 18/4/2012), và lập luận rằng: Biên bản vi phạm hành chính số 13/BB-VPHC do Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng lập vào lúc 15h ngày 20/4/2012 “không ghi rõ địa điểm nơi xảy ra vi phạm hành chính trong vụ án này là không đúng với pháp luật....”. Điều lạ lùng là HĐXX phúc thẩm còn lập luận rằng: “Nếu phương tiện của Công ty TNHH Trương Đức Huy hoạt động ngoài khu vực cấp phép thì chỉ xem là hoạt động khai thác ngoài giấy phép chứ không phải là hoạt động khai thác tại khu vực không cấp phép”.
   
   Ông Nguyễn Thành Công - Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng bức xúc nói: “Việc HĐXX phúc thẩm cho rằng, ông Điệp khai thác cát ngoài giấy phép là không sát với thực tế và trong các quy định của Luật Khoáng sản không có cụm từ này”. “Với quan điểm và lập luận “mập mờ” kiểu như thế nên Thẩm phán Hùng đã đưa ra một phán quyết thiếu thực tế và không phù hợp với quy định của Luật Khoáng sản” – ông Công nhấn mạnh.
   
  Bài và ảnh: Hùng Long - Lê Hùng
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải cứu xà lan cho “cát tặc”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO