Khốn đốn tìm nước sinh hoạt
Từ hơn 2 tháng nay, cứ đều đặn mỗi chiều sau khi đi làm về, chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt (làng Bông Bay, xã Chư Á, TP. Pleiku, Gia Lai) lại chở thùng đi đến nhà bà con để xin nước về dùng. Theo chị Nguyệt, việc thiếu nước sinh hoạt là chuyện năm nào cũng xảy ra ở làng Bông Bay, nhưng năm nay nó đến sớm hơn và tình trạng cũng nghiêm trọng hơn.
“Giếng nước của nhà tôi đã cạn trơ đá từ đầu tháng 3/2020. Bây giờ muốn khoan hay vét giếng cũng không được vì đụng đá, nên chỉ còn cách đi xin nước về dùng để chờ đến mùa mưa. Thiếu nước nên mọi sinh hoạt của gia đình đều rất tiết kiệm như tận dụng nước rửa rau để rửa chén, cả tuần mới giặt đồ một lần”, chị Nguyệt cho biết.
Tại làng Bông Bay hiện nay, hầu như nhà nào cũng không có đủ nước sinh hoạt để sử dụng. Chị Siu Thư (làng Bông Bay) chia sẻ: “Nhà mình đào đến hai cái giếng nhưng vẫn không có nước và phải đến các làng khác gùi nước về dùng, hoặc xin bơm nhờ nước giếng khoan của hàng xóm và trả tiền điện. Tuy vậy, nhưng cũng phải bơm nhiều lần, mỗi lần một ít”.
Huyện KBang là địa phương thường xuyên phải chịu ảnh hưởng nặng từ hạn hán của tỉnh Gia Lai. Toàn huyện có trên 200 giếng nước của bà con bị khô, cạn nước, tập trung chủ yếu ở xã Kông Lơng Khơng, Lơ Ku và Đak Smar. Ông Đinh Văn Blích (làng Mơ Hra - Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện KBang) cho biết, từ nửa tháng nay, mực nước giếng giảm mạnh khiến mọi sinh hoạt đều rất khó khăn vì thiếu nước. “Nước ăn, uống thì có nhưng phải tiết kiệm. Còn nước để tắm, giặt không đủ, cả tuần mới giặt quần áo một lần, tắm cũng vậy”, ông Blích nói.
Những giải pháp tạm thời
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra ở nhiều địa phương khác của tỉnh Gia Lai như huyện Đắk Pơ, An Khê, Krông Pa, Mang Yang… Để khắc phục một phần khó khăn của người dân do thiếu nước sinh hoạt gây ra, ngành nông nghiệp các huyện đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách như đầu tư kinh phí để đào giếng nước tập thể; nạo vét, xử lý phèn đối với các giếng nước lớn của các làng…
Đồng thời, đối với các địa phương chưa xảy ra tình trạng thiếu nước, ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Các hộ dân có nhiều nước sẽ chia sẻ nguồn nước cho các hộ dân ít nước. Chính quyền cũng tìm phương án vận chuyển nước từ những nơi khác đến để cung cấp, đảm bảo nước ăn uống và sinh hoạt cho người dân, hạn chế tối đa trường hợp người dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: “Từ nay đến thời điểm bước vào mùa mưa, các huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh vẫn sẽ xuất hiện các trận mưa giông, giúp giảm hạn hán. Bà con cần chú ý các cơn mưa, có thể sử dụng các dụng cụ để lấy nước mưa sinh hoạt tạm thời. Ngoài các biện pháp khoan giếng và cấp nước cho bà con, ngành NN&PTNT tỉnh Gia Lai sẽ chỉ đạo các địa phương rà soát, khơi thông, tìm nguồn nước cho các công trình tự chảy để đưa nước về, phục vụ sinh hoạt cho người dân”.
Măc dù, chưa có thống kê chính thức từ ngành chức năng, song thực tế cuộc sống của hàng ngàn người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang bị ảnh hưởng vì thiếu nước sinh hoạt. Ngoài các vùng hạn được hỗ trợ kịp thời, thì còn có rất nhiều nơi người dân phải xoay sở để tìm nguồn nước. Hạn hán vào mùa khô là điệp khúc vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay và cả các năm sau, do vậy sử dụng nước một cách tiết kiệm hôm nay chính là góp phần làm giảm nguy cơ thiếu nước về sau.