Gia Lai: Đẩy nhanh công tác trồng rừng thay thế

08/06/2016 00:00

  (TN&MT) – Trồng rừng thay thế góp phần làm tăng độ che phủ của rừng, giảm tác động của biến đổi khí hậu và tạo sinh kế cho người dân. Tuy nhiên...

 

(TN&MT) – Trồng rừng thay thế góp phần làm tăng độ che phủ của rừng, giảm tác động của biến đổi khí hậu và tạo sinh kế cho người dân. Tuy nhiên đầu năm 2016, Gia Lai lại bị đánh giá là 1 trong 12 tỉnh chậm triển khai trồng rừng thay thế. Nguyên nhân là do việc nhận thức chưa đầy đủ của chủ dự án phải trồng rừng thay thế và công tác kiểm tra, giám sát của ngành chức năng , chính quyền địa phương còn thiếu kiên quyết.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai, tổng diện tích trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh theo Thông tư số 24/TT-BNN&PTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT là 4.476,8 ha. Đây là diện tích chuyển đổi đất rừng sang làm thủy điện, khai thác khoáng sản, hay các dự án sử dụng mục đích công cộng (lòng hồ, kênh mương, trạm xá, trường học…)  Trong năm 2015, năm đầu tiên thực hiện việc trồng rừng thay thế, tỉnh Gia Lai phải trồng 1.045,49 ha. Trong đó, các chủ dự án tự tổ chức trồng 359,17 ha và diện tích do các đơn vị chủ rừng, UBND huyện trồng từ nguồn tiền trồng rừng thay thế các dự án nộp vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh là 686,32ha.

Việc kiểm tra quy trình trồng rừng và đánh giá chất lượng rừng trồng của các dự án có diện tích trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được tiến hành thường xuyên. Tất cả các chủ dự án sau khi hoàn thành công tác trồng rừng trên diện tích đã được tỉnh phê duyệt, đều được ngành chức năng tổ chức nghiệm thu sau 4 năm trồng và chăm sóc. Sau đó mới giao lại cho chính quyền địa phương hoặc các chủ rừng quản lý, bảo vệ.

Ông Nguyễn Hồng Lâm – Trưởng phòng sử dụng, phát triển rừng – Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết: Theo kế hoạch năm 2015, thực tế triển khai trồng được 944,215 ha, đạt 90,3% kế hoạch. Còn 101,28 ha đất chuyển mục đích sử dụng sang làm thủy điện (gồm Thủy điện Tây Nguyên 48,78 ha và Thủy điện Đăk Ble 58,5 ha) chưa được trồng rừng thay thế và sẽ tiếp tục trồng trong năm 2016. Ngoài ra, vẫn còn 22 dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn chưa thực hiện trồng rừng thay thế, với diện tích 139,50 ha.

Kế hoạch năm 2016, toàn tỉnh có 1053 ha đất rừng chuyển đổi sử dụng sang mục đích khác phải trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có diện tích nào được trồng. “Nguyên nhân là do: Các chủ dự án không nghiêm túc thực hiện vì đã được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trước ngày Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT, quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác có hiệu lực nên các chủ dự án có lý do chây ì, chậm trễ trong tiến hành trồng rừng thay thế; Nguồn vốn thuộc ngân sách thực hiện cho các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng hiện tại vẫn chưa có gây khó khăn cho việc triển khai trồng rừng theo kế hoạch”, ông Nguyễn Hồng Lâm giải thích.

Bên cạnh đó, nhiều dự án khai thác khoáng sản chưa tuân thủ nghiêm túc việc trồng rừng phục hồi môi trường sau khi khai thác khoáng sản, chưa thực hiện theo hướng dẫn về trình tự, thủ tục lập hồ sơ thiết kế trồng, chăm sóc, nghiệm thu và bàn giao rừng sau khi khai thác khoáng sản, nên việc kiểm tra thực hiện trồng rừng thay thế gặp nhiều khó khăn. Qua đó, có thể thấy việc giám sát, xử lý các dự án chây ì trồng rừng thay thế của ngành chức năng địa phương vẫn còn chưa quyết liệt và hiệu quả, nên nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện tốt nghĩa vụ trồng rừng thay thế.

Rõ ràng, trồng rừng thay thế không những bù đắp lại diện tích rừng đã chuyển đổi sang mục đích khác, làm tăng độ che phủ của rừng, góp phần cải thiện môi trường sống, giảm tác hại của biến đổi khí hậu, mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân, trong đó chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng thay thế là việc làm cần thiết, mang lại nhiều lợi ích. Ngành chức năng và chính quyền địa phương của tỉnh cần phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến lợi ích mà rừng mang lại để nâng cao nhận thức bảo vệ, trồng rừng thay thế cho người dân và các doanh nghiệp sử dụng đất rừng.

Quế Mai

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Đẩy nhanh công tác trồng rừng thay thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO