Giá điện than tăng theo chi phí môi trường

07/09/2017 00:00

(TN&MT) - Giá thành sản xuất điện than sẽ tăng rất nhiều khi tính đến cả chi phí ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe, sinh kế và môi trường.

Theo Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh, từ nay đến năm 2020, công suất nhiệt điện than của Việt Nam tăng từ 33,4% lên 42,7% tổng công suất nguồn. Như vậy, đã điều chỉnh giảm 5,3% và đến năm 2030 giảm 9% so với quy hoạch cũ, nhưng nhiệt điện than vẫn đóng vai trò chủ đạo.

Theo PGS. TS Nguyễn Minh Duệ, chuyên gia kinh tế năng lượng, việc phát triển nhiệt điện than không đảm bảo được 2 tiêu chí về an ninh năng lượng là hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

Khi so sánh chi phí sản xuất điện quy dẫn (LCOE) của nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch với năng lượng tái tạo (NLTT), cần phải tính đến chi phí ngoại biên trong giá điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch. Mức thuế (hay được hiểu là giá) các-bon được áp dụng ở mức khiêm tốn là 10 USD/tấn CO2 để bù đắp phần nào chi phí phát sinh ô nhiễm mà các nhà máy điện than gây ra trong suốt vòng đời hoạt động. Áp dụng mức thuế này sẽ làm cho giá thành quy dẫn LCOE nhiệt điện than dao động từ 7,2 - 10,4 UScents/kWh.

Giá thành sản xuất điện than sẽ tăng rất nhiều khi tính đến cả chi phí ô nhiễm môi trường. Ảnh: MH
Giá thành sản xuất điện than sẽ tăng rất nhiều khi tính đến cả chi phí ô nhiễm môi trường. Ảnh: MH

Nếu dựa vào chiến lược than, Việt Nam sẽ dễ bị tổn thương khi giá, nguồn than chưa được tính hết vào chi phí xây dựng nhà máy. Theo Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, để đảm bảo an ninh năng lượng, nước ta dự kiến nhập khoảng 17 triệu tấn than, chiếm 31% nhu cầu than cho phát điện vào năm 2020.

TS. Koos Neefies, Chuyên gia độc lập nhận định, những rủi ro về môi trường và xã hội khiến chi phí sản xuất điện than có nguy cơ tăng cao hơn, làm giảm sức cạnh tranh với điện năng lượng tái tạo vốn đang trên đà giảm. Đến năm 2017, LOCE điện từ NLTT trung bình toàn cầu đã có mức giảm đáng kể. Điện gió trên bờ dưới 6 UScent /kWh, ngoài khơi dưới 10 UScent/kWh và tấm pin NLMT là 3 - 8 UScent/kWh. Dự báo, tấm pin NLMT và gió trên bờ trong năm 2017 hoặc 2018 sẽ giảm xuống còn khoảng 4 - 5 UScent/kWh ở nhiều nơi.

Ngoài cộng thêm mức tăng giá than trong suốt vòng đời hoạt động của nhà máy, LOCE của điện than có thể sẽ cao hơn nữa nếu không còn hỗ trợ của nhà nước như xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc vận chuyển than; tình trạng nợ công cao buộc mức trợ giá gián tiếp sẽ giảm trong thời gian tới; các nhà máy cũng cần đầu tư cải tiến công nghệ và tăng hiệu suất…

Hiện nay, biểu giá bán lẻ điện của EVN là rất thấp so với quốc tế. Việt Nam đã tăng giá điện trung bình 44% trong giai đoạn 2010 - 2012, nhưng lạm phát tích lũy lên tới 53% khiến giá điện thực giảm đi. Một số nhà máy nhiệt điện (cả than và khí, dầu) nội địa bị thua lỗ khi xem xét biểu giá bán lẻ trung bình đang được áp dụng. Bởi vậy, đối với Việt Nam, các chuyên gia nước ngoài khuyến nghị, mấu chốt của việc đảm bảo phát triển bền vững ngành năng lượng và thu hút đầu tư vào ngành này là xây dựng khung giá điện hợp lý.

Đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), ông Ingmar Steltor nhấn mạnh, không nên nhầm lẫn giữa giá cả hợp lý và giá rẻ. Giá điện phải đủ để hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo cũng như sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Tiết kiệm năng lượng và đổi mới sáng tạo trong sử dụng năng lượng mới là cần thiết để phát triển bền vững ngành điện. Những cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư cho NLTT thời gian gần đây được kỳ vọng sẽ giảm rủi ro, loại bỏ rào cản để thu hút đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này.

Nghị định của Chính phủ về Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng tỷ trọng NLTT trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp lên 32,3% vào năm 2030. Với việc phát triển các nguồn điện sử dụng NLTT (gió, mặt trời, sinh khối…) thay thế dần nhiên liệu hoá thạch, từ đó, cho phép Việt Nam cắt giảm 25% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030.

Khánh Ly

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá điện than tăng theo chi phí môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO