Giấc mơ điện sạch

23/07/2017 00:00

Hàng chục turbin gió lớn đứng sừng sững trên những dải đồng hoang ở Bình Thuận. Trong nắng chói chang và gió lồng lộng, những cánh quạt khổng lồ bình thản quay đều, tạo nên một cảnh tượng vô cùng kỳ vĩ. Điện gió đang là xu hướng tất yếu của ngành năng lượng thế giới, song ở Việt Nam, giấc mơ điện sạch dường như vẫn xa vời.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Turbin gió và chim trời

Nhà máy Điện gió Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận nằm sát quốc lộ 1, được xây dựng ở khu vực vốn là nơi đất đai cằn cỗi, đến giờ hầu như vẫn không một bóng người ngoài những chiếc ôtô chạy vội vã trên hành trình Bắc - Nam, Nam - Bắc. Bình Thuận nhiều nắng, nhiều gió. Gió ở đây tốt nhất cả nước - đó là trong cái nhìn của những nhà làm phong điện. Nhà máy được khởi công cách đây đúng 2 năm, vào tháng 7.2015, khi đó ở khu vực này không có gì ngoài mồ mả, lúc khởi công phải rà phá bom mìn.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình - đơn vị xây dựng và vận hành nhà máy, cho biết: “Người dân rất ủng hộ dự án, việc đền bù giải phóng mặt bằng làm rất tốt, nếu không thì giờ này chưa chắc đã khởi công được”. Nhà máy có công suất 24MW, tổng mức đầu tư là 1.089 tỉ đồng, trong đó Ngân hàng Tái thiết Đức cho vay 35 triệu euro, còn lại là vốn đối ứng từ chủ đầu tư. Dự án sử dụng thiết bị của Công ty VESTAS (Thụy Điển), tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật từ công ty Fichtner (Đức).

Để có được một trang trại điện gió đẹp đẽ như vậy, dự án đã trải qua quá trình khảo sát nghiên cứu dài. Ông Thịnh nhớ lại, các chuyên gia Đức rất khắt khe trong từng công đoạn, kể cả công đoạn đánh giá tác động môi trường của dự án. Ở Châu Âu có những tổ chức phản đối việc cánh quạt của các turbin gió có thể làm chết chim trời, do đó, việc vay vốn của ngân hàng Đức có thể sẽ không dễ dàng nếu bị các tổ chức này phản đối dự án.

Phía Đức đã phải cử các chuyên gia nước ngoài về chim trời đến đây hàng tuần, theo dõi hoạt động của các loài chim, mật độ bay của chúng để kết luận rằng cánh quạt gió không ảnh hưởng đến đời sống của chim chóc trong khu vực. Đến giờ, khi nhà máy đã đi vào hoạt động từ tháng 9.2016, theo định kỳ, các chuyên gia nước ngoài vẫn tiếp tục tới đây theo định kỳ để đánh giá tác động của turbin gió với chim.

Lúc thi công, để nhập những cánh quạt dài tới 50m, là cả một vấn đề. Cột turbin cũng rất nặng, mỗi cột 4 đốt, có đốt lên tới 70 tấn, buồng máy tới 76 tấn. Điều kiện đường sá, cảng biển, cần cẩu ở Việt Nam không thuận lợi cho những chuyến hàng lớn như vậy. Móng turbin sâu tới 2,8m, mỗi móng đổ 440m3 bêtông, việc thi công hoàn toàn do người Việt làm dù tổng thầu là nước ngoài.

Sau hơn một năm thi công, dự án hoàn thành tháng 9.2016 và hòa lưới điện quốc gia tháng 11.2016. Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình cũng đã quy hoạch một dự án điện mặt trời ngay tại khu vực Nhà máy Điện gió Phú Lạc và tính đến việc kết hợp điện gió, điện mặt trời, làm nông trại sạch kết hợp với du lịch.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc kinh doanh VESTAS Việt Nam, Lào, Campuchia cho biết, Dự án Phú Lạc không phải dự án điện gió quy mô lớn nhất, nhưng là dự án có công nghệ hiện đại nhất ở Việt Nam. Hệ thống điều khiển của dự án Phú Lạc hoàn toàn tự động, có thể kết nối được toàn cầu, theo dõi và điều khiển từ trụ sở chính của VESTAS tại Đan Mạch.

Những cánh quạt gió khổng lồ màu trắng quay đều đặn, nổi bật trên nền trời xanh ngăn ngắt như những cánh buồm trên biển, hay những cối xay gió trong tiểu thuyết Don Kihote. Cảnh tượng hoàn toàn đối lập với hàng đụn khói lớn đen đặc nhà ra từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân cách đó chỉ vài km.

Xu hướng và thực tại

Điện gió đang là xu hướng tất yếu ở nhiều nước. Theo nhận định của Hội đồng Điện gió Thế giới, thị trường điện gió trên thế giới liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số những năm qua. Ông Giorgio Forrtunato, Trưởng phòng Truyền thông, Marketing và Công vụ thuộc Tập đoàn VESTAS Châu Á Thái Bình Dương, nói: “Gió tuy khó đoán nhưng có giá trị kinh tế rất tiềm năng. Tính cạnh tranh của năng lượng gió đang tiếp tục được tăng cao”. Ít người biết rằng, ngày 15.6 hàng năm được chọn là Ngày Gió toàn cầu. Đây là năm thứ 10 thế giới có ngày này, để mọi người chú ý đến tiềm năng điện gió như một nguồn năng lượng tái tạo, một sức mạnh có thể thay đổi thế giới.

Chi phí phát triển năng lượng gió đã rẻ hơn rất nhiều so với nhiệt điện hay năng lượng truyền thống. “Trong 20 năm qua, chi phí sản xuất điện gió giảm tới 80%. Ở Mỹ, chi phí này giảm 66%, Trung Quốc giảm 59 - 60%. Tại Đan Mạch, gần một nửa lượng điện là từ gió. Ở Brazil, trong tổng thể các năng lượng tái tạo thì 85% là từ điện gió” - ông Giorgio Fortunato cho biết. Hiện nay tại Mỹ, điện gió có thể cạnh tranh với các lựa chọn sản xuất điện khác. Thậm chí ở nhiều nơi trên nước Mỹ, gió là nguồn phát điện mới rẻ nhất.

Nhưng đây không hẳn là câu chuyện của Việt Nam. Giám đốc kinh doanh VESTAS Việt Nam Nguyễn Việt Dũng phân tích: Nước ngoài khi phát triển dự án thủy điện phải tính toán cả việc phá bao nhiêu hecta rừng. Do vậy chi phí phát triển điện gió càng ngày càng giảm, trong khi các loại năng lượng khác càng ngày càng tăng. Chúng ta biết điều này nhưng nhiều lúc phải hy sinh môi trường để phát triển nóng. Hiện ở Việt Nam thủy điện chiếm phần lớn trong tổng sản lượng điện, khoảng 43%, điện than 34%, điện khí 19%, điện gió chỉ chiếm tỉ lệ không đáng kể. 5 nhà máy điện gió Tuy Phong, Phú Quý, Phú Lạc, Bạc liêu 1 và 2 có tổng công suất chỉ 158MW (đến 8.2016)

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến 2030 đặt mục tiêu đến năm 2020, công suất điện gió sẽ đạt 1%, đến 2030 đạt 2,7% và đến 2050 đạt 5% tổng sản lượng điện của Việt Nam. Tuy nhiên ông Bùi Văn Thịnh cho rằng, mục tiêu này là không thể đạt được mà nguyên nhân chủ yếu là do giá điện gió quá thấp, thậm chí thấp nhất thế giới. Ông dẫn chứng, ở Philippines, hiện giá điện gió là 29 cent/KWh, Nhật Bản 30 cent/KWh, thì ở Việt Nam quy định hiện nay là 7,8 cent với dự án điện gió trên bờ và 9,8 cent với dự án ngoài biển. Ông Thịnh đang rất đau đầu với bài toán trả nợ vốn vay.

Từ cuối năm 2015 đến 2028, mỗi năm điện gió Phú Lạc phải trả nợ 3 triệu euro, tương đương 70 tỉ đồng Việt Nam. “Tính cua trong hang”, ông Thịnh đang “hồi hộp chờ doanh thu của dự án khi hoạt động đầy đủ công suất là 100 tỉ đồng mỗi năm”. Nếu trả nợ thì nhà máy chỉ còn 30 tỉ đồng cho mọi chi phí vận hành, bảo dưỡng, trả lương nhân viên. “Một bài toán rất mất cân đối. Nếu tăng giá điện gió lên 8,77 cent/KWh cho điện gió trên bờ, và 9,97 cent cho điện gió trên biển theo kiến nghị thì mới khả thi” - ông Thịnh tính toán.

Ngân hàng Thế giới đánh giá tiềm năng điện gió Việt Nam lớn, tới 50.000MW, nhưng các đánh giá kỹ thuật cho thấy tiềm năng này là 10.000MW. Hiện nay các dự án điện gió đã đăng ký gần hết tiềm năng - ông Thịnh cho biết, nhưng đăng ký xong thì khó vay vốn để làm. Ông nhấn mạnh: “Nếu giá điện thấp quá thì khó phát huy tiềm năng. Điện sạch giá phải khác chứ”.

Ngoài vấn đề giá còn là vấn đề tầm nhìn. Trong chuyến thăm và làm việc tại Bình Thuận hôm 18.4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bình Thuận rất có tiềm năng phát triển điện gió và yêu cầu tỉnh phải quy hoạch theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, đưa tỉnh trở thành trung tâm năng lượng sạch. Trên những cánh đồng ở Bình Thuận, các turbin gió vẫn tiếp tục phát điện. Tuy nhiên giấc mơ điện sạch xem chừng vẫn xa vời.

Theo Báo Lao động

 

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giấc mơ điện sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO