Ghi nhận nơi rốn lũ Đại Lộc

06/11/2017 00:00

(TN&MT) - Được coi là rốn lũ của tỉnh Quảng Nam, huyện Đại Lộc hiện đã có khoảng gần 30 nghìn hộ dân bị ngập lụt, trong đó có nhiều hộ dân bị ngập nặng, bị lũ cô lập và nhiều hộ cần cứu trợ khẩn cấp.

Nước lên nhanh do thủy điện xả lũ

Theo bảng theo dõi vận hành điều tiết lũ hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Nam, từ 21h tối ngày 4/11/2017 là thời gian đỉnh điểm các thủy điện xả lũ.

Cụ thể: Thủy điện Sông Tranh 2 xả về sông Thu Bồn với lưu lượng 2198m3/s, so với 305m3/s lúc 12h trưa cùng ngày; tương tự, Thủy điện Sông Bung 4 xả lũ về sông Vu Gia với lưu lượng 4270m3/s so với 1658m3/s so với 12h trưa cùng ngày; Thủy điện Đăk Mi4 xả qua tràn 3349m3/s so với 1416m3/s trưa cùng ngày.

Do các thủy điện tranh thủ xả lũ, nước từ phía trên thượng nguồn đổ về nhanh và mạnh đã khiến gần 30 nghìn ngôi nhà thuộc huyện Đại Lộc bị ngập úng, nhiều khu vực xóm làng bị cô lập, không thể liên lạc được với bên ngoài. Đã bắt đầu có hiện tượng người dân bị thiếu lương thực, thực phẩm, cần được cứu trợ.

Khu vực Nhà văn hóa thôn Quảng Huế, xã Đại An bị ngập lụt
Khu vực Nhà văn hóa thôn Quảng Huế, xã Đại An bị ngập lụt

Ông Trần Nam Sách, một người dân thị trấn Ái Nghĩa cho biết, nước lên nhanh và mạnh kinh khủng. Tối ngày 4/11 mới chỉ mấp mé bờ sông, nhưng đến nửa đêm về sáng đã tràn vào các thôn xóm. Nhiều nhà bị nước ngập sâu từ 0,8- 1,2m. Trong ngày 5/11, mực nước ở sông Vu Gia luôn mức báo động 3. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có 15.500 ngôi nhà trên địa bàn huyện Đại Lộc bị ngập nước. Trong đó, trụ sở các xã như Đại Phong, Đại Lãnh, Đại Hồng cũng bị nước tràn vào trong hơn 70 cm.

Chị Tô Thị Hòa, thôn Quảng Huế, xã Đại An than thở: nhà ở gần sông nên dù thức trắng đêm để vận chuyển, thu dọn đồ đạc nhưng vẫn bị trôi mất 3 con heo và hơn chục con gà do nước lên quá nhanh.

Đã có đoàn cứu trợ đến được với dân

Anh Trần Tạ Công Duẩn, đại diện cho Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Phước Yên cho biết: sau khi nhận được thông tin có hơn 10 hộ dân tại xóm Bến đò cũ, thuộc thôn Quảng Huế, xã Đại An bị nước lũ cô lập, người dân không thể liên lạc được với bên ngoài nên rất thiếu lương thực, thực phẩm, đại diện công ty đã tổ chức ngay một đoàn cứu trợ khẩn cấp với nhiều loại lương thực, thực phẩm như: mì tôm, giò, chả, thịt, sữa để đến với người dân. Tuy nhiên, do bị nước lũ cô lập, các hộ dân lại ở ngay sát với bờ sông, nên để vào được đến nơi, đoàn đã phải thuê ca nô, người điều khiển để vượt lũ đến với người dân.

Mưa lũ gây chia cắt giao thông nhiều tuyến đường ở huyện Đại Lộc
Mưa lũ gây chia cắt giao thông nhiều tuyến đường ở huyện Đại Lộc

Tại khu vực này, có nhiều hộ dân bị ngập sâu từ 1- 1,5m, có hộ hộ nước đã lên đến gần mái nhà khiến người dân phải di dời, ở nhờ những gia đình ở trên cao hơn.

Ông Đỗ Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Đại An cho biết: Do nước lũ lên nhanh nên đã có hàng trăm ngôi nhà trên địa bàn xã bị ngập nặng, nhiều nhà nước lên đến gần mái, nhiều thôn xóm bị cô lập, trong đó có hơn 10 hộ thuộc xóm Bến đò cũ, thuộc thôn Quảng Huế. Trước nguy cơ nhiều hộ bị thiếu lương thực thực phẩm, đại diện Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Phước Yên đã không quản ngại mưa lũ, nguy hiểm để đến cứu trợ bà con với giá trị hàng hóa, lương thực, thực phẩm và tiền mặt được 2 triệu đồng/hộ. Đây là đơn vị thường xuyên đồng hành cùng bà con xã Đại Hòa khi hàng năm đều tham gia vào các hoạt động từ thiện xã hội với trạ trị lên đến hàng trăm triệu đồng/năm. 

Đại diện Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Phước Yên trao quà cứu trợ kịp thời đến các hộ dân ở xóm Bến đò cũ, thuộc thôn Quảng Huế đang bị cô lập
Đại diện Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Phước Yên trao quà cứu trợ kịp thời đến các hộ dân ở xóm Bến đò cũ, thuộc thôn Quảng Huế đang bị cô lập

Đầu năm 2017, công ty đã đầu tư hơn 300 triệu để xây dựng một con đường bê tông có chiều dài gần 200m, chiều rộng 6m và có bề dày là 30cm, giúp người dân đi lại dễ dàng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Ngoài ra, công ty còn nhận hỗ trợ 180 triệu đồng, giúp một học sinh nghèo học giỏi tại thôn Quảng Yên.

Yêu cầu các thủy điện giảm lũ

Trước tình hình mưa lũ diễn biến nghiêm trọng, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam đã có công văn yêu cầu các thủy điện điều tiết giảm lũ. Thủy điện sông Bung 4 được lệnh vận hành giảm lũ với lưu lượng xả tràn và chạy máy thấp hơn 475m3/s; mực nước hồ lớn nhất cho phép là 222,5m. Khi hồ đạt mức nước lớn nhất, thủy điện được phép xả tràn và chạy máy bằng lưu lượng nước về hồ. Thủy điện Đăk Mi4 được phép tích nước đến mực 258m, xả nước qua chạy máy và xả tràn dưới 3.000m3/s.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu kiểm tra tình hình mưa bão ngày 5/11
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu kiểm tra tình hình mưa bão ngày 5/11

Trước tình hình mưa, lũ hiện tại, ngày 5/11, sau khi đi thực tế kiểm tra tình hình mưa lũ tại huyện Đại Lộc, TX. Điện Bàn và TP. Hội An, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết: Sẽ yêu cầu các đơn vị thủy điện vận hành xả lũ hợp lí hơn nhằm bảo đảm an toàn cho tài sản và tính mạng của nhân dân.

Ông Đinh Văn Thu chỉ đạo: “Nếu mực nước dưới báo động 1, thì cho xả lũ nhẹ, không quá 600m3/s để điều tiết lưu lượng nước về hạ lưu. Tránh tình trạng xả dồn dập sát ngày diễn ra Chương trình phu quân, phu nhân APEC”. 

Đức Huy – Anh Dũng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ghi nhận nơi rốn lũ Đại Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO