Gia Lai: Bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế còn nhiều bất cập

19/07/2017 00:00

(TN&MT) – Cuối tháng 7/2017, trước thực tế còn nhiều tồn tại, bất cập trong công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải y tế nguy hại, chất thải y tế trên địa bàn, tỉnh Gia Lai đã có động thái chỉ đạo các Sở, ngành liên quan khắc phục, tăng cường bổ sung kinh phí, đẩy nhanh các hạng mục công trình môi trường, hoàn thiện sớm một số hạng mục đưa vào hoạt động ngay. Đồng thời, nâng cấp hệ thống các lò đốt rác thải y tế, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh, tăng cường kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các cơ sở y tế tư nhân thực hiện nghiêm các hoạt động về môi trường…

Bệnh viện Plieku, tỉnh Gia Lai.
Bệnh viện Plieku, tỉnh Gia Lai.

Ghi nhận của phóng viên Báo TN&MT tại Bệnh viện đa khoa TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Đây là một Bệnh viện nằm giữa trung tâm TP Pleiku nên lượng người dân đến khám chữa bệnh đông đúc. Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra liên ngành (Công an tỉnh, Sở TN&MT, Sở Y tế), lượng rác thải rắn được tập kết lộn xộn không có kho lưu trữ, lò đốt lại nằm sát khu dân cư, thậm chí chỉ nằm cách nhà dân một bức tường (theo quy định là phải cách khu dân cư tối thiểu là 100m).

Ông  Nguyễn Thế Hoàng (người dân sinh sống sát lò đốt rác thải - số nhà 113 – Tăng Bạt Hổ, TP Pleiku), bức xúc: “Người dân phản ánh về lò đốt rác này đã kéo dài nhiều năm nhưng vẫn không được xử lý. Cứ mỗi khi Bệnh viện đốt rác thì mùi hôi thối, khói đen phát tán, cuộn thẳng vào khu dân cư khiến khi thở rất tức ngực, mùi hôi xú uế sộc lên không ai chịu nổi. Đề nghị phải cho di dời lò đốt này nếu không người dân chúng tôi không thể sống được, nhất là người già và trẻ nhỏ…”.

Theo ông Lê Thiện Thanh – Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa TP Pleiku, năm 2010, lò đốt này được tài trợ bởi nguồn vốn ODA, giá trị 2,7 tỷ đồng , công suất đốt theo thiết kế là 20kg rác/giờ. Lịch đốt quy định là 3 buổi/tuần. Đến nay, Bệnh viện đã 3 lần nâng cấp sửa chữa lò đốt và thay thế ống khói hàn nối cao lên 20m để giảm khói cuộn vào nhà dân. Tuy nhiên, mỗi khi đốt thì tình trạng phát tán mùi hôi là khó tránh khỏi (do lò nằm sát khu dân cư đông đúc). Hơn nữa, rác thải rắn vì Bệnh viện chưa có nhà lưu trữ nên vấn đề phát tán mùi hôi ra xung quanh là không tránh được. Vì thế, người dân phản ứng rất nhiều.

"Bênh viện đã xin ý kiến của cấp trên nhưng không được cấp kinh phí nên đành chịu... Theo tôi cần nhanh chóng chuyển lò đốt của Bệnh viện đi nơi khác càng sớm càng tốt, đã đến lúc cần thiết phải xây dựng phương án đốt rác theo cụm", ông Lê Thiện Thanh nói.

Trước thực trạng trên, cuối tháng 7/2017, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản số 2589/UBND-CNXD chỉ đạo việc chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường đối với một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, nội dung văn bản này rất chung chung, không sát tình hình thực tế.

Ông Nguyễn Bá Lý – Trưởng phòng Tổ chức hành chính Bệnh viện đa khoa TP Pleiku thắc mắc: “Tại văn bản này, UBND tỉnh chỉ đạo Bệnh viện TP Pleiku phải nâng cấp hệ thống lò đốt rác thải y tế hoặc hợp đồng với Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai để xử lý theo đúng quy định, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Tuy nhiên, theo kiến nghị của người dân là phải di dời lò đốt rác này từ lâu nhưng vẫn chưa được giải quyết. Hơn nữa, nếu ký hợp đồng với Bệnh viện đa khoa tỉnh để xử lý rác thải y tế thì ai là người vận chuyển rác thải nguy hại loại này. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai chưa có một doanh nghiệp nào được cấp phép để vận chuyển rác thải y tế (đạt tiêu chuẩn cho phép). Nếu không có đơn vị vận chuyển thì không thể đem rác đi đốt ở nơi khác (phải có xe ô tô chuyên dụng). Tôi cũng đã đi dự nhiều cuộc họp và phát biểu nhiều ý kiến về vấn đề di dời lò đốt nhưng nguồn kinh phí đầu tư cho việc xử lý môi trường vẫn không được đầu tư.”

Lò đốt rác thải y tế của Bệnh viện đa khoa TP Pleiku sát bức tường khu dân cư đông đúc
Lò đốt rác thải y tế của Bệnh viện đa khoa TP Pleiku sát bức tường khu dân cư đông đúc

Cũng theo thống kê của cơ quan chức năng, tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Gia Lai (nằm trên đường Phan Đình Phùng – TP Pleiku) thì lượng rác thải y tế rất nhiều nhưng việc xử lý đang gặp nhiều vấn đề tương tự Bệnh viện đa khoa TP Pleiku. Còn tại Bệnh viện Hoàng Anh – Gia Lai (một bệnh viện tư nhân) thì sau khi đi vào hoạt động gần 10 năm nay, lò đốt chất thải rắn lúc đầu thì rất hoành tráng, khi đi vào vận hành được vài năm thì lò bị nổ. Nay Bệnh viện này phải ký hợp đồng với một doanh nghiệp (của tỉnh Bình Định) vận chuyển rác thải xuống TP Quy Nhơn để xử lý. Tuy nhiên, theo quan ngại của một số chuyên gia ngành y tế thì: Khi vận chuyển thì có xe chuyên dụng chở rác thải y tế đi, nhưng có đưa đi đốt, xử lý ở đâu, hay chôn lấp chỗ nào… thì chưa có cơ quan nào kiểm soát chặt chẽ vấn đề này?!

Theo thống kê, báo cáo kết quả kiểm tra của Công an tỉnh Gia Lai đối với 11 bệnh viện, trung tâm y tế và 18 cơ sở y tế tư nhân cho thấy, đến nay còn 7/11 cơ sở y tế chưa khác phục tồn tại, trong đó có 2 cơ sở y tế không có đề án bảo vệ môi trường (Trung tâm y tế Chư Pah và Chư Pưh) nhưng vẫn hoạt động bình thường; 04 cơ sở chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế hoặc đã xây dựng nhưng thải trực tiếp vào hầm rút, không qua hệ thống xử lý nước thải (Trung tâm y tế huyện Chư Pah, Chư Sê, Chư Prông và Chư Pưh); 01 cơ sở chưa xây dựng kho lưu trữ chất thải nguy hại và không xử lý chất thải rắn theo đúng quy định, không đốt trong lò đốt (Trung tâm y tế Chư Pưh). Còn đối với các cơ sở tư nhân thì qua kết quả phân tích chất lượng nước thải y tế của các cơ sở không đủ chỉ tiêu theo QCVN 28:2010/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế.

Lò đốt rác thải y tế của Bệnh viện đa khoa TP Pleiku sát bức tường khu dân cư đông đúc.
Lò đốt rác thải y tế của Bệnh viện đa khoa TP Pleiku sát bức tường khu dân cư đông đúc.

Nhìn chung, thời gian qua các bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều cố gắng khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại mà nguyên nhân là do một số cơ sở y tế chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế, hoặc đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ vì thiếu kinh phí nên mang tính đối phó. Thêm vào đó, đa số các cơ sở y tế là đơn vị công ích làm dịch vụ công nên không đủ chi, các cơ sở còn thiếu kinh phí cho việc vận hành và bảo dưỡng thường xuyên hệ thống xử lý chất thải… dẫn đến hoạt động không hiệu quả, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Trước thực trạng đáng báo động trên, ông Mai Xuân Hải – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo việc khắc phục các tồn tại theo đánh giá tác động môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường. Riêng các hạng mục công trình môi trường phải xây dựng kế hoạch vốn năm 2018 hoàn thành trước ngày 30-6-2018. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường đúng quy định, xử lý nước thải, chất thải đạt quy chuẩn trước khi xả thải. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần phối hợp trong đề xuất nguồn vốn xây dựng hoàn thiện các hạng mục công trình còn thiếu để sớm đưa vào hoạt động.

Vũ Đình Năm

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế còn nhiều bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO