Theo đó, chủ số vỏ thông này là Đặng Công Trọng (SN 1993, trú ở 146 Lê Thánh Tông, TP. Pleiku, Gia Lai). Bước đầu, Đặng Công Trọng có trình một giấy photo chứng minh nguồn gốc số vỏ thông này nhưng giấy tờ này không hợp lệ. Hiện vụ việc này vẫn đang được các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai điều tra, làm rõ.
Trước đó, vào đầu tháng 5/2019, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Gia Lai) tiến hành bắt quả tang đối tượng Phạm Minh Ngọc (SN 1981, trú tại xã Tân Bình, huyện Đắk Đoa) có hành vi mua bán, vận chuyển vỏ thông khai thác trái phép với khối lượng 3.485kg. Đối tượng trình báo việc mua vỏ thông này để đưa ra Bắc bán cho thương lái Trung Quốc.
Liên quan đến các vụ việc này, thời gian gần đây, Báo điện tử TN&MT liên tục phản ánh tình trạng hàng loạt rừng thông 20 - 40 năm tuổi trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị các đối tượng cạo lấy vỏ ở phần gốc. Theo thống kê, hiện tỉnh Gia Lai có 8.600 ha rừng thông, trong đó, chưa có thống kê cụ thể của các địa phương về việc rừng thông bị xâm hại ngoài 150 ha rừng thông tại huyện Đăk Đoa bị cạo lấy vỏ vừa được báo cáo vào tháng 5/2019.
Theo Chi cục Kiểm lâm Gia Lai, do cây thông bị cạo vỏ vẫn còn sống, chưa bị chết nên chưa thể đánh giá được mức độ thiệt hại để có hướng xử lý cụ thể. Mức độ vi phạm của các đối tượng chỉ dừng ở hình thức xử lý hành chính. Nếu xác định được mức độ thiệt hại nghiêm trọng thì sẽ xem xét khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Nguyễn Văn Thái, Phó trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 (Chi cục Kiểm lâm Gia Lai) cho biết: “Về việc để xảy ra tình trạng cây thông bị xâm hại với diện tích lớn chắc chắn sẽ xử lý trách nhiệm các đơn vị liên quan. Trước mắt, đơn vị cử lực lượng Kiểm lâm đi kiểm tra, bảo vệ 24/24h ở những nơi có diện tích rừng thông bị cạo vỏ. Đồng thời, thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân không được xâm hại rừng thông”.