“Gác đền thời tiết” nơi miền duyên hải

12/08/2014 00:00

(TN&MT) - Bản tin dự báo thời tiết đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Để có được bản tin DBTT ngắn ngủi chừng ấy những quan trắc viên phải miệt mài lao động ngày...

(TN&MT) - Bản tin dự báo thời tiết đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Nhưng ít ai biết rằng, để có được bản tin dự báo thời tiết ngắn ngủi chừng ấy thôi, những quan trắc viên, dự báo viên Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ (đóng tại Đà Nẵng) đã miệt mài lao động ngày đêm, không quản mưa gió, bão lũ, thậm chí phải đánh cược bằng cả tính mạng.
   
Sinh ngh t nghip
   
  Nắng miền Trung đốt rang chảo lửa. Mưa miền Trung xối xả đêm ngày. Thời tiết ở miền Trung bao giờ cũng khắc nghiệt hơn hai đầu đất nước, nhưng những người con của Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ vẫn miệt mài “đếm mưa, đo gió”. Gặp tôi một chiều thu tháng Tám nơi Đà thành, anh Lê Viết Xê, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ mở đầu câu chuyện thật nhẹ nhàng: “Nghề dự báo thời tiết này vất vả, hiểm nguy lắm nhà báo ơi. Nếu ai không có bản lĩnh thì không thể bám trụ với nghề đâu”.
   
  Như lời anh Xê, công việc của Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ hàng ngày là thu thập, khai thác số liệu, dự tính, dự báo diễn biến phức tạp của thời tiết, tổng hợp số liệu của 75 trạm tự động, khí tượng, thủy văn, đo mưa trên địa bàn 6 tỉnh (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi), để kịp thời phát bản tin thời tiết. Họ phải thay phiên nhau trực, phân bố công việc một cách khoa học, hợp lý để vừa đảm bảo công việc, vừa đảm bảo sức khỏe. Nghe thì đơn giản vậy thôi nhưng vô cùng gian nan.
   
Thời tiết miền Trung khắc nghiệt nhưng bao người con của Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ
vẫn miệt mài “bắt bệnh ông trời”
    
   
  Với yêu cầu nhiệm vụ đặc thù, gần như tất cả các trạm thủy văn, khí tượng đều được đặt tại những nơi có thời tiết khắc nghiệt và nhiều biến động nhất như: Trạm Khí tượng Lý Sơn đặt trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi); Trạm Khí tượng Cồn Cỏ đặt trên đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị)… Dù vậy, những người làm công tác đo thời tiết của Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ vẫn thường xuyên bám trụ, cập nhật kịp thời các thông số đo mưa, đo gió vào các múi giờ quy định.
   
  Do tính chất công việc cần sự chính xác cao nên dù thời tiết có khắc nghiệt, những cán bộ khí tượng vẫn có mặt tại bình độ đo để tác nghiệp, ghi lại đầy đủ dữ liệu độ ẩm, mưa, gió, nhiệt độ và bơm thả bóng dạng khinh khí cầu để đo sức gió một cách chính xác. Việc dự báo càng khó khăn hơn, khi vào mùa mưa, con số phải cập nhật liên tục, cứ 30 phút một lần. Nếu để xảy ra một sơ suất dù là rất nhỏ trong dự báo, không chỉ có hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế mà nó còn gây thiệt hại về người.
   
  Anh Xê tâm sự: Tốt nghiệp đại học, tôi được phân công về làm việc tại đây. Với khối lượng công việc khổng lồ, hàng ngày phải đo độ gió, độ ẩm không khí, lượng bốc hơi, số giờ nắng, cập nhật thường xuyên về tổng đài. Thời gian quan trắc các hiện tượng thời tiết được quy định thống nhất trong cả nước và quốc tế: 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ hằng ngày. Những khi thời tiết diễn biến phức tạp, tôi không sao chợp mắt được trong nhiều ngày dài. Đáng nhớ nhất là đêm mưa to vào giữa tháng 9 năm 2009 ở Đà Nẵng. Đêm đó bão lớn, mặc cho sấm sét gào thét trên đầu, tôi và một đồng nghiệp đội mưa, ra bình đo ghi chép lại cẩn thận số liệu để kịp thời chuyển về tổng đài.
   
  Những nhọc nhằn trong cuộc đời làm khí tượng thủy văn vẫn chưa hết: “Những chuyến công tác dài ngày, nhiều khi nhớ nhà quá không ngủ được, chỉ còn biết trút tất cả vào trang thư. Mỗi lần về là mỗi lần đấu tranh tư tưởng ghê lắm, không về thì nhớ nhà mà về thì tốn kém, chỉ tính riêng tiền đi lại thôi đã mất đứt cả tháng lương rồi. Có lần lũ miền Trung lên nhanh, đi làm ốp lại chỉ mang đèn dầu không chừng mực nước nên tôi đã trượt ngã xuống dòng nước lũ cuồn cuộn, may mà bám được vào cành cây ven sông, nếu không đã mất mạng” - anh Xê kể. Gian nan thế, nguy hiểm thế nhưng chưa khi nào anh muốn bỏ nghề, dù chỉ là trong suy nghĩ.
   
  Nghề dự báo thời tiết đã gian nan rồi, dự báo ở vùng đầu nguồn lũ còn nhọc nhằn gấp bội. Tại những vùng đầu nguồn lũ các tỉnh Quảng Bình và Quảng Nam, lũ đầu mùa nước thường lên nhanh và chảy xiết. Các dòng sông với những con sóng dữ tung ngọn cao lừng lững có thể ập đến bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, nơi đây là nỗi khiếp đảm của nhiều khách thương hồ nhưng các anh, các chị ở Đài Trung Trung Bộ vẫn trụ vững. “Lần đầu tiên đi quan trắc ban đêm, mới ra trường không ai là không sợ. Tôi lại đi có một mình ra bờ sông trong đêm khuya vắng vùng rẻo cao, cứ nhắm mắt nhắm mũi làm cho xong, sau này quen dần rồi đỡ sợ” - anh Xê nói.
   
Họ đã tự rèn luyện cho mình một bản lĩnh vững vàng để bám trụ được với nghề
    
   
Vng vàng bám tr vi ngh
   
  Đối với phụ nữ, nghề dự báo thời tiết càng gian nan, nguy hiểm hơn. Có những chị phải đánh đổi hạnh phúc riêng của mình bởi đặc thù công việc thường xuyên phải trực đêm.
   
  Chị Nguyễn Thị Chung là nhân viên khí tượng ở Trạm khí tượng A Lưới (Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ). Ngay từ nhỏ chị đã có sở thích được đi đến những vùng thời tiết khắc nghiệt để đo đạc, nghiên cứu những biến đổi không ngừng của thời tiết. Nhưng khi bước vào nghề, chị Chung mới thấy được những khó khăn, vất vả của nghề. Công việc dự báo thời tiết nặng nhọc mà lại đòi hỏi chất lượng, hiệu quả cao. Ngày này qua ngày khác, các chị chỉ đối diện với con nước, dòng sông và những con số vô cảm; thu nhập thấp nên dễ buồn chán, nản lòng. Ngày thường đã vậy, khi trời mưa bão là lúc những người làm nghề dự báo thời tiết còn gian nan gấp bội. Trong khi mọi người đang yên giấc thì những người quan trắc khí tượng như chị Chung phải thức trắng đêm để làm nhiệm vụ “canh” mưa bão. Với chị Chung, có lẽ trong đời vẫn không sao quên được cơn bão Xanxen năm 2006. Khi sức gió giật trên cấp 13, 14, nhà cửa bị tốc mái, mọi người tìm nơi tránh trú an toàn, nhưng cứ 30 phút ,chị vẫn phải đi thu thập số liệu quan trắc một lần để phục vụ công tác báo bão. Từ trạm đến điểm quan trắc chỉ cách nhau vài chục mét, không chỉ “đội mưa”, còn phải bò lom khom để không bị gió xô ngã.
   
   
  Miền Trung - mảnh đất khắc nghiệt với những người “gác đền thời tiết” ở Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, nhưng những cán bộ, nhân viên luôn lấy tình yêu nghề, sự tận tâm với công việc làm lẽ sống. Họ luôn đặt nhiệm vụ cơ quan giao phó lên hàng đầu và chưa bao giờ bỏ ca trực.
   
  Khó có thể nói hết những khó khăn, vất vả mà những cán bộ, nhân viên của Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ đã trải qua. Có lẽ, họ đã tự rèn luyện cho mình một bản lĩnh vững vàng để bám trụ được với nghề. Và để có được bản tin dự báo thời tiết cho mọi người yên tâm lao động sản xuất, không thể không kể đến công lao của những người đã thầm lặng “bắt bệnh ông trời”.
   
  Bài và ảnh: X. Lam
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Gác đền thời tiết” nơi miền duyên hải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO