Gia Lai: Dịch sốt rét tăng cao

07/07/2015 00:00

(TN&MT) – Theo thống kê từ Trung tâm phòng, chống sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng (PCSR - KST - CT) tỉnh Gia Lai, trong 5 tháng đầu năm 2015, số bệnh...

 

(TN&MT) – Theo thống kê từ Trung tâm phòng, chống sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng (PCSR - KST - CT) tỉnh Gia Lai, trong 5 tháng đầu năm 2015, số bệnh nhân bị sốt rét trên địa bàn tỉnh tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm 2014. Mặc dù, ngành y tế địa phương đã có nhiều giải pháp để giảm số ca nhiễm bệnh nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến dai dẳng và không ổn định.

Tăng hơn 100% số ca so với cùng kỳ 2014

Gia Lai là tỉnh miền núi có điều kiện nhiệt độ, độ ẩm và lượng mưa rất thuận lợi cho dịch bệnh sốt rét phát triển. Đặc biệt, khi mùa mưa đến gần khiến số ca nhiễm bệnh có chiều hướng gia tăng mạnh. Số liệu thống kê từ Trung tâm PCSR - KST - CT tỉnh Gia Lai cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có 1.362 bệnh nhân mắc sốt rét, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014 (593 bệnh nhân). Tập trung nhiều ở các huyện như Krông Pa, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa, Phú Thiện… Trong đó, phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số vì duy trì nếp sống ăn rừng ngủ rẫy. Rất may là chưa có trường hợp tử vong vì sốt rét hay xảy ra dịch bệnh.

Anh Võ Văn Trầm (trú tại tổ 7, phường Đống Đa, TP. Pleiku) là bệnh nhân sốt rét đang được điều trị tại Bệnh viên đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết, anh mắc sốt rét khi vào rừng Campuchia làm gỗ. “Trong rừng muỗi rất nhiều, nhất là ban đêm. Mặc dù ngủ có màn nhưng vẫn bị muỗi chích nhiều. Biểu hiện khi mắc bệnh là người rệu rã, mỏi mệt, lúc nóng lúc lạnh thất thường. Sau tôi còn có thêm 3 người khác cũng bị mắc bệnh phải rời khỏi rừng”, anh Trầm nói.

Thời tiết diễn biến phức tạp đã tạo điều kiện cho muỗi sốt rét phát triển và bệnh sốt rét lan truyền; các công trình thủy điện, khai hoang trồng rừng, làm đường dẫn đến sự biến động dân di cư khó kiểm soát; dân địa phương đi rừng ngủ rẫy, qua lại biên giới làm rẫy thiếu biện pháp bảo vệ thích hợp. Quan trọng nhất là do ý thức tự bảo vệ của người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành còn nhiều hạn chế, tỷ lệ ngủ màn chưa cao (<80%), đặc biệt tại nhà rẫy hầu như người dân ít ngủ màn do diện tích nhà rẫy quá hẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự lan truyền bệnh sốt rét.

Trong khi đó, nhận thức của người dân về bệnh sốt rét và thực hành phòng chống sốt rét còn hạn chế. Việc kiểm soát nguồn bệnh ở người dân chưa thực hiện được, chưa chủ động phát hiện nguồn bệnh trong cộng đồng. Ngay cả bản thân người bị sốt rét cũng không uống thuốc đủ liều, làm gia tăng nguồn bệnh… Đặc biệt, có hiện tượng kí sinh trùng sốt rét bị nhờn thuốc, không phản ứng với thuốc dẫn đến hiệu quả chữa trị không đạt hiệu quả.

Nhiều giải pháp, nhiều khó khăn

Trước tình trạng số bệnh nhân sốt rét trên địa bàn tỉnh gia tăng mạnh trong năm nay, ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống sốt rét để ngăn chặn và giảm tối đa số ca mắc bệnh. Theo đó, Trung tâm PCSR - KST – CT tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Trung tâm y tế các huyện xây dựng kế hoạch phòng chống sốt rét, phân bổ kinh phí, vật tư, hóa chất, thuốc sốt rét xuống các cơ sở y tế tuyến huyện, xã.

Đồng thời tiến hành tẩm hóa chất vào màn ở các vùng sốt rét, điểm sốt rét. Tiến hành cấp phát màn đã tẩm hóa, màn võng, bọc võng cho người dân vùng sốt rét lưu hành, người thường xuyên đi rừng ngủ rẫy tại các huyện có tỷ lệ người mắc sốt rét cao. Chuẩn bị phun tồn lưu nhà ở bằng hóa chất bảo vệ, phun hóa chất diệt muỗi tại nhà rẫy cho người dân ở các xã, thôn trọng điểm.

Song song với đó là tổ chức tập huấn phòng chống sốt rét cho các nhân viên y tế. Tổ chức các đội cơ động để giám sát nguồn bệnh và ngăn chặn kịp thời. Tăng cường tuyên truyền đến người dân, nhóm di dân về việc sử dụng màn võng tẩm hóa chất để hạn chế sốt rét. Khi phát hiện sốt rét phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.

Với nhiều biện pháp phát hiện và ngăn chặn phòng chống sốt rét, số lượng bệnh nhân mắc sốt rét trên địa bàn tỉnh đã giảm trên 70% theo từng tháng từ tháng 1 đến tháng 5/2015.. Ông Phan Gia Công – Giám đốc Trung tâm PCSR - KST – CT tỉnh Gia Lai nhận định: “Bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn biến rất phức tạp và dai dẳng, đòi hỏi các cán bộ y tế phải thường xuyên theo dõi, phát hiện và tuyên truyền người dân chủ động phòng tránh. Tuy nhiên, bệnh thường xảy ra ở nhóm di dân, vùng giao lưu biên giới nên rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, hiện tượng muỗi kháng hóa chất, sốt rét kháng thuốc cũng là khó khăn lớn cho ngành y tế trong việc điều trị sốt rét”.

“Trong chiến dịch phòng chống sốt rét, tỉnh Gia Lai đã được đầu tư theo chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống sốt rét với kinh phí 1.029.000.000 đồng. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai thực hiện 2 dự án lớn là dự án QTC PCSR và dự án Rai bằng các hoạt động giám sát, truyền thông, cấp màn, text chuẩn đoán nhanh, lam máu… Sự phối hợp giữa ngành y tế tỉnh Gia Lai và Viện SR KST-CT trung ương, Viện SR KST-CT Quy Nhơn đã góp phần rất lớn trong việc hạ thấp tỷ lệ mắc sốt rét của tỉnh”, ông Công nói thêm.

Bài & ảnh: Quế Mai

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Dịch sốt rét tăng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO