Giải "cơn khát" cho vùng sa mạc Hàm Tân

21/04/2016 00:00

(TN&MT) - Huyện Hàm Tân (Bình Thuận) có diện tích đất cát và đồi cát ven biển chiếm khoảng  60% tổng diện tích, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nguồn nước...

 
 
(TN&MT) - Huyện Hàm Tân (Bình Thuận) có diện tích đất cát và đồi cát ven biển chiếm khoảng  60% tổng diện tích, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nguồn nước khan hiếm, mùa khô hanh chiếm 2/3 thời gian trong năm nên thường xuyên bị hạn hán. Giải bài toán “cơn khát” tại vùng này đang là ưu tiên hàng đầu của tỉnh Bình Thuận.
 
Thiếu nước nghiêm trọng
 
Theo số liệu thống kê của Sở NN –PTNT tỉnh Bình Thuận, cho đến thời điểm này, trên địa bàn Hàm Tân hiện có khoảng 40.000 nhân khẩu thuộc 10/10 xã, thị trấn thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Các nguồn nước từ ao, hồ, đập Cô Kiều trong tình trạng khô cạn, đập dâng Sông Phan đang ở dưới mức mực nước chết không có nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp…
 
Đập dâng Sông Phan cạn kiệt nước
Đập dâng Sông Phan cạn kiệt nước
 
Hiện đã có hơn 1.000 hecta đất trồng lúa, hoa màu bị bỏ hoang do không có nước tưới, có khoảng 300 hecta cây thanh long, 300 hecta xoài, cam, quýt và 200 hecta điều bị ảnh hạn nên cho năng suất thấp. Bên cạnh đó, nắng hạn kéo dài nên có hơn 10.000 con gia súc cũng đang đứng trước nguy cơ kiệt quệ nước uống, thức ăn. Ước thiệt hại ở lĩnh vực nông nghiệp khoảng trên 10 tỉ đồng...
 
Để khắc phục hạn hán ở khu vực này, vừa qua UBND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng người dân giảm thiệt hại do hạn hán; đồng thời quyết định tạm ứng ngân sách tỉnh năm 2016 triển khai các biện pháp chống hạn trên địa bàn Hàm Tân với tổng kinh phí 15,09 tỷ đồng. Trong đó, cấp tạm ứng 13,7 tỷ đồng cho Trung tâm Nước sạch và VSMTNT thực hiện đầu tư nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt huyện Hàm Tân; cấp tạm ứng 1,39 tỷ đồng cho UBND huyện Hàm Tân mua bồn chứa nước, khoan giếng, xây bể tích trữ nước...
 
Dân đã bớt khát…
 
Hỗ trợ người dân giảm thiệt hại do hạn hán; giải quyết nước sinh hoạt cho người dân trong cao điểm của nắng hạn là một trong những ưu tiên hàng đầu. Do đó, với sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh, UBND huyện Hàm Tân đã có quyết định giải quyết tạm ứng kinh phí cho ngân sách xã, thị trấn với số tiền 688,6 triệu đồng hỗ trợ 9.564 nhân khẩu của 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện; đã chi 622,368 triệu đồng/8.644 nhân khẩu; huyện đang tiếp tục rà soát danh sách để tiếp tục hỗ trợ người dân.
 
Huyện đã triển khai khoan 4 giếng (  Tân Minh 1, Thắng Hải 3) với tổng kinh phí 144,2 triệu đồng; đào 3/3 giếng ( Tân Phúc 1, Sơn Mỹ 2) kinh phí 132,3 triệu đồng. Lắp đặt 22 bồn chứa nước tại các giếng đã khoan từ năm 2015 và của năm 2016; đồng thời chở nước đến 24 điểm có bồn chứa nước (Tân Thắng 10, Sơn Mỹ 7, Tân Xuân 4, Tân Phúc 2, Sông Phan 1) để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
 
Đào đường ống để cung cấp nước sinh hoạt cho xã ven biển Sơn Mỹ
Đào đường ống để cung cấp nước sinh hoạt cho xã ven biển Sơn Mỹ
 
Bên cạnh đó, huyện Hàm Tân đã triển khai lắp đặt xong đồng hồ tổng tại xã Tân Xuân để lấy nước chở đến các xã Tân Xuân, Tân Phúc, Sông Phan; đồng thời lấy nước từ trạm bơm Suối Dứa - La Gi để chở nước đến các điểm xã Sơn Mỹ và Tân Thắng. Đối với trạm bơm tăng áp tại Sơn Mỹ, Trung tâm Nước sạch & VSMTNT tỉnh đang đào đường ống trên 2.600m/3.000m để cung cấp nước sinh hoạt cho 3 xã ven biển Sơn Mỹ, Tân Thắng, Thắng Hải. Đã lắp đặt xong trạm bơm tăng áp Tân Nghĩa bơm nước cho Nhà máy nước Tân Minh, đã thi công xây dựng hoàn thành nhà máy, tiếp tục lắp đặt thiết bị bơm. Nhà máy nước Tân Thắng đã tiến hành nạo vét đập Cô Kiều, tạo được nguồn nước nên đã cung cấp nước trở lại ( nhà máy nước Tân Thắng (Hàm Tân) ngưng hoạt động hơn 1 tháng vì không đủ nước cung cấp). Tuy nhiên, do lượng nước ít, nhà máy chỉ cấp nước luân phiên và người dân đã tận dụng lấy nước để tích lũy.
 
Ông Văn Quý Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân cho biết: Hiện nay, Hàm Tân bước đầu đã khắc phục được tình hình khan hiếm nước sinh hoạt, người dân mua nước sinh hoạt thấp hơn trước đây. Qua khảo sát, cân đối lại các nguồn nước ở các hồ, đập trên địa bàn huyện cơ quan chức năng nhận định rằng: nguồn nước sinh hoạt của người dân trong huyện cơ bản sẽ ổn định đến cuối tháng 7/2016, tức là người dân sẽ không lo thiếu nước sinh hoạt đến mùa mưa lũ về. 
 
Bài & ảnh: Linh Nga
 
                                                                                                                                                     
 
 
 
 
 
 
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải "cơn khát" cho vùng sa mạc Hàm Tân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO