Gia Lai: Nhiều công trình nước sạch vùng sâu, vùng xa bị bỏ hoang

30/08/2017 00:00

(TN&MT) - Ông Đinh Xuân Duyên – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Krông Pa (Gia Lai) cho biết: "Hiện toàn huyện có 61 công trình nước sạch phục vụ nhân dân...

 

(TN&MT) - Ông Đinh Xuân Duyên – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Krông Pa (Gia Lai) cho biết: “Hiện toàn huyện có 61 công trình nước sạch phục vụ nhân dân của 12 xã. Mỗi công trình này được “rót” hàng trăm triệu đồng để đầu tư xây dựng và bảo dưỡng máy bơm, bể chứa nước…Tuy nhiên, đến nay có 27/62 công trình không hoạt động hoặc ngưng hoạt động (tức là bỏ hoang), và 6 công trình khác hoạt động kém hiệu quả. Chỉ có 28 công trình hoạt động hiệu quả, đây là những công trình hàng năm có nguồn kinh phí nâng cấp, sửa chữa, duy tu… chủ yếu là được bố trí từ vốn chương trình 755 của Trung ương để nâng cấp cải tạo lại)”. 

Bể nước bị bỏ hoang nhiều năm nay
Bể nước bị bỏ hoang nhiều năm nay

Xã Chư Đrăng là một trong những xã khó khăn của huyện Krông Pa, quanh năm người dân đồng bào phải sống nhờ các giọt nước (mạch ngầm) cách xa khu dân cư. Chính vì vậy UBND huyện này đã rất quan tâm và đầu tư nhiều công trình nước sạch. Cụ thể,  công trình nước sạch tại buôn H’Liết được xây dựng từ năm 2005 theo chương trình Trung tâm cụm xã. Năm 2008, buôn Chai và buôn H’Ngôm cũng được xây dựng công trình nước sạch từ nguồn vốn Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn 134, 135. Các thôn Mê Linh, Tam Đảo, buôn H’Liên cũng đều được “đồng bộ” các công trình này nhằm đảm bảo người dân có nước sạch dùng trong sinh hoạt.

Tuy nhiên, có rất nhiều công trình đến nay không mang lại hiệu quả như mong đợi. Hiện hầu hết các công trình nước sạch tại xã Chư Đrăng đều không thể sử dụng hoặc bị người dân “quay lưng” vì nước bị nhiễm phèn...Theo thời gian những công trình nước sạch không được chăm sóc, bảo dưỡng dẫn đến bị hư hỏng không sử dụng được. Các công trình nước sạch ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, cỏ mọc um tùm.

Chị Nay H’Bia ở buôn H’Ngôm chia sẻ: "Thấy nước sạch về với buôn bà con vui lắm, vì không còn phải đi lấy nước ở xa nữa. Nhưng mấy cái vòi nước đấy chỉ hoạt động được mấy năm thì hư mất. Giờ dân làng lại phải đi mấy cây số lấy nước từ mấy cái hố đào ven sông, ven suối để uống, để nấu ăn. Tắm rửa cả làng cũng phải kéo nhau ra sông, suối. Cứ đến mùa khô, nước khan hiếm là phải dậy thật sớm mang can đi múc nước chứ không đợi lâu mà không có nước để uống nữa”.

Người dân phải đi rất xa mới lấy được nước để sinh hoạt
Người dân phải đi rất xa mới lấy được nước để sinh hoạt

Về vấn đề này, Ksor Rok - Phó chủ tịch UBND xã Chư Đrăng cho biết: “Người dân không sử dụng nước từ các bể tập trung, giếng khoan là do nước bị nhiễm phèn, lâu ngày các công trình cũng bị hư hỏng. Thực tế người dân không đồng ý trả tiền nước để vận hành các công trình (buôn Liên, buôn H’Ngôm, thôn Mê Linh, thôn Tam Đảo…) vì với tập quán từ lâu đời lấy nước giọt để sinh hoạt, không thích nước từ các công trình nước sạch. Cuối cùng là ý thức sử dụng, bảo vệ công trình của bà con chưa cao. Vì vậy mà nhiều công trình qua thời gian đã bị hư hại, xuống cấp thấy rõ, gây lãng phí tiền của của Nhà nước”.

Ông Đinh Xuân Duyên – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Krông Pa cho biết thêm: Chúng tôi cũng đã kiến nghị với các cơ quan chức năng về thực trạng các công trình nước sinh hoạt hiện nay (trong đó có Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai). Đối với các công trình đang hoạt động thì cần tổ chức vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm tránh lãng phí nguồn tài nguyên nước, có chính sách hỗ trợ hợp lý để duy tu bảo dưỡng các hạng mục hư hỏng lớn, tiếp tục nâng cấp các hạng mục để xử lý nước nâng cao chất lượng nguồn nước đáp ứng các tiêu chuẩn về nước sạch nông thôn do chính phủ quy định. Đối với các công trình hoạt động kém hiệu quả thì tổ chức nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, cải tạo nâng cấp hệ thống mạng lưới và công trình đầu mối. Có chính sách hỗ trợ người nghèo và các hộ dân có nhu cầu sử dụng nước theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm để nâng trách nhiệm của người dân đối với công trình. Còn đối với các công trình không hoạt động thì tiếp tục vận động người dân sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình, hàng năm hỗ trợ kinh phí để tổ chức tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước hợp vệ sinh. Đối với các công trình nhân dân không có nhu cầu sử dụng cho phép thanh lý công trình.

Vũ Đình Năm

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Nhiều công trình nước sạch vùng sâu, vùng xa bị bỏ hoang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO