Giá xăng trong nước “đi ngược” với giá xăng thế giới

10/08/2013 00:00

(TN&MT) - Giá xăng dầu thế giới giảm mạnh trong 1 tháng qua. Thế nhưng giá xăng trong nước lại liên tục tăng tới 3 lần.

(TN&MT) - Giá xăng dầu thế giới giảm mạnh trong 1 tháng qua. Thế nhưng giá xăng trong nước lại liên tục tăng tới 3 lần.
   
  Cách đây 1 tháng, giá xăng dầu thế giới đã sụt giảm và hiện nay vẫn đang trên đà giảm mạnh. Từ giữa tháng 7, giá dầu thô giao tháng 9 giảm 1,84 USD, còn 105,39 USD/thùng. Tại sàn giao dịch London, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,23 USD xuống còn 107,19 USD/ thùng. Ngày 26/7, tại sàn New York (Mỹ), giá dầu thô giảm 79 cent/thùng, xuống chỉ còn 104,7 USD/ thùng. Đến phiên giao dịch ngày 30/7, tốc độ sụt giảm của giá dầu thế giới càng nhanh hơn. Giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 9 tại New York đã giảm thêm 1,47 USD, tương ứng với mức 1,4%, xuống còn 103,08 USD/thùng. Trên sàn London, giá dầu Brent cũng hạ 54 cent, xuống 106,91 USD.
   
  Tại Singapore, giá xăng RON 92 đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/8, mức giá xăng RON 92 Singapore là 112.7 USD/tấn, giảm 10,2% so với mức đỉnh thiết lập ngày 15/7 (125,5 USD/thùng) và thấp hơn so với mức giá đóng cửa ngày 13/6 (116,5 USD/thùng). Kể từ 16/7 đến nay, giá xăng RON 92 giảm mạnh. 
   
  Giá xăng dầu thế giới xuống dốc như vậy, người dân hy vọng xăng dầu trong nước cũng sẽ giảm theo quy luật. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian này, giá xăng trong nước đã được điều chỉnh tăng 3 lần. Lần thứ nhất vào ngày 14/6 tăng 420-430 đồng/lít. Lần thứ 2 vào ngày 28/6 tăng 360-370 đồng/lít. Lần thứ 3 vào ngày 17/7 tăng 460-470 đồng/lít.
   
Ảnh minh họa
   
  Theo lý giải của Bộ Công thương, giá xăng chưa giảm do vẫn phải tuân thủ quy định tại Nghị định 84 của Chính phủ, việc giảm giá bán lẻ xăng dầu căn cứ vào bình quân giá xăng dầu thế giới 30 ngày và các yếu tố đầu vào liên quan khác.
   
  Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá phân tích, việc căn cứ giá bình quân 30 ngày là quá dài và không phản ánh đúng diễn biến, xu hướng giá thế giới trên thực tế. Hơn nữa, giá bình quân 10 ngày và giá bình quân 30 ngày có sự chênh lệch rõ rệt, dẫn đến tình trạng "tăng nhanh, giảm chậm" trong điều hành giá xăng dầu trong nước. Theo ông, chỉ nên lấy giá bình quân 10 ngày.
   
  Tại phiên họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ Công thương diễn ra chiều 5/8, khi hỏi về vấn đề điều chỉnh giá xăng dầu thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương thừa nhận, trong thời gian vừa qua, giá xăng dầu thế giới đã giảm so với thời gian trước. Thế nhưng, đây vẫn chưa phải là điều kiện đủ để điều chỉnh giá trong nước do việc tăng giảm giá xăng dầu phụ thuộc vào bình quân giá thế giới 30 ngày, vào nhiều yếu tố khác như thuế nhập khẩu, trích Quỹ Bình ổn... theo Nghị định 84.
  Nghị định này sau 4 lần sửa đổi, bổ sung dự thảo thì có tới 23 điều sửa đổi và 2 điều bổ sung đã khiến Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan yêu cầu cần Nghị định mới thay thế hoàn toàn. Để đợi đến khi có văn bản pháp luật mới thay thế Nghị định 84, thì giá xăng trong nước vẫn bất chấp quy luật, “đi ngược” với giá xăng thế giới. Và người tiêu dùng sẽ vẫn phải oằn mình hứng chịu những cơn bão giá.

Theo bảng giá tính do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam công bố ngày 1/8, giá xăng A92 cơ sở so với giá bán lẻ hiện hành của Petrolimex đang lỗ tới 687 đồng/lít; dầu diezel 0,05S lỗ 684 đồng/lít; dầu hỏa lỗ 848 đồng/lít. Riêng mặt hàng ma zút (FO) lãi 194 đồng/kg.
         
    
 
Phạm Thu Hà
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá xăng trong nước “đi ngược” với giá xăng thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO