Gia Lai: Hoang tàn làng định canh, định cư

09/08/2017 00:00

(TN&MT) – Những căn nhà không người, lạnh lẻo cỏ mọc um tùm, là cảnh tượng hoang tàn tại khu định canh định cư làng Tung, làng Gút, xã Krong, huyện Kbang,...

 

(TN&MT) – Những căn nhà không người, lạnh lẻo cỏ mọc um tùm, là cảnh tượng hoang tàn tại khu định canh định cư làng Tung, làng Gút, xã Krong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.

 Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do khi thực hiện định canh, định cư không gắn với nhu cầu kiếm sống của người dân. Có nhà ở, có đường, điện, trường, trạm nhưng cái để người dân sinh sống hàng ngày là đất sản xuất lại bố trí nơi sườn dốc cằn cỗi không thể sản xuất. Không nghề kiếm kế sinh nhai nên người dân đã bỏ làng định canh định cư với nhà xây kiên cố để trở lại làng cũ gần rừng dựng nhà tạm kiếm ăn qua ngày.

Khu định cư làng Tung, làng Gút với nhà xây kiên cố nhưng người dân đã bỏ đi vào rừng sống.
Khu định cư làng Tung, làng Gút với nhà xây kiên cố nhưng người dân đã bỏ đi vào rừng sống.

Bỏ nhà định cư về rừng sống

Cách trung tâm huyện Kbang, tỉnh Gia Lai 30km, là khu định canh định cư làng Tung và Làng Gút, xã Krong, huyện Kbang thuộc chương trình định canh định cư cho đồng bào DTTS giai đoạn 2007-2010. Khu định cư được xây dựng khá khang trang với nhà xây kiên cố, mái lợp tôn dọc hai bên đường bê tông thẳng tắp. Thế nhưng, khi đến làng mới thấy cảnh đìu hiu, hoang tàn không người ở. Những căn nhà trong làng đều đóng kín cửa, thấp thoáng chỉ có vài con gà, con chó luẩn quẩn đi kiếm ăn. Hy hữu có một vài nhà mở cửa cũng chẳng thấy người chỉ có vài bộ quần áo đã cũ, nát lâu ngày treo bên bếp đã tắt lửa từ lâu không nấu nướng.

Tìm hiểu thực tế được biết, dân hai làng Tung và làng Gút đã bỏ khu định canh định cư để về lại làng cũ trong rừng sâu sinh sống. Làng cũ cách làng định canh, định cư khoảng 10km. Nhưng để đến được làng cũ, phải đi qua những con đường đất với vô vàn khó khăn trèo đèo lội suối. Tại làng Gút, làng Tung cũ là những căn nhà tạm, nhà cũ nát của các gia đình bỏ nhà định cư vào ở. Cuộc sống dường như cô lập với xã hội bên ngoài, mọi thứ đều thiếu, không đường, không điện, không nước sạch, không trường, không y tế. Khi thấy người lạ vào làng, lũ trẻ người Bana chạy toán loạn, nấp sau những bụi cây ngó nghiêng sợ sệt. Những người già thì lấp ló sau khe cửa tò mò, chú ý xem người lạ  làm gì trong làng của họ.

Khu định cư làng Tung, làng Gút với nhà xây kiên cố nhưng người dân đã bỏ đi vào rừng sống.
Khu định cư làng Tung, làng Gút với nhà xây kiên cố nhưng người dân đã bỏ đi vào rừng sống.

Thăm nhà anh A Nhớp và vợ là A Bom (Làng Gút), nhà A Nhớp có 4 người đang tay không bốc cơm ăn cùng những con cá bắt được dưới suối. Thấy chúng tôi vào, các thành viên trong gia đình rất lạ lẫm và xen chút lo sợ. Nói không rõ tiếng Việt anh A Nhớp bập bẹ: “Sẵn ở đây có đất của ông, cha để lại bằng phẳng gần nước nên mới trồng được cây lúa tốt, nuôi được con bò nó mới lớn… Chứ ở làng mới đất dốc lắm, trồng cây không lên được, không có gạo để ăn…đói lắm…”

Ông Đinh Blứ (Bí thư chi bộ làng Gút) cho biết: “Làng Gút có hơn 75 hộ. Người dân nơi đây quen lối sống du canh, du cư trên những triền núi để khai hoang trồng trọt. Được vài năm, khi đất đã bạc màu lại tìm chỗ khác để khai hoang trồng lúa, ngô. Vẫn biết sống tại làng cũ, xa trung tâm đời sống vất vả, không điện, không nước sạch, không dùng tiếng Việt, không y tế, không đường giao thông. Vì sống trong rừng nên trẻ con và người lớn cũng hay bị sốt sét, có người mắc bệnh nặng mà không ra kịp trạm xá đã chết trên đường đi. Mùa mưa lũ, ngôi làng bị cô lập hoàn toàn, không có ai ra vào làng được hết… Cuộc sống cô lập với xã hội bên ngoài nên ban ngày thì mọi người đi trồng cây lúa rẫy, trồng cây sắn, ngô chiều đến lại uống rượu cho đến “Sbai” (say rượu) mới nghỉ…tuy có cái ăn nhưng cuộc sống vô cùng khó khăn”.

Hộ anh A Nhớp đang dùng bữa cơm đạm bạc qua ngày.
Hộ anh A Nhớp đang dùng bữa cơm đạm bạc qua ngày.

Ông Đinh Blứ cho biết thêm: “Sở dĩ dân làng trở lại làng cũ sống vì đất sản xuất tại khu định canh rất dốc, sỏi đá, cằn cỗi, mỗi hộ được vài sào nhưng trồng cây gì cũng không lên nổi, chỉ nuôi được vài con gà, con heo… không thể trụ lại ở làng định canh, định cư nên người dân mới trở lại làng cũ trồng lúa, trồng sắn, ngô nuôi sống gia đình…”

Còn anh Đinh Phước (làng Tung) ngán ngẩm nói: “Nhà nước cấp nhà, cấp đất để cho bà con định cư, định canh nhưng đất trồng hạt ngô, hạt lúa không lên thì dân làm sao sống được. Ở làng cũ thì trồng cây lúa, cây ngô nó mới lên để no cái bụng. Những đứa trẻ làng Tung, làng Gút cũng theo bố mẹ vào rừng sâu để làm rẫy. Do xa trường, đường sá đi lại khó khăn nên chúng nó cũng không muốn đi học nữa…".

Cuộc sống thiếu thốn của người dân làng Tung, làng Gút trong rừng sâu.
Cuộc sống thiếu thốn của người dân làng Tung, làng Gút trong rừng sâu.

Cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám?

Hai làng Tung và làng Gút được hình thành theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS giai đoạn 2007-2010. Dự án có tổng mức đầu tư là 13,86 tỷ đồng xây dựng 149 căn nhà kiên cố (kiểu nhà sàn), 2 nhà sinh hoạt cộng đồng, 4 phòng  học (2 lớp mẫu giáo, 2 lớp tiểu học), 8 bến nước tự chảy, 1 cầu tràn, hơn 2 km đường bê tông, 1 đường điện thắp sáng. Đồng thời cấp cho 2 làng khoảng 50 ha đất sản xuất để bà con canh tác, trồng trọt ổn định đời sống.

Thế nhưng chỉ sau vài năm sinh sống tại khu định canh, định cư người dân làng Tung, làng Gút đời sống vô cùng khó khăn, “cái đói, cái nghèo” cứ đeo bám mãi. Nguyên nhân là đất sản xuất đã không mang lại hiệu quả, trồng lúa không được, trồng cây sắn, cây ngô cũng không lên. Thống kê năm 2016, làng Tung có 69 hộ, có đến 53 hộ nghèo, chiếm 76,8%; làng Gút 84 hộ, có 69 hộ nghèo chiếm 82,1%. Chính vì không thể sản xuất trên đất định canh nên người dân cũng bỏ làng định cư về với làng cũ để canh tác kiếm sống.

Những đứa trẻ dường như không dịch vụ y tế, tiêm phòng, không được đến trường.
Những đứa trẻ dường như không dịch vụ y tế, tiêm phòng, không được đến trường.

Ông Hỏa Văn Cường - Phó Chủ tịch xã Krong chia sẻ: “Từ đầu năm 2011, bà con dân làng Tung, làng Gút được vận động về nơi ở mới có đầy đủ các cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt. Nhưng việc cấp 50ha đất định canh lại ở khu vực đồi núi và độ dốc lớn nên bà con rất khó canh tác. Cuộc sống khó khăn nên họ lại quay về làng cũ để sinh sống. Tình trạng này đang gây khó khăn cho chính quyền trong việc quản lý, cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục cho con em đồng bào... Vào năm học mới, chính quyền đã kết hợp với nhà trường vào làng cũ vận động các em tới trường nhưng chỉ vài hôm các em lại vắng dần. Trạm Y tế xã cũng phải thường xuyên vào làng cũ phát thuốc cho bà con… Về hướng xử lý đất tái định canh, UBND xã đang đề xuất phương án để bà con trồng keo lai (trồng rừng) trên diện tích đất đồi núi đó” song vấn đề là đất sản xuất cây lương thực để người dân sinh sống đang là vấn đề khó khăn hiện nay. Vấn đề này, xã cũng đã đề xuất với UBND huyện Kbang cần xem xét bố trí phù hợp.

Còn bà con làng Tung, làng Gút chỉ có một nguyện vọng là về làng định cư sinh sống để con em được đến trường, được chữa bệnh, có điện để sinh hoạt nhưng phải có đất trồng lúa lên được, trồng cây ngô, cây sắn hoa màu để “no cái bụng”. No bụng rồi mới nghĩ đến chuyện phát triển kinh tế nâng cao đời sống. chứ ở trong rừng sống “du canh, du cư”, cuộc sống vất vả con em mù chữ thì không biết đến bao giờ mới phát triển được./.

Đình Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Hoang tàn làng định canh, định cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO