Giả mạo phương án kinh doanh, BIDV Vĩnh Phúc vẫn cho vay tiền tỷ

19/10/2015 00:00

(TN&MT) - Mặc dù cả hai vợ chồng đều là cán bộ viên chức nhà nước, không hề có kinh doanh gì nhưng vẫn lập hồ sơ kinh doanh ảo để vay tiền tỷ của Ngân...

 
(TNMT) – Vừa qua, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã xét xử phiên phúc thẩm vụ án “tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và vợ chồng ông Lê Văn Tròn (đã chết), bà Trần Thị Bích Vân trú tại thôn Táo, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
 
Dựa trên phương án kinh doanh không có thật, BIDV Vĩnh Tường đã cho vay hơn 2 tỷ đồng
Dựa trên phương án kinh doanh không có thật, BIDV Vĩnh Tường đã cho vay hơn 2 tỷ đồng
 
Sai phạm rõ ràng…
 
Tại phiên tòa, đại diện của BIDV cho biết: Ông Lê Văn Tròn có vay tiền của ngân hàng từ nhiều năm nay. Ngày 03/5/2012, để đảm bảo cho khoản vay mới của ông Tròn, BIDV đã ký kết Hợp đồng thế chấp tài sản với vợ chồng ông Lê Văn Lực (là anh con nhà bác của ông Tròn) và bà Nguyễn Thị Duyên. Mục đích của việc vay tiền là “kinh doanh thiết bị điện nước, vật liệu xây dựng”. Tài sản đảm bảo cho các khoản vay là 03 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó 01 tài sản là đứng tên vợ chồng ông Tròn, 02 tài sản còn lại đứng tên vợ chồng ông Lê Văn Lực và bà Nguyễn Thị Duyên.
 
Đến ngày 08/7/2014, mặc dù ông Tròn vẫn còn nợ quá hạn số tiền hơn 1,5 tỷ đồng nhưng BIDV vẫn tiếp tục ký Hợp đồng tín dụng số 01/2014/HĐHM để giải ngân cho ông Tròn với hạn mức tín dụng là 2,4 tỷ đồng. Sau đó, do ông Tròn chết nên vợ ông Tròn là bà Vân phải tiếp tục nghĩa vụ trả nợ. Theo thông tin từ BIDV thì bà Vân vẫn còn nợ hơn 1,7 tỷ đồng và không có khả năng trả nợ, buộc Ngân hàng phải khởi kiện ra Tòa để thu hồi tài sản đảm bảo.
 
Tại phiên tòa, cả nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều có những lời khai mâu thuẫn nhau. Từ đó chân tướng sự việc đã dần hé lộ các sai phạm của BIDV trong quá trình thẩm định hồ sơ cho vay vốn.
 
Đầu tiên đó là việc nhân viên BIDV khi đi xác minh mục đích vay vốn của khách hàng có biểu hiện buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm. Cụ thể, tại phần mục đích sử dụng tiền vay của hợp đồng tín dụng ghi rõ: “Kinh doanh thiết bị điện nước, vật liệu xây dựng”. Tuy nhiên, xác minh của Tòa án cho thấy: Khi ông Tròn còn sống gia đình không có buôn bán kinh doanh gì vì ông Tròn công tác tại UBND huyện Vĩnh Tường, bà Vân làm giáo viên dạy học. Bản thân bà Vân cũng thừa nhận tại phiên tòa sơ thẩm là gia đình bà không kinh doanh mặt hàng này. Còn ngôi nhà (được nhân viên BIDV đến chụp ảnh) của vợ chồng bà ở khu chợ Táo, thôn Tuân Chính đã cho vợ chồng ông Trương Công Tích, bà Vũ Thị Bình thuê để kinh doanh mặt hàng điện nước từ năm 2007.
 
Số
Ngôi nhà 3 tấng này của ông Lực sẽ bị phát mại nếu trong trường hợp bà Vân không trả được nợ cho BIDV
 
Tiếp theo, người có hợp đồng thế chấp với BIDV là gia đình ông Lê Văn Lực đã tố cáo BIDV vi phạm quy định cho vay, tự ý sửa hợp đồng và đề nghị Tòa tuyên hợp đồng vô hiệu. Cụ thể, ông Lê Văn Lực cho rằng: Khi ông Tròn ký kết vay tiền với BIDV như thế nào vợ chồng ông không được biết, ông không sử dụng khoản tiền vay đó và cũng không nhờ ông Tròn vay tiền hộ. Chỉ vì quan hệ gia đình nên ông Lực mới cho ông Tròn mượn tài sản thế chấp.
 
Khi ký hợp đồng thế chấp, ông Tròn mang đến nhà để hướng dẫn vợ chồng ông Lực ký vào. Ông Lực cũng không đến Phòng Công chứng Vĩnh Tường để yêu cầu công chứng (tại phiên tòa Công chứng viên Nguyễn Văn Dần không đưa ra được phiếu yêu cầu công chứng của ông Lực) nhưng Công chứng viên vẫn thực hiện lời chứng. Không những thế, ông Lực còn tố BIDV đã tự ý thay thế các trang hợp đồng (không có chữ ký nháy của ông) để làm sai lệch, ảnh hưởng đến quyền lợi của ông.
 
… nhưng chỉ yêu cầu rút kinh nghiệm
 
Tại phiên tòa, Công chứng viên Nguyễn Văn Dần thừa nhận: Ở các trang trong của hợp đồng thế chấp (trang 1, 2, 4, 6, 8) không có chữ ký nháy của ông Lực, bà Duyên và trang 1,2 trong văn bản sửa đổi hợp đồng thế chấp cũng không có chữ ký nháy của ông Lực, trang 2 không có chữ ký nháy của bà Duyên. Tuy nhiên, ông Dần giải thích, không có chữ ký là do… sơ suất và không phải lỗi nghiêm trọng.
 
Đại diện BIDV cũng thừa nhận quy trình, thủ tục cho vay vốn tại BIDV Vĩnh Tường đối với khách hàng là ông Lê Văn Tròn có những sai sót về mặt nghiệp vụ nhưng điều đó không làm thay đổi bản chất của vụ việc.
 
Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 9/7/2015, TAND huyện Vĩnh Tường đã kết luận: Mặc dù vợ chồng ông Tròn, bà Vân đã cung cấp thông tin sai sự thật nhưng trong quá trình thẩm định, ngân hàng cũng chưa tuân thủ các quy định trong quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng. Chính vì vậy, Tòa sơ thẩm yêu cầu BIDV Vĩnh Phúc… rút kinh nghiệm. Đối với Văn phòng công chứng Vĩnh Tường, Tòa sơ thẩm nhận thấy do chưa tuân thủ các quy định của pháp luật khi công chứng nên yêu cầu Văn phòng này nghiêm túc… rút kinh nghiệm.
 
Bà Vân, người có nghĩa vụ trả nợ thay cho ông Tròn đang cho người sửa lại ngôi nhà vợ chồng bà đã dựa vào đó lập phương án kinh doanh giả
Ngôi nhà vợ chồng ông Tròn, bà Vân đã dựa vào đó lập phương án kinh doanh giả đang được gấp rút sửa chữa không biết nhằm mục đích gì?
Cuối phiên phúc thẩm, Hội đồng xét xử vẫn không chấp nhận yêu cầu của ông Lực, bà Duyên là “tuyên bố vô hiệu hợp đồng số 01/2012/HĐTC”. Đồng thời, Hội đồng xét xử yêu cầu bà Vân phải trả hết số tiền (gốc và lãi) cho BIDV. Trong trường hợp bà Vân không trả được thì BIDV sẽ tiến hành thanh lý tài sản thế chấp của vợ chồng ông Lực, bà Duyên nhằm thu hồi khoản nợ quá hạn của ông Tròn.
 
Đánh giá về những sai phạm của BIDV trong việc thực hiện hợp đồng tín dụng trên, Luật sư Nguyễn Hà Luân, Trưởng Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: “Điều 389, Bộ luật Dân sự quy định về việc giao kết hợp đồng dân sự phải theo nguyên tắc tự do, tự nguyên, bình đẳng, thiện chí, trung thực… nhưng rõ ràng Hợp đồng thế chấp số 01 đã vi phạm nguyên tắc trên. Hơn nữa, gia đình ông Lực không đến Phòng Công chứng nhưng Công chứng viên vẫn thực hiện là vi phạm Điều 35, Điều 39 và Điều 41 Luật Công chứng.
 
Ngoài ra, việc hợp đồng tín dụng ghi rõ mục đích vay vốn là “kinh doanh điện nước, vật liệu xây dựng” nhưng thực tế không phải vậy. Đây rõ ràng là vi phạm trong quá trình thẩm định hồ sơ hoặc cố tình ghi khống của cán bộ Ngân hàng BIDV”.
 
Như vậy qua vụ án này có thể thấy, công tác thẩm định hồ sơ vay vốn của BIDV là có vấn đề. Việc để khách hàng “qua mặt” bằng phương án kinh doanh không có thật một cách đơn giản như vậy phải chăng là có dấu hiệu “cố ý làm sai” của một số cán bộ Ngân hàng trong giao dịch với khách hàng?.
 
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
 
Mạnh Hưng
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giả mạo phương án kinh doanh, BIDV Vĩnh Phúc vẫn cho vay tiền tỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO