Gia Lai: Tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt

19/11/2013 00:00

(TN&MT) - Đến tối 18/11, quốc lộ 19 đã thông 1 làn đường nhưng toàn tuyến đèo vẫn còn hơn 20 điểm sạt lở, đa phần là các điểm sạt lở ta-luy âm.

   
(TN&MT) – Do mưa lớn liên tục trong hai ngày 16 và 17/11/2013, tại khu vực đèo An Khê (địa phận giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định), đã xảy ra sạt lở lớn, gây tắc đường trên tuyến quốc lộ 19.
   
  Sau những nỗ lực khắc phục của cơ quan chức năng, đến tối 18/11, quốc lộ 19 đã thông 1 làn đường nhưng toàn tuyến đèo vẫn còn hơn 20 điểm sạt lở, đa phần là các điểm sạt lở ta-luy âm.
   
  Nước lũ từ trên núi cao đổ xuống, cộng với hàng nghìn mét khối đất đá tràn xuống nền đường, khiến việc lưu thông trên đèo rất khó nhọc. Núi lở, đất đá sụt lún tạo thành những khoảng trống phía dưới mặt đường, nhiều khả năng sẽ trôi nhiều đoạn đường trên đèo, gây đứt đoạn giao thông, nếu đơn vị quản lý đường không tu bổ kịp thời.
   
Ngành chức năng của hai tỉnh Gia Lai và Bình Định chủ động phối hợp khắc phục ách tắc giao thông trên đèo An Khê
    
   
  Trong ngày 18/11, Khu Quản lý đường bộ 5 (thuộc Bộ Giao thông – Vận tải) phối hợp với Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Gia Lai đã điều động nhiều xe tải, máy xúc cùng hơn 50 công nhân của Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Gia Lai để san ủi nền đường, dọn dẹp đất đá vương vãi trên đèo. Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Gia Lai cũng tổ chức lực lượng thường trực trên đèo An Khê, tiến hành phân luồng, hướng dẫn các phương tiện giao thông đi đúng làn đường để đảm bảo an toàn giao thông.
   
  Ngày 18/11, Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Gia Lai cho biết, trong những ngày qua, ngoài huyện Kbang và các thị xã Ayun Pa, An Khê… bị ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 15, thì huyện Kông Chro, địa phương khó khăn nhất của tỉnh Gia Lai, đã có hơn 200ha hoa màu các loại bị hỏng nặng. Ngoài ra, có hơn 10 tấn mía của nông dân trên địa bàn huyện đã chặt xong chưa kịp vận chuyển đã bị nước cuốn trôi; 46 nhà dân bị ngập nước; nhiều tuyến đường giao thông nông thôn cũng bị hư hỏng, sạt lở cục bộ. Nước lũ làm ách tắc giao thông trên đường Trường Sơn Đông đi qua huyện Kông Chro. Ước thiệt hại trên toàn tỉnh là hơn 70 tỷ đồng.
   
   
  Trước tình hình trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã có Công điện khẩn về việc triển khai cấp bách công tác khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 15. Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của các cơn lũ, tổ chức di dời dân ở những nơi bị ngập lũ hay bị lũ cô lập, sạt lở đất đến nơi an toàn. Đặc biệt là dọc triền Đông Trường Sơn, hệ thống sông Ba và sông Ayun; thông báo cho người dân sản xuất ven sông, suối đề phòng lũ về, không được bơi lội qua sông, suối; đặc biệt, nghiêm cấm vớt củi khi có lũ về.
   
  Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các lực lượng công an, quân đội, đoàn viên thanh niên giúp đỡ nhân dân sửa chữa nhà cửa bị ngập lụt, hư hỏng và thu dọn vệ sinh để tránh ô nhiễm môi trường; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chủ động xuất ngân sách địa phương để khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra. Các chủ đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Gia Lai thông báo xả lũ cho chính quyền địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng trước 24 giờ khi xả lũ công trình thủy điện, thủy lợi để người dân vùng hạ du biết.
   
                                                                               Tin & ảnh: Thục Vy
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO