Gia Lai: Hồ tiêu đột ngột rớt giá bất thường

13/03/2017 00:00

(TN&MT) - Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng sau Tết nguyên đán, giá hồ tiêu ở Gia Lai đột ngột rớt thê thảm trong khi đang vào mùa thu hoạch đại trà khiến người trồng hồ tiêu ở tỉnh Gia Lai điêu đứng.

Được mùa nhưng nông dân điêu đứng vì giá hồ tiêu đột ngột rớt thảm hại
Được mùa nhưng nông dân điêu đứng vì giá hồ tiêu đột ngột rớt thảm hại

Chúng tôi có mặt tại vườn hồ tiêu gần 3ha của ông Lê Hùng Huấn thôn An Điền, xã Iablang, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) với gần 4.000 hốc tiêu xanh mướt trĩu hạt đang vào mùa thu hoạch. Ông Huấn cho biết, vụ này tiêu ở Gia Lai được mùa, trung bình thu hoạch khoảng hơn 3kg/1 hốc tiêu, nếu giá tiêu tốt như hồi trước Tết nguyên đán là 200.000đ/1kg thì trúng lớn, nhưng không hiểu sao chỉ trong thời gian ngắn tiêu lại bị rớt giá thê thảm, hiện nay thương lái thu mua chỉ có 94.000đ/1kg nhưng họ cũng không mặn mà với tiêu của Gia Lai, trong khi đó, đến mùa thì mình phải thu hoạch để còn kịp sản xuất vụ sau. Cuối năm ngoái thấy giá tiêu lên cao, tôi đã vay thêm hơn 3 tỷ đồng để đầu tư mở rộng vườn tiêu, giờ giá tiêu thế này chưa biết phải tính sao, cũng may tôi còn mấy héc ta cao su đang thu hoạch để lấy ngắn nuôi dài, nhưng nếu giá tiêu cứ như hiện nay về lâu dài là không ổn.  

Ông Nguyễn Văn Thống tại xã Iablang đang thuê 6 công nhân thu hoạch tiêu đã mấy ngày nay, tiêu đang chất đống trong sân. Hơn 2 ha hồ tiêu của ông Thống vụ này được mùa, nhưng mặt ông thì cứ buồn rười rượi. Ông phân tích cho chúng tôi: 1 hốc tiêu đầu tư chăm sóc trong một vụ đến khi thu hoạch chi phí hết 200 ngàn đồng, công hái tiêu 150 ngàn đồng/1 người/ngày nữa, nếu được mùa như vụ này thì khoảng 3kg/1 hốc nhưng với giá  94 ngàn đồng/1kg như hiện nay thì vẫn không đủ chi phí đầu tư. “Trồng hồ tiêu như đánh bạc ấy mà”- ông Thống tỏ ra chán nản.

Hồ tiêu là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao so với các loại cây trồng khác, nên diện tích trồng hồ tiêu trên địa bàn Gia Lai không ngừng được mở rộng trong những năm gần đây. Theo tổng hợp của cơ quan chuyên môn của tỉnh Gia Lai thì, tổng diện tích hồ tiêu toàn tỉnh hiện nay đã trên 14.000 ha và là một trong những tỉnh có diện tích trồng hồ tiêu lớn nhất Tây Nguyên. Tuy nhiên điệp khúc “ Được mùa mất giá” như một vòng luổn quẩn cứ đeo đẳng, khiến người trồng hồ tiêu ở tỉnh Gia Lai chưa bao giờ hết lo lắng. Số tiền bỏ ra đầu tư là không hề nhỏ, chưa kể nếu dịch bệnh, tiêu có thể chết hàng loạt như những năm trước thì coi như mất trắng. 

Diện tích trồng hồ tiêu ở Gia Lai không ngừng tăng lên trong những năm gần đây
Diện tích trồng hồ tiêu ở Gia Lai không ngừng tăng lên trong những năm gần đây

Một điều bất thường là chỉ có giá tiêu của Gia Lai là giảm mạnh, các vùng khác như: Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng hồ tiêu có giảm nhưng không giảm mạnh như tiêu Gia Lai. Theo lời của một thương lái ở tỉnh Đắk Lắk thì ngoài nguyên nhân do giá thị trường biến động, một số thị trường như Singapore và Dubai sụp đổ, thì một nguyên nhân khiến giá tiêu của Gia Lai rớt giá thê thảm là do hồ tiêu bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Tuy nhiên các hộ trồng tiêu ở Gia Lai thì lại cho rằng, không phải do họ sử dụng quá liều lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), mà là do thương lái khi thu mua trữ trong kho, muốn cho tiêu đẹp, bắt mắt, không bị ẩm mốc đã sử dụng hóa chất để bảo quản tiêu, tuy nhiên các thương lái phản bác điều này.

Trong thời gian qua, đã có nhiều lô hàng bị các thị trường khó tính trả lại bởi phát hiện nhiễm dư lượng Carbendazim, mà việc nhiễm dư lượng chất này vẫn chưa biết từ đâu. Các hộ nông dân thắc mắc là họ phun thuốc BVTV trên tiêu lần cuối cùng là 8 tháng trước rồi mới thu hoạch và sau 2 tháng lô tiêu có nguồn gốc từ vườn tiêu của họ mới được xuất khẩu, thế nhưng khi cơ quan chức năng nước ngoài lấy mẫu kiểm tra vẫn phát hiện dư lượng Carbendazim gấp 10 lần cho phép.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là khi mà nông dân trồng tiêu đã tuân thủ nghiêm túc việc sử dụng thuốc BVTV, sản xuất bền vững, an toàn, thì dư lượng Carbendazim ở trong tiêu bắt nguồn từ đâu? Từ trong đất, trong nguồn nước hay từ một nguyên nhân nào khác. Các cơ quan chức năng, các nhà khoa học cần vào cuộc để tìm ra nguyên nhân thực sự gây ra tồn dư Carbendazim trong hồ tiêu khiến giá hồ tiêu của Gia Lai bị rớt thê thảm như hiện nay.

                                                                          Dương Bùi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Hồ tiêu đột ngột rớt giá bất thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO