Gia Viễn – Ninh Bình: Hàng loạt công trình nước sạch “đắp chiếu”

08/05/2014 00:00

(TN&MT) - Dù đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng năm 2005, thế nhưng, gần 10 năm các công trình nước sạch ở huyện Gia Viễn, vẫn chưa thể đi vào hoạt động.

(TN&MT) - Dù đã được “ưu ái” đầu tư hàng chục tỷ đồng từ năm 2005, thế nhưng, đã gần 10 năm trôi qua các công trình nước sạch ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Trong khi đó, hàng nghìn hộ dân luôn mòn mỏi, quay cuồng, chống chọi với cơn “khát” nước sạch…
   
Người dân lúc nào cũng quay cuồng với cơn “khát” nước sạch.
   
  Theo sự chỉ dẫn của người dân, không khó để chúng tôi tìm đến công trình nước sạch ở xã Gia Phương, huyện Gia Viễn. Men theo con đường đất, nơi giáp nhánh sông cụt của sông Hoàng Long là công trình một thời thắp lên tia hy vọng của người dân Gia Phương về nước sạch. Toàn thể công trình là cỏ dại, sậy mọc um tùm, nhiều hạng mục bị rỉ sét, hư hỏng nặng nề do bị bỏ hoang nhiều năm.
   
  Bà Đinh Thị Toán ở thôn Văn Hà, xã Gia Phương cho biết: Năm 2006 khi bắt đầu triển khai xây dựng dự án nước sạch người dân rất phấn khởi. Đường ống được lắp đặt ai ai cũng vui mừng, sắm sửa các thiết bị lắp đặt để chờ đón dòng nước sạch. Thế nhưng, cái ngày mong chờ ấy đã trôi qua 8 năm đồng nghĩa với việc bà con phải “nhắm mắt” ăn cái thứ nước tanh tanh, vàng đục đến lợm người ấy. Giải pháp duy nhất là nhà nào cũng xây bể trữ nước mưa nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ, kẻ thì vác xô đi làng trên xóm dưới để xin, người có điều kiện thì mua nước của các xe téc với giá 60 – 70.000 đồng/m3.
   
  Ông Đào Văn Dậu – Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phương cho biết: Công trình nước sạch này thuộc Dự án phân lũ, chậm lũ và được UBND tỉnh Ninh Bình giao cho Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường thi công. Riêng công trình nước sạch ở xã Gia Phương được khởi công năm 2006, với số vốn ban đầu là 4 tỷ đồng, thế nhưng đến năm 2010 bị đội lên 7 – 8 tỷ đồng thì dừng từ đó đến nay. Hiện 1.000 hộ với hơn 5.000 nhân khẩu của 7 thôn trong xã đang ngày ngày quay cuồng với con “khát” nước sạch. Các ao, hồ trên địa bàn đều bị ô nhiễm, kể cả nhánh sông Hoàng Long sau khi bị nắn dòng cũng đã bị “khai tử” bởi chất thải và ô nhiễm. Việc tiết kiệm tối đa trong việc sử dụng nước được người dân đặt lên hàng đầu. Người dân phải mua nước với giá 60 – 70.000 đồng/m3 là hoàn toàn có thật từ nhiều năm nay, đặc biệt nhiều xã khác của huyện Gia Viễn cùng chung số phận chứ không chỉ riêng xã Gia Phương.
   
  Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Đinh Anh Tuấn – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Gia Viễn cho biết: Tính đến hết tháng 2/2014, trên địa bàn toàn huyện Gia Viễn có 24 công trình nước sạch, thế nhưng nhiều công trình đã “đắp chiếu” từ nhiều năm nay. Điển hình như ở xã Gia Phương, Gia Minh, Gia Phong (khởi công năm 2005), rồi ở xã Gia Sinh công trình nước sạch với số vốn 17 tỷ đồng khởi công từ năm 2007 đến nay vẫn chưa hoàn thể hoàn thành?  Về phía huyện Gia Viễn cũng đã làm mọi cách để tái khởi động các công trình này nhưng vô ích vì thẩm quyền có hạn. Các đoàn cấp tỉnh đã nhiều lần về điều tra, khảo sát nhưng cũng không khả quan?
   
  Được biết, tổng kinh phí cho 24 nhà máy nước sạch là 142,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước là 109,7 tỷ đồng, còn lại là nhân dân đóng góp và nguồn vốn hỗ trợ khác. Như vậy, việc xây rầm rộ cho có rồi bỏ hoang nhiều nơi đã gây lãng phí một số tiền không nhỏ của Nhà nước, của nhân dân và trên hết là niềm hy vọng, niềm tin của người dân bị dập tắt.
   
  Việc hàng loạt công trình nước sạch “đắp chiếu” nhiều năm ở huyện Gia Viễn đã gây ra không ít những hệ lụy xấu. Đề nghị các cơ quan, ban, ngành và UBND tỉnh Ninh Bình nhanh chóng vào cuộc mang lại niềm tin và “sự sống” cho người dân Gia Viễn.
   
Bài và ảnh: Anh Tú
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Viễn – Ninh Bình: Hàng loạt công trình nước sạch “đắp chiếu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO