Gia Lai: Báo động dịch sốt xuất huyết

15/07/2017 00:00

(TN&MT) - Cứ mỗi khi bắt đầu vào mùa mưa, người dân tỉnh Gia Lai cũng như các tỉnh Tây Nguyên lại sống trong nỗi lo dịch sốt xuất huyết bùng phát. Năm nay, mùa mưa đến sớm hơn so với mọi năm (đã có mưa gần 1 tháng) và dịch sốt xuất đã bắt đầu đạt mức báo động “đỏ”. Tính đến trung tuần tháng 7/2017, tỉnh Gia Lai đã có gần 800 ca mắc sốt xuất huyết. Dự báo số ca bệnh sẽ tăng nhanh vì hiện tượng thời tiết bất lợi, mưa xen kẽ nắng là điều kiện thuận lợi cho bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát mạnh.

Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh tại Gia Lai.
Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh tại Gia Lai.

Theo nhận định của ông Nguyễn Đình Tuấn – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 3 tuýp bệnh lưu hành. Những người đã bị bệnh năm trước (đã được điều trị khỏi bệnh) vẫn có thể bị mắc bệnh lại. Trước tình hình này, ngành y tế tỉnh đã chủ động phòng chống dịch ngay từ đầu mùa mưa. Hiện tỉnh Gia Lai đã trích kinh phí hơn 1 tỷ đồng, cùng với kinh phí dự phòng những năm trước của ngành y tế cấp tỉnh, cấp huyện để mua thuốc chủ động phòng chống dịch. Tăng cường giám sát các ca bệnh đang điều trị, mưa sắm các trang thiết bị, vật tư y tế đặc biệt đề phòng bệnh tăng nặng, cách phát hiện bệnh, dự báo nguy cơ mắc bệnh, tuyên truyền trong nhân dân… nhằm giảm thiểu các ca tử vong…”

Theo thống kê của ngành y tế tỉnh Gia Lai, đến nay, những địa phương có số ca bệnh nhiều nhất là TP Pleiku (gần 200 ca) và huyện Phú Thiện (hơn 160 ca). Đây cũng là những địa phương luôn được xem là ổ dịch phát triển mạnh ngay từ đầu mùa mưa hàng năm, năm nay cũng không ngoại lệ.

Những ca mắc bệnh sốt xuất huyến đang được điều trị tại BV đa khoa tỉnh Gia Lai.
Những ca mắc bệnh sốt xuất huyến đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai.

Ông Hồ Ngọc Gia – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Gia Lai cho biết: Năm nay mới là đầu mùa nên tình hình  dịch bệnh sốt xuất huyết chưa tăng cao đột biến so với cuối năm 2016, nhưng có dấu hiệu khác thường so với những năm trước, dự đoán sẽ có nhiều diễn biến phức tạp dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát mạnh. Đến nay, tỉnh Gia Lai đã cấp gần 300 lít hóa chất cho các huyện, thị xã, thành phố để xử lý dịch, xử lý sớm các ổ dịch. Lập kế hoạch xử lý sốt xuất huyết chủ động 6 tháng cuối năm tại các địa phương có yếu tố nguy cơ tăng cao ( dịc bệnh tăng mạnh nhất là vào tháng 12 và tháng 1 năm sau)

Dịch bệnh sốt xuất huyết tại Gia Lai đang được báo động “đỏ” ngay từ đầu mùa (đã đạt tỷ lệ 57ca/100.000 dân). Theo đánh giá của ngành y tế, đặc thù của bệnh trong các năm trở lại đây không như các năm trước, bênh xuất hiện ở nhiều xã, phường và kéo dài ngay từ đầu năm nên rất khó xử lý. Do ảnh hưởng hiện tượng El Nino gây hạn hán ở nhiều nơi nên người dân sử dụng nhiều dụng cụ tích trữ nước để sử dụng và ý thức chủ quan của người dân ít khi lau rửa nên khi xuất hiện mưa xuống là các vật dụng chứa nước tạo điều kiện cho muỗi sinh sản gây ra tình trạng bùng phát dịch bệnh nhanh chóng; ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, chủ quan, như: không ngủ màn, không diệt lăng quăng tại hộ gia đình, nhiều dụng cụ chứa nước không được dọn vệ sinh… tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh phát triển.

Để tránh dịch sốt xuất huyết lây lan và nguy hiểm đến tính mạng, tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo ngành y tế và các địa phương khuyến cáo người dân nếu bị sốt liên tục phải đến ngay bệnh viện để được điều trị kịp thời. Cùng với đó, các gia đình nên vệ sinh môi trường và khi đi ngủ phải nằm màn để tránh muỗi đốt.

Anh Ksor Tir (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, Gia Lai) bị sốt xuất huyết nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai chia sẻ: Khi đi làm rẫy về, thấy người mệt mỏi, hơi khó chịu nên lên giường nằm nghỉ. Thấy sốt cao, gia đình đưa đến bệnh viện. Nay anh nằm điều trị hơn 1 tuần rồi, bệnh đã đỡ. Bác sĩ nói cần phải nằm điều trị thêm để theo dõi, lúc nào thể trạng tốt mới cho xuất viện. Nghe nói khu vực chỗ gia đình anh sinh sống cũng được cán bộ y tế về phun thuốc diệt muỗi…

Theo bác sĩ Rơ Com Manh - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai), sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra. Vi rút lây lan từ người bệnh sang người lành do muỗi truyền bệnh đốt máu và mầm bệnh xâm nhập qua vết đốt. Muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) là trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Người bị muỗi đốt truyền vi rút sốt xuất huyết sau 7 đến 10 ngày thì phát bệnh. Người bệnh sốt xuất huyết thường bất ngờ bị sốt cao liên tục trên 38,5 độ nhưng dùng thuốc hạ sốt không có tác dụng, đi kèm các triệu chứng như đau đầu, nhức mỏi cơ, xương, khớp; cơn đau đầu trong hố mắt như búa bổ. Nếu xuất hiện thêm các dấu hiệu cảnh báo như: sốt ly bì, nôn mửa, đau bụng kèm đi cầu lỏng, da nổi các chấm đỏ xung huyết, chảy máu mũi, chảy máu cam, tiểu ít, phụ nữ có thể bị rong kinh… thì cần nhập viện ngay nếu không dễ bị sốc, nguy hiểm đến tính mạng.

Đến nay, bệnh hiện chưa có thuốc đặc trị, chủ yếu là điều trị triệu chứng, tăng cường thể trạng cho người bệnh. Tăng cường hạ nhiệt khi sốt cao trên 38,5 độ bằng cách để người bệnh nằm ở nơi thoáng mát, nới rộng quần áo, lau người bằng nước ấm nhiều lần. Cho người bệnh uống nước ORS hoặc nước cam, nước cháo loãng, nước đường, nước dừa để cân bằng điện giải, chống sốc.

Bác sĩ Mai Xuân Hải - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cảnh báo: Từ đầu năm đến nay, vi rút gây sốt xuất huyết được ghi nhận thêm tuýp Dengue II, triệu chứng bệnh có diễn biến nặng hơn, do đó nguy cơ tử vong sẽ cao hơn; đồng thời, một người có thể mắc 2 lần do 2 tuýp vi rút khác nhau, lần sau thường bị nặng hơn lần trước. Vì vậy, những tháng cuối năm 2017 nhận định bệnh sẽ diễn biến phức tạp, đặc biệt cao điểm từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau số lượng bệnh nhân sẽ tăng mạnh nếu không can thiệp, xử lý quyết liệt. Hiện nay, tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đều đã chuẩn bị nhân lực, vật lực để đối phó dịch bùng phát. Đến nay đã chủ động lên kế hoạch dự liệu cho công tác khám, thu dung và điều trị cho các bệnh nhân…

                 Vũ Đình Năm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Báo động dịch sốt xuất huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO