Gia Lai: Nông dân lại phá mía để trồng mì

10/04/2015 00:00

(TN&MT) - Điệp khúc trồng - phá bỏ dường như vẫn thường là vòng luẩn quẩn của người nông dân xuất phát từ sự biến động tăng giảm của yếu tố thị trường. Điều ấy...

 

(TN&MT) - Một mùa mía không như mong đợi khi cả năng suất và giá thu mua đều giảm khiến nhiều người trồng mía ở Gia Lai đã phá bỏ diện tích mía để chuyển qua canh tác mì với hy vọng đem lại hiệu quả cao hơn. Việc chạy theo lợi nhuận, bất chấp nguy cơ gây suy thoái đất do phá vỡ quy hoạch cây trồng cần phải được ngành chức năng địa phương quan tâm đặc biệt.

Nhiều cánh đồng mía vẫn chưa được thu hoạch
Nhiều cánh đồng mía vẫn chưa được thu hoạch

Một mùa mía “đắng”

Gia đình chị Bùi Thị Vân Dung (thôn 3, xã Nghĩa An, huyện Kbang) trồng 1,6 ha mía. Cuối vụ, gia đình chị thu hoạch về 120 tấn. Với mức giá bán tại ruộng cho tư thương là 490 đồng/kg, chị thu về khoảng 60 triệu đồng. Trừ 20 triệu đồng tiền chi phí đầu tư chưa kể công cán, chị thu lãi chưa đầy 40 triệu. “So với mọi năm, tiền lời làm mía năm nay giảm nhiều. Năm ngoái cũng chừng đó mía tôi thu về 78 triệu. Năm nay năng suất đã giảm, giá mía cũng thấp, ruộng mía nào tốt may ra còn có chút lời, mía xấu coi như huề công, huề vốn”, chị Dung cho biết.

Với kinh nghiệm mấy chục năm làm mía, ông Phạm Phú Hải cùng ở thôn 3, xã Nghĩa An cho rằng, năm nay là một trong những năm làm ăn thất bát nhất của người trồng mía. Với 1,5 ha mía thu năm đầu tiên, ông chỉ thu được 100 tấn mía. Do ký hợp đồng đầu tư với Nhà máy đường An Khê nên giá thu mua cao hơn một chút là 540 đồng/kg, tổng tiền bán mía được hơn 50 triệu đồng. “So với các năm trước, sản lượng mía năm nay giảm khoảng 20%, giá cả cũng giảm trong khi chi phí đầu tư lại tăng nên người trồng mía lời lãi chẳng là bao”, ông Hải than thở.

Niên vụ mía năm 2014-2015, toàn tỉnh Gia Lai gieo trồng được khoảng hơn 30.000 ha mía. Đến thời điểm hiện tại, tiến độ thu hoạch mía đạt khoảng 75% diện tích. Mất mùa, mất giá là tình cảnh chung của các hộ trồng mía năm nay. Theo lý giải của người dân, nguyên nhân của tình trạng mất mùa là do thời tiết năm nay không thuận lợi, lượng mưa ít, nắng hạn kéo dài khiến cây mía còi cọc, không đạt năng suất và chất lượng cao nhất.

Nắng nóng còn khiến cho một số diện tích mía bị cháy làm giảm giá thu mua. “Nhìn chung, tiến độ thu hoạch mía trên địa bàn vẫn chậm, các nhà máy vẫn hoạt động chưa hết công suất, do đó phần nào ảnh hưởng đến việc chăm sóc và tái sinh của cây mía gốc, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết khô hạn như hiện nay”, ông Đoàn Thanh Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kbang cho biết.

Một vụ mía không mấy thuận lợi đối với người trồng mía.
Một vụ mía không mấy thuận lợi đối với người trồng mía.

Có nên phá mía, trồng mì?

Trước thực trạng cả năng suất và giá mía đều giảm, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận kinh tế, nhiều bà con đã có kế hoạch thay đổi cây trồng khác trên diện tích mía già cỗi hoặc đã ở giai đoạn cuối chu kỳ thu hoạch. Chị Bùi Thị Vân Dung, cho biết: “Dự tính năm sau tôi sẽ phá hết diện tích mía hiện có để chuyển sang trồng mì. Bởi so ra cây mì cho lãi cao hơn trong khi vốn đầu tư lại thấp. Giống mì mình tự kiếm được, cây mì tốn ít phân bón, thuốc, công chăm sóc ít. Không riêng gì tôi, mà rất nhiều gia đình xung quanh cũng đã phá bỏ mía để chuyển sang trồng mì”.

Cùng chung ý định trên, hộ ông Phạm Phú Hải cũng đã tính tới phương án thay thế vườn mía bằng cây khác. “Vườn nhà tôi trồng mía khá thưa, năm rồi là thu bói nhưng cũng được ít, thành thử tính đổi qua trồng mì như người ta nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy tiếc nên tạm thời cứ để xem tình hình thế nào. Cứ tình trạng này tiếp diễn chắc chắn tui sẽ bỏ mía”, ông Hải thẳng thắn nói.

Theo quy hoạch của tỉnh, diện tích mì năm 2015 là 50.000 ha nhưng hiện tại con số đó đã vượt thêm hơn 2.000ha. Trong khi cây mì là cây trồng không được ưu tiên mở rộng phát triển trên địa bàn tỉnh thì nông dân lại chỉ vì lợi nhuận kinh tế mà phá vỡ quy hoạch. Với việc tăng đột biến này của cây mì đã kéo theo nhiều hệ lụy như: đất đai bị bạc màu, khô cằn, khó cải tạo. Và khi đất sản xuất bạc màu và bị bỏ hoang, họ lại lén lút phá rừng để làm rẫy là điều không thể tránh khỏi.

Tiến độ thu mua mía vẫn còn khá chậm khiến nhiều người dân lo lắng
Tiến độ thu mua mía vẫn còn khá chậm khiến nhiều người dân lo lắng

Ông Đoàn Thanh Hùng thừa nhận: “Hiện tại trên địa bàn đã xuất hiện nhiều trường hợp phá bỏ mía để chuyển qua trồng mì vì thấy hiệu quả kinh tế trong một vài năm gần đây có sự chênh lệch khá lớn giữa các loại cây trồng này, đặc biệt là giá mía liên tục sụt giảm, thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến sản xuất… Tuy nhiên, rất khó nói trước được hiệu quả thay thế cây mới sẽ tới đâu. Chúng tôi đang chỉ đạo nắm bắt cụ thể vấn đề để đề xuất hướng giải quyết”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hảo, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê Gia Lai cho biết: “Hiện nay, nhà máy có rất nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư về cơ giới từ khâu cày đất, làm đất, trồng và chăm sóc mía, hỗ trợ về phân bón và tiền vốn không tính lãi…, để bà con phát triển diện tích và tăng năng suất mía. Đặc biệt là vận động bà con mạn dạn phá bờ lô, bờ thửa góp đất để nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, từ đó giảm chi phí sản xuất, năng suất mía đạt từ 100-120 tấn/ha. Thực tế, diện tích mía của nhà máy đầu tư và quản lý trên địa bàn vẫn đang tăng lên từ 15 – 20% mỗi năm, nhà máy đang liên tục hoạt động và bảo đảm sẽ thu mua hết số mía ngoài đồng cho bà con. Việc phá mía trồng mì có thể chỉ xảy ra ở những hộ có diện tích nhỏ, bạc màu, không chú trọng thâm canh đầu tư, chất lượng giống lại không cao nên cho năng suất thấp”.

Điệp khúc trồng - phá bỏ dường như vẫn thường là vòng luẩn quẩn của người nông dân xuất phát từ sự biến động tăng giảm của yếu tố thị trường. Điều ấy sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch, mất cân đối cung-cầu và nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. Bởi vậy, hơn ai hết, các ngành chức năng địa phương cần phải có những giải pháp kịp thời để vấn đề này không trở nên quá phức tạp.

Bài & ảnh: Quế Mai

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Nông dân lại phá mía để trồng mì
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO