Gia Lai hiệu quả từ các công trình thủy lợi

Bài và ảnh: Quế Mai| 11/06/2020 10:37

(TN&MT) - Việc đưa các công trình thủy lợi, dù lớn hay nhỏ trên địa bàn tỉnh Gia Lai vào hoạt động là nhu cầu bức thiết để “giải cơn khát” cho đồng ruộng, góp phần làm tăng năng suất cây trồng và nguồn thu nhập cho nông dân, đặc biệt là vào mùa khô.

Tăng năng suất cây trồng

Huyện Krông Pa hay vẫn thường được gọi là vùng “chảo lửa” của tỉnh Gia Lai, vì nơi đây quanh năm có mức nhiệt độ cao hơn hẳn các địa phương khác của tỉnh. Vào mùa khô, bà con nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn nước tưới tiêu. Năm 2004, huyện Krông Pa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đầu tư hơn 700 tỷ đồng xây dựng hồ chứa nước Ia M’la (xã Ia Mlah và xã Đất Bằng, huyện Krông Pa).

anh-1.-nguoi-dan-lang-siu.jpg
Người dân làng Siu (huyện Chư Prông) phấn khởi thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2019 - 2020

Công trình hoàn thành và đi vào sử dụng từ năm 2011 đến nay. Cùng với hệ thống kênh mương dài 173 km được đầu tư với kinh phí hơn 100 tỉ đồng, hiện nay công trình thủy lợi Ia M’la đang cung cấp nước tưới cho gần 3.000 ha cây trồng trên địa bàn huyện Krông Pa (so với công suất thiết kế là hơn 5.000 ha cây trồng).

Ông Lê Kim Ánh (buôn Chính Hòa, xã Ia Mlah, huyện Krông Pa) cho hay, gia đình ông có 3 sào lúa trồng vụ Đông Xuân 2019 - 2020 tại cánh đồng của xã. Trước đây, khi chưa có công trình thủy lợi Ia M’la, toàn bộ cánh đồng này không thể canh tác vào mùa khô, bởi không có nước tưới. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, ông và các hộ gia đình khác đều yên tâm sản xuất được hai vụ. Thậm chí, nếu tận dụng tốt, bà con hoàn toàn có thể canh tác được ba vụ thay vì một vụ như trước đây.

“Từ khi có công trình thủy lợi, trong ruộng lúc nào cũng có nước, bất kể là mùa mưa hay mùa khô. Nhờ có nước, đồng ruộng được canh tác quanh năm nên thu nhập cũng tăng gấp đôi so với trước kia. Không riêng gì tôi mà bà con nông dân ở đây ai cũng vui mừng”, ông Lê Kim Ánh chia sẻ.

Theo ông Đinh Xuân Duyên - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Krông Pa, từ khi công trình thủy lợi Ia M’la đi vào hoạt động, các diện tích trước đây làm rau màu cho năng suất kém được bà con chuyển sang trồng lúa nước, làm được 2 vụ mỗi năm, góp phần đảm bảo lương thực cho huyện.

“Ngoài ra, các cây trồng như mía, sắn nhờ lượng nước tưới này nên năng suất cao hơn, nông dân chủ động hơn trong khâu sản xuất, chăm sóc cũng như thu hoạch. Rõ ràng, ngoài việc cải thiện kỹ thuật canh tác, thì thủy lợi chính là yếu tố quyết định để nâng cao sản lượng và giá trị nông nghiệp cho bà con nông dân”, ông Duyên phân tích.

anh-2.-muong-nuoc-noi-dong.jpg
Mương nước nội đồng được khơi thông để phục vụ nước cho sản xuất lúa mùa hạn 2020

Không còn cảnh “đồng khô khát”

Cánh đồng lúa rộng 40ha của hai làng Siu và O Ngol (xã Ia Vê, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vụ Đông Xuân năm 2019 - 2020 phủ một màu xanh khác hẳn với các năm trước. Ngay từ đầu vụ, chính quyền xã Ia Vê đã phối hợp với các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn vận động bà con nhân dân đắp đập, chặn dòng suối HLốp để giữ nguồn nước.

Đồng thời, tiến hành nạo vét 2km kênh mương, dẫn nước về cánh đồng của làng Siu và O Ngol để bà con có nước canh tác lúa vụ Đông Xuân. Anh Siu Huỳnh (làng O Ngol, xã Ia Vê) nhớ lại, trước đây, vì không có nước nên bà con chỉ canh tác được một vụ vào mùa mưa. Còn vụ Đông Xuân, năng xuất thấp, thậm chí là mất trắng vì ruộng không có nước. Nhiều hộ gia đình trong làng rơi vào cảnh thiếu ăn.

Ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) cho biết: “Huyện tập trung chỉ đạo rà soát lại tất cả các cánh đồng trên địa bàn huyện và những công trình thủy lợi, nhất là các công trình thủy lợi nhỏ và hệ thống kênh mương. Nếu công trình nào xuống cấp, hư hỏng thì phải báo cáo để tiến hành sửa chữa kịp thời, những kênh mương nào chưa được nạo vét thì huy động các đơn vị quân đội cùng với bà con để tiến hành nạo để dẫn nước vào cho bà con sản xuất”.

Cũng theo ông Đinh Văn Dũng, huyện Chư Prông cũng đã quy hoạch phát triển cánh đồng làng Siu và O Ngol lên diện tích 60ha nên sẽ tiếp tục bố trí các nguồn lực để mở rộng hệ thống thủy lợi. “Đảm bảo an ninh lương thực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng và muốn làm được điều này thì công tác thủy lợi phải đặt lên hàng đầu”, ông Dũng nói thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai hiệu quả từ các công trình thủy lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO