Gia Lai: Nhiều sai phạm trong khai thác khoáng sản

05/05/2014 00:00

(TN&MT) - Tính đến tháng 7-2013, trong tổng số 75 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, có 11 mỏ khoáng sản chưa được các doanh nghiệp thực hiện khai...

   
(TN&MT) - Trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2012, Sở TN-MT tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận, thẩm định, trình UBND tỉnh Gia Lai cấp tổng cộng 88 giấy phép khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, tính đến tháng 7-2013, trong tổng số 75 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, có 11 mỏ khoáng sản chưa được các doanh nghiệp (DN) thực hiện khai thác dù đã quá thời hạn.
   
   
  Cụ thể, có 3 mỏ của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, 3 mỏ của Xí nghiệp tư doanh Hiệp Lợi, 2 mỏ của Công ty TNHH Hoàng Nhi, 1 mỏ của Công ty TNHH Sơn Thạch... Tất cả các mỏ của các DN này đều được cấp phép từ tháng 6-2011. Đặc biệt, mỏ đá xây dựng tại xã Ia Pia (huyện Chư Prông), cấp phép từ ngày 22-11-2009, hết hạn ngày 22-11-2012 nhưng Sở TN-MT tỉnh Gia Lai đã không thực hiện việc kiểm tra sau cấp phép để kịp thời có văn bản thông báo chấn chỉnh đối với đơn vị khai thác và tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định thu hồi giấy phép. Ngoài ra, dự án khai thác quặng sắt của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai được UBND tỉnh Gia Lai cấp phép khai thác khoáng sản với diện tích khai thác 20ha tại địa phận xã Lơ Ku, huyện Kbang (Quyết định số 792/QĐ-UBND, ngày 22-6-2011), với công suất khai thác là 50.000 tấn quặng nguyên khai/năm, cũng nằm trong nhóm dự án xin cấp phép rồi... án binh bất động. 
   
  Ngoài việc không triển khai dự án, các DN ở tỉnh Gia Lai còn khai thác vượt công suất cho phép. Trong đợt kiểm tra đột xuất tại mỏ đá xây dựng của DNTN Huy Thịnh ở xã Lơ Ku, huyện Kbang của cơ quan chức năng cho thấy, tuy chỉ được UBND tỉnh Gia Lai cấp phép thu gom khoáng sản vùng dự án thủy điện An Khê-Ka Nak, với số lượng là 5.000m3 được tính đến ngày 30-10-2011, nhưng đơn vị này đã khai thác “lấn” sang năm 2012, sản lượng đá của doanh nghiệp lên đến 73.695m3. Mặc dù giấy phép hết hạn đã lâu nhưng qua kiểm tra hiện trường (vào ngày 27-6-2013), số lượng đá tồn trên bãi của DN còn khoảng 8.000m3.
   
  Không dừng lại ở đó, trong số 89 giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai, chỉ mới có 44/89 đơn vị thực hiện nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, tức chưa đến 50%. Một số DN đã thực hiện việc ký quỹ, nhưng chỉ với số tiền rất thấp như: mỏ đá gabro của Công ty TNHH Hoa Sen chỉ nộp được 14.310.000 đồng trên tổng số 157.910.000 đồng; mỏ đá gabro của Xí nghiệp tư doanh Bảo Cường nộp 20.398.000 đồng trên 141.090.000 đồng; mỏ đá Gabro của Công ty TNHH Sơn Thạch chỉ mới nộp được 32.768.656 đồng thay vì 163.843.000 đồng.
   
                                                                     Bài & ảnh: Thục Vy
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Nhiều sai phạm trong khai thác khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO